Tạo cơ hội cho người lao động học nghề - khởi nghiệp - việc làm bền vững
(LĐXH) - Phát triển hệ thống giáo dục mở, linh hoạt để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động học nghề - tạo việc làm là xu hướng chung của các quốc gia trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa và đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay…
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, được sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, giáo dục nghề nghiệp đã từng bước được đổi mới và phát triển... Tuy nhiên, một số lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, nhu cầu học nghề của xã hội và hội nhập quốc tế, nhất là đối với việc đào tạo khối ngành sức khỏe, văn hóa nghệ thuật, đặc biệt hiện nay có hiện tượng một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết đào tạo tràn lan…
Hướng tới mục tiêu, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp khi tổ chức đào tạo các ngành nghề đặc thù đồng thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, xử lý hành vi vi phạm trong tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp. Thời gian vừa qua, các cấp, các ngành cùng cơ quan có thẩm quyền đã tích cực trong công tác truyền thông, công tác tuyển sinh, đào tạo và đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong đó có khối ngành, nghề đặc thù này và đã được các cấp, các ngành, xã hội và đặc biệt là doanh nghiệp đánh giá cao về hoạt động giáo dục nghề nghiệp làm thay đổi một phần của nhận thức xã hội và người dân về giáo dục nghề nghiệp trong thời gian qua...
Trên thực tế, việc đăng ký và tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với các ngành, nghề đặc thù này có những khó khăn, vướng mắc. Vậy, chúng ta cần nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp cũng như các thông tư hướng dẫn triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp hoặc liên hệ với Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp để thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt...
Có thể nói, ngay sau khi tiếp nhận bàn giao chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có văn bản thỏa thuận với Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn tổ chức đào tạo đối với các ngành, nghề đặc thù. Việc đào tạo khối ngành đặc thù, đặc biệt là việc liên kết đào tạo là liên kết với doanh nghiệp để cho học sinh, sinh viên tiếp cận với môi trường làm việc, các thiết bị công nghệ ngoài thực tiễn sản xuất và nâng cao trình độ kỹ năng nghề chưa thực sự theo đúng bản chất là liên kết với doanh nghiệp.
Để kịp thời hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, đồng thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, xử lý hành vi vi phạm trong tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, các cấp, các ngành có liên quan cùng với địa phương và các trường, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tập trung làm rõ những vấn đề sau: Giải đáp, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ đối với việc đăng ký, cách xác định quy mô tuyển sinh/năm, cách tính, cách quy đổi thế nào? Việc vận dụng linh hoạt các quy định, điều kiện đặc thù có liên quan trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp? Vấn đề xử lý hành vi vi phạm đối với việc đào tạo các ngành nghề đặc thù thuộc khối ngành sức khỏe; khối ngành văn hóa, nghệ thuật, khối ngành chăm sóc sắc đẹp có chất lượng và hiệu quả…
Phát triển giáo dục nghề nghiệp hướng tới việc làm bền vững
Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, hướng tới việc làm bền vữnglà một trong những vấn đề quan trọng và bức thiết rất cần sự tham gia đóng góp kinh nghiệm thực tiễn của cán bộ quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà giáo, doanh nghiệp, người lao động… Từng bước rỡ bỏ mọi rào cản về pháp lý, kỹ thuật, tài chính để tạo điều kiện thuận lợi, công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người về cơ hội tiếp cận với các dịch vụ đào tạo nghề, bao gồm việc học nghề, khởi nghiệp, có việc làm.
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nêu: “Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo”. Đối với giáo dục nghề nghiệp, Nghị quyết 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 chủ trương: “Sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động”…
Do vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục làm rõ khái niệm, các nguyên tắc, đặc điểm và những thách thức khi tiếp cận và vận hành hệ thống giáo dục nghề nghiệp hướng mở, linh hoạt; phân tích mối quan hệ giữa phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt với học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, xã hội hóa, các cơ hội việc làm bền vững cho người lao động, đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động; cung cấp thông tin, kinh nghiệm quốc tế và bài học vận dụng vào điều kiện Việt Nam; định hướng phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp hướng mở, linh hoạt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0; Nghiên cứu và khuyến nghị giải pháp về hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt và kế hoạch hành động của hệ thống và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Việc xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, năng động, toàn diện theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, cung cấp cơ hội việc làm đầy đủ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho lực lượng lao động. Các cơ hội học tập suốt đời cho phép người học, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập khu vực và thế giới là điều kiện tiên quyết để tăng cường sự bình đẳng trong xã hội, thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững.
Để thực hiện mục tiêu đó, chúng ta cần đổi mới trong hoạch định và thực hiện chính sách, đòi hỏi phải xem xét lại các chiến lược phát triển giáo dục. Thực tế, trong nhiều năm qua, Chính phủ đã xây dựng khung pháp lý khá toàn diện về giáo dục nghề nghiệp, song rào cản đối với học sinh, sinh viên, người học trong việc tiếp cận với giáo dục nghề nghiệp là thách thức đối với nhà hoạch định chính sách về giáo dục nghề nghiệp. Muốn vậy, chúng ta cần làm rõ các luận điểm về tính bao trùm, tính cân bằng về giới, sự cung cấp các khóa học theo định hướng nhu cầu, năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp… Trong đó, tập trung các vấn đề như: Khái niệm giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt; quá trình hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở; định vị và cấu trúc của hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt và liên thông trong xã hội học tập; đặc thù hệ thống giáo nghề nghiệp mở trong chỉnh thể hệ thống giáo dục mở; mối quan hệ về chất lượng và quy mô trong phát triển giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt; nguồn tài nguyên mở, học liệu mở và ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt; phát triển giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt với việc làm bền vững...
Tiếp đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt và liên thông; quan hệ giữa phát triển giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt với việc làm bền vững trong cách mạng công nghiệp 4.0; Xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở trong xã hội học tập; xây dựng giáo dục nghề nghiệp mở trước các thách thức của cách mạng công nghiệp lần thứ 4; vai trò của hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở linh hoạt đối với phát triển nguồn nhân lực; đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động.../.
Nguyễn Hữu Bắc
TAG: