Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Tăng cường công tác truyền thông trong lĩnh vực việc làm
01:19 PM 14/04/2023
(LĐXH) - Truyền thông là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của Cục Việc làm, tăng cường công tác truyền thông chính sách lao động việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp…, hiểu được bản chất sự việc lẫn quá trình vận hành và đối tượng tác động để có sự đồng thuận trong quá trình xử lý thông tin. Đây là nội dung được đưa ra tại Hội nghị tập huấn công tác truyền thông về việc làm được Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức sáng ngày 14/4/2023 tại Đà Nẵng.
Thời gian qua, Cục Việc làm đã chủ động chia sẻ thông tin, kiến thức với phóng viên báo chí, thông qua các hoạt động hội thảo, tập huấn, trang web, tổ chức tọa đàm về các chính sách việc làm, thị trường lao động... các lĩnh vực mà xã hội qua tâm như hỗ trợ người lao động trong đại dịch Covid-19, hỗ trợ người lao động bị thiên tai, quá trình sửa đổi luật việc làm, chính sách Bảo hiểm thất nghiệp, quản lý lao động nước ngoài v.v... góp phần hỗ trợ người lao động hiểu và tiếp cận các chính sách đã ban hành.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Trong công tác truyền thông chính sách nói chung, báo chí có vị trí hàng đầu, vai trò quan trọng và ảnh hưởng rộng rãi, góp phần đem lại hiệu quả cho chính sách. Cụ thể báo chí tham gia xây dựng, hoạch định chính sách như lấy ý kiến của người dân, của chính các cơ quan báo chí, đóng góp vào những dự thảo hoạch định chính sách cụ thể cho đến khi được ban hành. Trong lĩnh vực việc làm nói riêng, báo chí, truyền thông là cầu nối chính để tuyên truyền thể chế, chính sách lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp… Thực tế cho thấy, thời gian qua, truyền thông về lĩnh vực việc làm, quản lý lao động, thông tin thị trường lao động và bảo hiểm thất nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về lĩnh vực này đã các cơ quan truyền thông và toàn xã hội đặc biệt chú trọng và đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận.
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm phát biểu tại Hội nghị
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước về việc làm từ Trung ương đến địa phương cũng đã chủ động kết nối với báo chí để cung cấp thông tin, thực hiện các tuyến bài, chuyên trang, chuyên đề, phóng sự chuyên sâu về việc làm; sử dụng các phương tiện truyền thông đa dạng như truyền hình, phát thanh, báo viết, báo hình, báo mạng... cùng các hình thức truyền thông phong phú như chương trình, phóng sự, bài viết chuyên sâu, bài viết phản ánh, đưa tin, phỏng vấn, hỏi đáp chính sách, quy định pháp luật... nhằm tuyên truyền các nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Cục Việc làm với phạm vi phản ánh từ Trung ương đến địa phương, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận xã hội trong tổ chức thực hiện các chính sách.
TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội chia sẻ kinh nghiệm truyền thông về việc làm
Theo ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, hệ thống Trung tâm DVVL công là đơn vị sự nghiệp thực hiện dịch vụ công, thị trường lao động là nơi phục vụ công ích, nắm bắt việc điều phối dịch vụ việc làm, nhiều địa phương được giao cơ chế tự chủ nhằm hỗ trợ thị trường lao động vận hành một cách tốt hơn. Bên cạnh đó, BHTN là giá đỡ giúp điều chỉnh thị trường lao động, mục tiêu chính là chia sẻ rủi ro, hỗ trợ tư vấn, đào tạo nghề giúp người lao động quay trở lại thị trường lao động, góp phần giúp thị trường lao động vận hành một cách hiệu quả… Dựa vào những yếu tố này, ông Bình bày tỏ mong muốn các cơ quan báo chí truyền thông về lĩnh vực này cần hiểu một cách sâu sắc bản chất, tác nhân, cấu trúc và cách vận hành, phân tầng, bản chất của thị trường lao động.
“Dựa vào những chính sách hiện hành, báo chí cần truyền tải thông tin từ “truyền thống” sang “hiện đại”, tùy thuộc vào đối tượng để thông tin theo nhu cầu. Đa dạng hóa hình thức truyền thông để truyền thông có thể dễ dàng đi vào cuộc sống, tiếp cận người lao động một cách hiệu quả nhất”, ông Bình chia sẻ.
Ông Trần Tuấn Tú, Trưởng Phòng BHTN phát biểu tại Hội nghị
Chia sẻ các thông tin về chính sách BHTN, ông Trần Tuấn Tú, trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm cho biết: BHTN chia sẻ rủi ro với người tham gia, trên cơ sở vừa có đóng và hưởng, mức đóng và thời gian đóng. Cục Việc làm ngoài công tác tham mưu cho Bộ về các chính sách liên quan đến lĩnh vực lao động việc làm, đơn vị còn tổ chức các đoàn kiểm tra tại các địa phương, thanh tra chuyên đề về BHTN và các chính sách hỗ trợ Covid-19. Hiện đơn vị đang hoàn thiện các hệ thống dịch vụ công để xây dựng định mức và đơn giá về cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Trung Chính, Nguyên Quyền Tổng Biên tập Báo Lao động và Xã hội thông tin: Trong một xã hội bùng nổ thông tin như hiện nay việc làm thế nào để truyền thông lĩnh vực việc làm vừa bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vừa tạo được sự hấp dẫn và lan tỏa vẫn là một thách thức đòi hỏi sự sáng tạo trong phương thức thể hiện tác phẩm của người làm báo cùng cơ quan báo chí. Truyền thông về chính sách, thực hiện các chính sách việc làm thường khô khan và thiếu hấp dẫn, trong nhiều trường hợp chưa phản ánh những vấn đề cốt lõi, cập nhật của chính sách việc làm. Điều này làm việc truyền thông về lĩnh vực việc làm chưa thực sự hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó có nguyên nhân là sự trao đổi nội dung giữa cơ quan chủ quản và người làm truyền thông báo chí chưa thường xuyên.
Ông VŨ Phạm Dũng Hà, Trưởng phòng chính sách việc làm phát biểu tại Hội nghị
Có thể nói, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận mà báo chí truyền thông mang lại, vẫn còn một số cơ quan báo chí chưa thực sự quan tâm đầu tư cho công tác truyền thông về lĩnh vực việc làm; thị trường lao động; bảo hiểm thất nghiệp...người làm truyền thông – nhà báo gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thông tin đầu nguồn, thông tin chính xác và thông tin có trách nhiệm; sự phối hợp giữa các ngành trong tuyên truyền, chia sẻ thông tin còn lỏng lẻo…
Ông Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội chia sẻ: nhà báo cần có những kỹ năng khai thác thông tin, nắm bắt rõ, mổ xẻ, phân tích vấn đề sẽ góp phần tạo nên những tác phẩm có giá trị. Đồng thời, việc phổ biến các thông tin liên quan đến chính sách việc làm góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các chính sách cũng như nhận diện các thành tựu, thách thức để xác định các giải pháp hoàn thiện chính sách tốt hơn.
Được biết, trong quý I năm 2023, do ảnh hưởng của kinh tế thế giới một số doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động, có gần 294 nghìn lao động của các doanh nghiệp nghỉ giãn việc, có gần 149 nghìn lao động bị mất việc làm; đa số ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tập trung ở các ngành da giày, dệt may, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử và chủ yếu tập trung ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang,...Tuy nhiên, nhìn tổng thể, thị trường lao động Việt Nam vẫn đang tiếp tục duy trì đã phục hồi.  
Hà Giang –Hoàng Cảnh
TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Phú Thọ tích cực thu thập thông tin về người lao động, góp phần hỗ trợ việc làm bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững