Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Tăng cường công tác thanh tra, giám sát trong ngăn ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em
03:17 PM 15/10/2019
(LĐXH) - Để phù hợp với các công ước mà Việt Nam đã phê chuẩn thì Bộ luật Lao động phải điều chỉnh được vấn đề sử dụng lao động trẻ em trong khu vực không có quan hệ lao động. Đây được xem là một trong những điểm mấu chốt nhằm giải quyết thực trạng lao động trẻ em.

Đến thời điểm này, đối với vấn đề lao động chưa thành niên đã được thể hiện cụ thể trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Những quy định của Bộ luật Lao động hiện hành cơ bản đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế liên quan, cụ thể là: Các tiêu chuẩn theo Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (CRC), Công ước ILO số 138 về tuổi tối thiểu được đi làm việc và Công ước ILO số 182 về xóa bỏ những hình thức lao động trẻ em (LĐTE) tồi tệ nhất. Những nội dung về LĐTE đã được triển khai tích cực cùng với sự hỗ trợ của Dự án Nâng cao năng lực quốc gia để phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) hỗ trợ. Tuy nhiên, Bộ luật hiện hành còn một số hạn chế cần được nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của thực tiễn và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam.

Trẻ em phải tham gia làm việc sớm sẽ bị hạn chế các cơ hội phát triển toàn diện của các em

Vướng mắc lớn nhất hiện nay nằm ở chỗ, việc sử dụng LĐTE không phổ biến ở khối kinh tế chính thức có quan hệ lao động mà chỉ xuất hiện nhiều ở khối kinh tế không chính thức và trong nhóm không có quan hệ lao động. Như vậy, Bộ luật Lao động sửa đổi cần điều chỉnh để quản lý giám sát được LĐTE, kể cả trong nhóm không có quan hệ lao động. “Bởi rất nhiều mặt hàng, ngành hàng xuất khẩu của ta hiện nay như thủy hải sản xuất khẩu, trồng trọt... xuất phát từ khu vực kinh tế không chính thức và nguy cơ sử dụng LĐTE trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng nhiều hơn. Vì vậy, các biện pháp phòng ngừa phải bắt đầu từ hành lang pháp lý để có những quy định đầy đủ về sử dụng LĐTE”, theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội).

Những quy định của Bộ luật Lao động hiện hành về cơ bản đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế liên quan, cụ thể là các tiêu chuẩn theo Công ước của Liên hợp quốc tế quyền trẻ em (CRC), Công ước ILO số 138 về tuổi tối thiểu được đi làm việc và Công ước ILO số 182 về xóa bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất. Những nội dung về lao động trẻ em đã được triển khai tích cực cùng với sự hỗ trợ của Dự án nâng cao năng lực quốc gia để phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em của Cục trẻ em triển khai, do ILO hỗ trợ.

Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được tích cực xây dựng trong thời gian qua. Bên cạnh những nội dung quan trọng, Bộ luật Lao động năm 2012 đã dành Mục 1 Lao động chưa thành niên với 05 điều xác định tuổi của lao động chưa thành niên; việc sử dụng lao động chưa thành niên; nguyên tắc sử dụng lao động là người chưa thành niên và sử sụng lao động dưới 15 tuổi trong đó người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi làm các công việc nhẹ theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định, hiện nay theo Thông tư số 11/2013/TT-BLĐTBXH quy định về danh mục công việc nhẹ được sử dụng người dưới 15 tuổi làm việc để hướng dẫn thực hiện quy định này. Trong quá trình thực hiện từ 2013 đến nay, chúng ta có thể thấy có những vẫn đề khó khăn nhất định về lao động chưa thành niên. Và để phù hợp với các công ước mà Việt Nam đã phê chuẩn thì Bộ luật Lao động phải điều chỉnh được vấn đề sử dụng LĐTE trong khu vực không có quan hệ lao động. Đây được xem là một trong những điểm mấu chốt nhằm giải quyết thực trạng LĐTE.

Vấn đề LĐTE cần được tiếp cận một cách tổng thể, đồng bộ theo hướng giải quyết vấn đề nghèo đói, thiệt thòi và bất bình đẳng; cải thiện tiếp cận chất lượng giáo dục và các chương trình giáo dục kỹ năng làm việc cho trẻ em và người sắp thành niên; huy động sự ủng hộ của cộng đồng tôn trọng quyền trẻ em. Trong quá trình đó, công tác thanh tra LĐTE vẫn còn là vấn đề nan giải, gặp nhiều vướng mắc.

Theo Cục trưởng Đặng Hoa Nam, hiện nay chế tài xử lý những vi phạm liên quan tương đối đầy đủ, kể cả về xử lý hành chính cũng như xử lý hình sự. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) đã có chế tài xử lý việc sử dụng lao động chưa thành niên. Nhưng để phát hiện những vi phạm về LĐTE, hệ thống các cơ quan hành pháp, thanh tra cần tích cực hơn nữa. Vấn đề làm thế nào để giữ lao động chưa thành niên đúng quy định, tránh việc sử dụng vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, có biện pháp hỗ trợ để các em được đi học nghề, chuyển đổi công việc. Đó là cách tiếp cận ở một quốc gia còn nhiều hộ nghèo, đang ở mức phát triển trung bình. Pháp luật không cấm các em làm việc, nhưng lao động phải phù hợp với độ tuổi.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Hòa Bình, nguyên Trưởng phòng Thanh tra chính sách về trẻ em và xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho rằng cần xếp thanh tra lao động là hoạt động thanh tra đặc thù. Việc thanh tra, kiểm tra lao động vốn rất khó tiếp cận đối với khu vực kinh tế phi chính thức, nơi phần lớn hình thức LĐTE đang hiện diện vì quy trình, thủ tục thanh tra được quy định trong Luật Thanh tra hiện nay chỉ có thể áp dụng với khu vực kinh tế chính thức. Với thủ tục bắt buộc gồm nhiều bước nghiêm ngặt và rất khó tiến hành thanh tra đột xuất, việc có thể thanh tra một doanh nghiệp sử dụng LĐTE ngay khi phát hiện dấu hiệu vi phạm là điều gần như không thể.

Các em cần được tạo điều kiện để nuôi dưỡng ước mơ, học tập và trưởng thành trong môi trường an toàn, lành mạnh

Trên thực tế, cán bộ thanh tra đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra lao động, trong đó có lao động chưa thành niên nhưng chưa có cuộc nào riêng biệt về LĐTE, chưa có vụ vi phạm nào về sử dụng LĐTE bị xử lý hình sự. Theo bà Nguyễn Thị Hòa Bình,  ngay cả khi được báo chí phát hiện các vụ việc và đã có quyết định thanh tra đột xuất thì khi cán bộ thanh tra xuống tới nơi, địa phương cũng đã vào cuộc rất nhanh và doanh nghiệp thường chọn giải pháp cho thôi việc toàn bộ. Vì thế, nếu được xếp vào nhóm đặc thù, khu vực kinh tế phi chính thức được đưa vào nội dung Bộ luật Lao động và xác lập một quy trình riêng cho đối tượng LĐTE thì công tác thanh tra LĐTE sẽ hiệu quả hơn, xử lý nhanh nhạy và bảo vệ quyền lợi của các em tốt hơn. Có như thế, giải pháp quan trọng mà Chương trình 1023 về phòng ngừa giảm thiểu LĐTE giai đoạn 2016-2020 đặt ra: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng trẻ em lao động trái quy định của pháp luật mới có thể mang lại hiệu quả như mong muốn.

Khảo sát LĐTE cho thấy nguyên nhân về kinh tế là gốc rễ khiến trẻ em phải lao động sớm, trẻ đã bỏ học đi làm thì rất khó có cơ hội quay về môi trường học tập, cách giải quyết tiêu cực đó đẩy gia đình các em vào chỗ khó khăn hơn, phải tiếp tục tìm một công việc có thể nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại nào đó để tiếp tục làm việc và kiếm tiền. Vì vậy, trong các giải pháp để ngăn ngừa LĐTE, cần thiết làm tốt công tác tuyên truyền để doanh nghiệp, người sử dụng lao động có nhận thức tốt hơn về vấn đề này, cùng với đó là pháp luật phải có tính răn đe dựa trên những biện pháp xử phạt nghiêm minh hơn. Qúa trình này cần sự tham gia, đồng lòng của mỗi gia đình, cha mẹ trẻ và toàn xã hội, bao gồm cả việc giám sát, phát hiện, tố cáo những vi phạm liên quan đến LĐTE.

Hiện, dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đã đã ra các đề xuất đối với vấn đề lao động chưa thành niên trên tinh thần đưa ra những quy định có thể được áp dụng nhằm phòng, chống tốt hơn vấn đề LĐTE ở khu vực phi chính thức, khu vực không có quan hệ lao động; sửa đổi, bổ sung nội dung cụ thể để bảo đảm thực hiện đúng các tiêu chuẩn lao động quốc tế về việc sử dụng lao động dưới 15 tuổi, đặc biệt là trường hợp sử dụng lao động dưới 13 tuổi; hoàn thiện các nội dung nhằm bảo đảm tốt hơn việc xóa bỏ những hình thức LĐTE tồi tệ nhất, không chỉ trong khu vực chính thức mà ở cả khu vực phi chính thức, khu vực không có quan hệ lao động...

Nguyễn Đăng Doanh

TAG:
Tin khác
Huyện Nam Trà My: Triển khai nhiều giải pháp thực hiện Chương trình giảm nghèo
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ