Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối nông sản Việt Nam-Trung Quốc
(LĐXH)- Ngày 27/12/2023, tại Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại Quảng Đông (Trung Quốc) với Việt Nam nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối nông sản vào thị trường Quảng Đông.
Hội nghị cũng tạo cơ hội các doanh nghiệp Việt Nam tham gia, xúc tiến tìm kiếm cơ hội hợp tác thương mại với doanh nghiệp Trung Quốc.
Hội nghị được tổ chức với cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng zoom của đại diện doanh nghiệp ở đầu cầu Quảng Đông, Trung Quốc và một số tỉnh, thành của Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm XTTM Nông nghiệp cho biết, hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 235 tỷ USD năm 2022. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023. Trong 11 tháng 2023, Việt Nam đã xuất khẩu nông sản với kim ngạch 11,5 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 23,2% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Quảng Đông là địa phương đi đầu của Trung Quốc về phát triển kinh tế, thương mại và mở cửa. Trong nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Quảng Đông, ngoài thiết bị điện tử thì mặt hàng nông sản luôn chiếm ưu thế lớn như: gạo, cà phê, trà, tiêu, ớt, thanh long và thực phẩm chế biến. Năm 2022, theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại Việt Nam - Quảng Đông đạt 47 tỷ USD, chiếm 20,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc; trong đó, Việt Nam xuất khẩu khoảng 22 tỷ USD và nhập khẩu khoảng 25 tỷ USD.
Trong khi đó, Việt Nam có thế mạnh của một nền nông nghiệp nhiệt đới với phong phú nông thủy sản, đặc biệt các loại trái cây, rau quả và các loại rau gia vị. Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển với mức tăng trưởng ổn định hiện đang đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu và là thành viên của nhiều hiệp định kinh tế tự do tại khu vực cũng như trên toàn cầu. Vì vậy, Việt Nam có thể đóng vai trò “cửa ngõ” cho tỉnh Quảng Đông mở rộng hoạt động thương mại của mình, đặc biệt là tại khu vực ASEAN giàu tiềm năng.
Theo Giám đốc Nguyễn Minh Tiến, xác định rõ nhiệm vụ của mình, Trung tâm luôn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia xúc tiến, tìm kiếm cơ hội hợp tác thương mại. Đặc biệt, Hội nghị lần này được diễn ra trong bối cảnh Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình vừa có chuyến thăm chính thức Việt Nam trong tháng 12 rất thành công và đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng; tạo tiền đề cho sự hợp tác liên kết phát triển kinh tế, thương mại hai nước.
Hội nghị lần này cũng chính là hoạt động thiết thực nhằm tăng cường hoạt động XTTM, quảng bá, kết nối nông sản vào thị trường Quảng Đông, Trung Quốc, theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trên tinh thần Biên bản thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm XTTM Nông nghiệp và Hiệp hội xuất nhập khẩu Quảng Đông đã ký trước đó, từ ngày 6/7/2023. “Hội nghị lần này cũng giải đáp những vướng mắc nhằm tháo gỡ vấn đề về: thủ tục hải quan, về logictis, về thương mại điện tử cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia xuất khẩu. Qua đó, góp phần thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc bằng hình thức chính ngạch, đồng thời giới thiệu các sản phẩm máy móc nông nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc tới các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam”- ông Tiến cho hay.
Từ điểm cầu Quảng Đông, Trung Quốc, ông Ngô Tiểu Vỹ, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Quảng Đông bày tỏ tin tưởng rằng, với sự ủng hộ to lớn và phối hợp chặt chẽ của Hiệp hội xuất nhập khẩu Quảng Đông (Trung Quốc) cùng sự đồng lòng, quyết tâm vào cuộc của các doanh nghiệp cũng như mong muốn hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp hai nước sẽ là những động lực quan trọng để đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Quảng Đông nói riêng cũng như Trung Quốc nói chung.
Ông Lê Minh Chánh, Phó Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Công Thiện Phát (tỉnh Long An) đánh giá, tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc rất lớn, khi Việt Nam đang sở hữu nhiều nông sản và sản phẩm có thể chế biến. Nếu doanh nghiệp chấp nhận đầu tư vào sản phẩm như: bao bì mẫu mã, nâng cao chất lượng, sản xuất đạt các tiêu chuẩn về bảo đảm an toàn thực phẩm… thì luôn được thị trường Trung Quốc đón nhận.
Chỉ riêng tỉnh Quảng Đông với dân số lớn, nếu doanh nghiệp được riêng thị trường này chấp nhận thì cũng có thể có các đơn hàng rất lớn. Nếu được tiêu thụ trên toàn Trung Quốc thì nhiều nhà máy cần liên kết mới có thể đáp ứng được nhu cầu của họ.
"Doanh nghiệp đã liên kết được với nhà nhập khẩu để phân phối không chỉ Quảng Đông mà cả Trung Quốc. Họ cũng có chiến lược đưa sản phẩm ra từng địa phương, như vậy doanh nghiệp cũng có bước chuẩn bị để có thể đáp ứng được đơn hàng lớn", ông Lê Minh Chánh chia sẻ.
Ông Chau Kelvin-Trưởng Đại diện Hiệp hội Xuất nhập khẩu Quảng Đông tại Việt Nam cho biết, Hiệp hội có trên 1.000 doanh nghiệp thành viên và cung cấp nền tảng chuyên nghiệp phục vụ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Tại Việt Nam, không chỉ hợp tác với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, hiệp hội đã hợp tác với một số tỉnh thành Việt Nam; tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại của các địa phương, hiệp hội và hợp tác xã; tổ chức triển lãm, kết nối giao thương.
Thời gian tới, hiệp hội sẽ gia tăng và mở rộng xúc tiến thương mại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam; xúc tiến thương mại cho nông, lâm, thủy sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc; tổ chức doanh nghiệp Việt Nam tham gia triển lãm các hoạt động tại Trung Quốc; xây dựng nền tảng live stream bán hàng, ông Chau Kelvin cho hay.
Với thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp và Hiệp hội xuất nhập khẩu Quảng Đông đã ký, ông Nguyễn Minh Tiến hy vọng, hai bên sẽ cùng tổ chức các chương trình kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam–Trung Quốc để thông tin, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc thông qua các doanh nghiệp nhập khẩu của tỉnh Quảng Đông. Đồng thời, giới thiệu một số vật tư, thiết bị nông nghiệp, dây chuyền sản xuất, chế biến, đóng gói sản phẩm của Trung Quốc với doanh nghiệp Việt Nam.
Là đơn vị chuyên sản xuất tinh chất chiết xuất từ rau củ quả, trái cây như: bột rau bá, bột rau tía tô, bột quả chanh leo, bột mãng cầu xiêm,… ông Lê Minh Chánh cho biết, doanh nghiệp đã mở được mã số để xuất khẩu thực phẩm vào Trung Quốc, đồng thời cũng xây dựng được đại lý phân phối sản phẩm sang thị trường này.
Cũng tại hội nghị, doanh nghiệp các bên đã chia sẻ thông tin về Hội chợ thực phẩm Chay tại Hongkong (diễn ra vào tháng 3/2024); Hội chợ xuất nhập khẩu Quảng Châu-Trung Quốc (Canton Fair) vào tháng 10/2024 cũng như các hoạt động hội chợ triển lãm năm 2024 tại Trung Quốc./.
Thảo Lan