Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Tăng cường các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy ở Phú Yên
04:11 PM 15/12/2020
(LĐXH) - Theo báo cáo của Sở Lao động – TBXH Phú Yên, hiện tổng số người sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh là 1.229 người, người nghiện ma túy có 301 người. Có 88/110 xã, phường, thị trấn có người sử dụng ma túy và nghiện ma túy, chiếm tỉ lệ 80%, chưa có xã, phường trọng điểm về ma túy.
Các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy được tổ chức bằng nhiều hình thức sinh động
Ngành Lao động – TBXH Phú Yên đã tổ chức cai nghiện cho 108 người, trong đó cai nghiện bắt buộc 13 người, cai tự nguyện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy và trợ giúp xã hội 60 người; tại gia đình, cộng đồng 35 người. Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone 67 người. Các liệu pháp cai nghiện được áp dụng đồng bộ. Đến nay đã có 12 người cắt cơn nghiện, phục hồi được sức khỏe, chuẩn bị hòa nhập cộng đồng.
Xác định công tác truyền thông là khâu quan trọng giúp nâng cao nhận thức để người dân không vướng vào ma túy, trong 05 năm qua, Sở Lao động - TBXH phối hợp với các Sở, ngành, tổ chức hội đoàn thể và các địa phương: Gắn nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với việc đấu tranh phòng ngừa các tệ nạn xã hội trên từng địa bàn. Đến nay đã có 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có Đội công tác xã hội tình nguyện với 586 thành viên, đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối kết hợp cùng các ban, ngành đoàn thể  triển khai nhiều hoạt động có hiệu quả; Tổ chức tập huấn hướng dẫn công tác tư vấn, tuyên truyền cho đội ngũ cán sự xã hội, tình nguyện viên xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác cai nghiện ma túy, từ việc xem người nghiện ma túy là tội phạm, là tệ nạn xã hội sang là người bệnh nhằm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử. Phổ biến các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người nghiện ma túy và gia đình, người thân người nghiện, thông báo các hình thức cai nghiện để tự lựa chọn, đăng ký phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân, gia đình và sự cần thiết phải cai nghiện ma túy, vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng bền vững, hạn chế tái phạm, tái nghiện.

Công tác khám chữa bệnh cho người nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy
Các xã, phường, thị trấn đã phân công thành viên trong Tổ công tác cai nghiện ma túy, Đội công tác xã hội tình nguyện để tuyên truyền trực tiếp tại hộ gia đình, phân tích tác hại, hậu quả của nghiện ma túy, trên cơ sở đó hướng dẫn, định hướng cho người nghiện và gia đình lựa chọn những hình thức cai nghiện phù hợp. Nhờ đó nhiều người nghiện đã tự nguyện đăng ký cai nghiện ma túy, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm, được quần chúng nhân dân tin tưởng, giúp đỡ, hỗ trợ hoàn thành tốt nhiệm vụ.    
Công tác rà soát, thống kê, đánh giá người nghiện ma túy cũng được các địa phương quan tâm chỉ đạo và thực hiện tốt, nhất là các địa phương có triển khai mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng. Riêng mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng của xã, phường, thị trấn, tuy mới triển khai nhưng bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ, đã có 144 người nghiện tham gia cai nghiện, trong đó có nhiều trường hợp đã thành công. Chương trình đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị ở cơ sở tham gia. Đây là mô hình có sự kết hợp giữa gia đình, chính quyền và các tổ chức xã hội, đoàn thể trong quản lý, hỗ trợ người nghiện, cai nghiện ma túy và ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Công tác cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy đã được tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, đã có 180 trường hợp đăng ký cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở. Đặc biệt có sự phối kết hợp tốt trong công tác quản lý giữa cai nghiện ma túy tại cộng đồng và cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở. Chương trình điều trị thay thế nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, tuy mới triển khai nhưng có 67 người nghiện ma túy đăng ký tham gia, bước đầu đã thu hút người nghiện ma túy cai nghiện, góp phần đa dạng hóa công tác cai nghiện ma túy ở cơ sở.
Một số địa phương xây dựng các mô hình về phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy đã giúp người nghiện ma túy thực hiện cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng đạt kết quả tốt. Công tác cai nghiện tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy và trợ giúp xã hội, phần nào đã cách ly người nghiện ma túy nặng với môi trường ma túy bên ngoài, giúp họ có điều kiện cai nghiện, phục hồi sức khỏe, ổn định về tâm lý và từ quyết tâm bỏ ma túy; Các hoạt động quản lý, giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện ngày càng được các địa phương tăng cường thông qua các hoạt động như: thăm hỏi, động viên, chăm sóc sức khỏe, tư vấn phòng, chống tái nghiện.
Trên thực tế, bên cạnh một số địa phương quan tâm chỉ đạo, cũng còn một số địa phương ở Phú Yên chưa thật sự quyết liệt và thường xuyên; một số xã, phường chưa vận động được người nghiện ma túy đăng ký cai nghiện (chỉ dừng lại ở rà soát, phân loại, thống kê); công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động chưa được thường xuyên và hiệu quả nên nhiều người nghiện ma túy và gia đình chưa tự giác khai báo và đăng ký cai nghiện. Do đó, tới đây cùng với việc tăng cường vận động người nghiện cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng, tỉnh sẽ tiếp tục phối kết hợp, tiến hành một cách thường xuyên, liên tục các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy với nội dung phong phú, hình thức phù hợp, tập trung tuyên truyền tại địa bàn dân cư, trong các trường học, cơ quan, doanh nghiệp. Đồng thời, hoàn thiện các chương trình chữa trị, giáo dục cho học viên tại cơ sở cai nghiện; tổ chức tốt công tác cai cắt cơn, giáo dục, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm và giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ trực tiếp làm công tác cai nghiện, quản lý sau cai; mở các lớp đào tạo cán bộ làm công tác quản lý, điều trị cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai tập trung và cộng đồng; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý và chuyên môn nghiệp vụ cho cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên trách làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội./.

Trần Huyền
 
TAG:
Tin khác
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật