Tạo động lực cho sinh viên khuyết tật ở Thái Nguyên
(LĐXH)- Là những người khuyết tật vận động, nhưng họ lại có năng lực tư duy, sáng tạo, ý chí và nghị lực vượt khó rất đáng khâm phục. Cùng với sự giúp đỡ tận tình của thầy cô và bạn bè, họ đã và đang hoàn thiện cho mình một vị trí nghề nghiệp mới - Cử nhân Công nghệ thông tin. Họ là những sinh viên của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên).
Theo anh Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học CNTT&TT: Công nghệ thông tin là ngành nghề phù hợp với các SV khuyết tật vì công việckhông nhất thiết phải di chuyển nhiều, sau khi tốt nghiệp các em có thể làm những công việc liên quan đến lĩnh vực này. Trong 5 năm gần đây, Nhà trường đã có 8 SV khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn vào học tập. Với những SV này, Trường luôn có những hình thức hỗ trợ về các mặt như: miễn giảm học phí, huy động doanh nghiệp nhà hảo tâm giúp đỡ, tặng máy tính xách tay, xe đạp điện, hỗ trợ xe lăn… Các thầy cô giáo, bạn cùng lớp cũng giúp đỡ về mặt tinh thần để giúp các em có thêm nghị lực vươn trong cuộc sống, học tập.
Nguyễn Văn Tuân, lớp CNTT k14, Trường Đại học CNTT&TT (Đại học Thái Nguyên) được các bạn cùng lớp giúp đỡ trên đường tới giảng đường.
Căn bệnh ung thư xương quai hàm đã khiến nụ cười của chàng trai Dương Đức Thắng (xóm Đồng Yên, xã Thượng Đình, Phú Bình) không còn giống các bạn cùng trang lứa. Thế nhưng, vượt qua mọi đau đớn và mặc cảm về bệnh tật, Thắng vẫn là một chàng trai đầy nghị lực.Nùm 2012, Thắng đỗ vào Trường Đại học CNTT&TT, mọi người trong gia đình, làng xã đều vui mừng nhưng bên cạnh đó là nỗi lo lại nhân lên gấp bội. Tiền thuốc lo chữa bệnh cho Thắng chưa xong bởi kinh tế gia đình ngày càng khó, nợ nần chồng chất nay lại lo nuôi con vào đại học. Thắng kể lại: Biết được hoàn cảnh khó khăn của tôi, Trường Đại học CNTT&TT đã tạo điều kiện học tập bằng cách miễn học phí, hỗ trợ học bổng. Nhà trường còn kết nối với doanh nghiệp tặng tôi một chiếc xe đạp điện để tôi đi lại dễ dàng hơn. Nhờ đó, sau khi tốt nghiệp, tôi đã có một việc làm ổn định với mức thu nhập khá.
Bên cạnh sự giúp đỡ về vật chất thì việc được hỗ trợ về mặt tinh thần luôn là động lực giúp các bạn SV tiếp tục nỗ lực trong học tập. Là SV năm 4, lớp CNTT-K14, Nguyễn Văn Tuân có dáng người thấp bé. Bị liệt hai chân từ khi mới lọt lòng nên Tuân phải đi xe lăn đến trường. Gia đình em đều làm nông nghiệp nên thu nhập khá bấp bênh. Sau khi học xong cấp 3, em chọn học ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học CNTT&TT (Đại học Thái Nguyên) để thực hiện được ước mơtrở thành một kỹ sư về máy tính với hy vọng có một công việc ổn định và giúp đỡ bố mẹ lúc tuổi già. Năm 2014, khi biết tin mình đã trúng tuyển vào Trường, Tuân vừa mừng, vừa lo. Mừng khi đã thực hiện được ước mơ với ngành học mong muốn, nhưng lo lại nhiều hơn khi em cảm thấy tự ti, mặc cảm về đôi chân của mình. Tuân chia sẻ: Những suy nghĩ tiêu cực của em đã không còn khi em được sự giúp đỡ, động viên của thầy cô và bạn bè.
Nguyễn Văn Thành, lớp trưởng lớp CNTT - K14 cho biết: Biết bạn Tuân không được khỏe mạnh như mọi người, chúng tôi đã phân công thay nhau đến nhà đón đi học, giúp Tuân theo kịp các bài giảng. Mọi thành viên trong lớp đều hòa đồng, giúp đỡ mỗi khi Tuân có vướng mắc trong học tập. Trong lớp Tuân có kết quả học tập tốt, hiện nay bạn còn là thành viên cốt cán của Câu lạc bộ tin học của Nhà trường.
SV khuyết tật Hoàng Văn Mạnh cũng có một hoàn cảnh khá đặc biệt. Là con trai út trong một gia đình có 5 anh chị em, bố mẹ đều làm nghề nông ở huyện Lâm Bình (Yên Bái). Vừa ra đời, Mạnh đã mắc phải bệnh viêm phổi cấp. Năm lên 3 tuổi, Mạnh bị teo cơ, chân và tay bắt đầu mất cử động. Từ đó cho đến khi lớn lên, việc di chuyển rất khó khăn, nhiều lúc Mạnh phải bò như một đứa trẻ. Học hết THPT, năm 2014, Mạnh theo học trường nghề dành cho người khuyết tật sau đó thi tuyển vào ngành Khoa học máy tính của Trường Đại học CNTT&TT. Trước hoàn cảnh của Mạnh, các bạn trong lớp đã tổ chức phân công hàng ngày cõng Mạnh lên giảng đường. Bên cạnh đó, cùng sự giúp đỡ của thầy cô, các bạn học cùng lớp đã thiết kế cho Mạnh một chiếc xe lăn có điều khiển.
Ông Bùi ngọc Tuấn, Trưởng phòng Công tác học sinh SV cho biết: Các bạn SV khuyết tật đã phải nỗ lực rất nhiều mới có thể trúng tuyển vào cao đẳng, đại học. Nhưng khi ra trường, phần lớn các em không có việc làm hoặc nhận được việc làm trái với chuyên môn, thu nhập thấp. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm các em SV khuyết tật đang học tại trường, liên hệ với các doanh nghiệp để hỗ trợ việc làm sau khi ra trường của các em. Nếu các cơ quan, doanh nghiệp nhận họ vào làm việc, phân công những công việc phù hợp thì chắc chắn các em sẽ phát huy được khả năng của mình. Đó không chỉ là giúp người khuyết tật biến ước mơ thành hiện thực mà còn là trách nhiệm của cộng đồng đối với những người kém may mắn./.
Thu Nga
TAG: