An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Tác động của việc nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần đến bảo đảm an sinh xã hội
07:00 PM 22/11/2021
(LĐXH)- Bảo hiểm xã hội (BHXH) luôn được coi là một trong bốn trụ cột của hệ thống các chính sách, các chương trình đảm bảo an sinh xã hội (ASXH) quốc gia. Tuy nhiên, thực tế triển khai mảng chính sách này vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, trong đó, việc hưởng BHXH một lần đang là vấn đề nổi cộm, có nhiều tác động tiêu cực đến việc đảm bảo ASXH.
Bảo hiểm xã hội một lần trong chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội
Trong chính sách pháp luật về BHXH, thuật ngữ “BHXH một lần” được sử dụng khá phổ biến. Bản chất của nó là người lao động (NLĐ) tham gia BHXH sẽ được nhận trợ cấp BHXH một lần theo từng chế độ nhưng còn phụ thuộc vào những điều kiện nhất định như thời gian đóng BHXH; độ tuổi; tình trạng sức khỏe của NLĐ v.v… Thế nhưng, vấn đề mà người ta quan tâm nhất là NLĐ nhận trợ cấp BHXH một lần liên quan đến chế độ hưu trí trong hệ thống các chế độ BHXH, bởi đây là vấn đề có tác động tiêu cực đến đảm bảo ASXH cho bản thân NLĐ và cho xã hội.
Trên thế giới, hầu hết các quốc gia thiết kế hệ thống BHXH hưu trí giống như nước ta đều không cho phép hưởng BHXH một lần trước tuổi nghỉ hưu, trừ một số trường hợp đặc biệt như ra nước ngoài định cư hay mắc bệnh hiểm nghèo v.v… Chẳng hạn, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) và Hiệp hội An sinh quốc tế (ISSA) cho biết, Philippines, Thái Lan, Ấn Độ, Colombia… trong pháp luật về BHXH các nước này cho phép hưởng trợ cấp BHXH một lần, nhưng phải có điều kiện. Điều kiện của họ là khi đến tuổi nghỉ hưu, nếu chưa đủ thời gian đóng BHXH thì NLĐ sẽ được nhận BHXH một lần.
Ở một số nước khác như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Đức, Pháp không quy định hưởng BHXH một lần. Bên cạnh đó, những quốc gia có hệ thống hưu trí dựa trên tài khoản cá nhân cũng không khuyến khích NLĐ tham gia BHXH rút các khoản đã đóng góp trước tuổi 55. Có chăng, chỉ được rút một tỷ lệ hạn chế từ số tiền đã đóng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hoặc đầu tư trước mắt như mua nhà hoặc chi tiêu cho giáo dục, y tế v.v… Tuy nhiên, số tiền rút ra phải từ quỹ phòng xa, quỹ hưu trí bổ sung hay quỹ hưu trí theo ngành nghề để đảm bảo ASXH cho NLĐ khi về già không có lương hưu. Chẳng hạn, Malaysia cho rút 30%  ở độ tuổi 50 (5 năm trước độ tuổi về hưu) hay Singapore cho rút 5.000 đô la Sing ở độ tuổi 55 (5 năm trước độ tuổi về hưu)…
Người lao động làm thủ tục nhận trợ cấp BHXH một lần
Ở Việt Nam, Nghị quyết 21 của Đảng đã đề ra mục tiêu rất cụ thể về các vấn đề liên quan đến BHXH và gần đây nhất là Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban chấp hành TW khóa XII về cải cách chính sách BHXH đã đề ra: “Phấn đấu đến năm 2021 có khoảng 35%, năm 2025 là 45% và đến năm 2030 là khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Đồng thời cũng phấn đấu đến năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.
Để thể chế hóa những mục tiêu trên, có nhiều nội dung cần phải cải cách, trong đó nội dung cải cách thứ sáu có nêu rõ: “Sửa đổi, khắc phục các bất hợp lý về chế độ bảo hiểm hưu trí hiện nay theo hướng linh hoạt hơn về điều kiện hưởng chế độ hưu trí, chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ BHXH một lần, tăng tuổi nghỉ hưu bình quân thực tế của NLĐ …”.
Như vậy, BHXH một lần cũng là một trong những vấn đề cần phải được nghiên cứu trong nội dung cải cách. Thực tế vấn đề này ở nước ta đã được quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH (2014) và tại Nghị quyết 93/2015/QH13 như sau:  NLĐ có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp dưới đây:
“a. Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH, hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện;
  1. b.Ra nước ngoài để định cư;
  2. c. Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
  3. d. NLĐ sau 1 năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH và có nhu cầu nhận BHXH một lần;
  4. Trường hợp NLĐ quy định tại điểm d và điểm e khoản 1 điều 2 của luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu…”.
Trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản nêu trên trong những năm vừa qua, BHXH một lần đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập liên quan đến đảm bảo ASXH.
Tác động của bảo hiểm xã hội một lần đến đảm bảo an sinh xã hội
Việc quy định NLĐ nhận BHXH một lần cho dù đã đáp ứng được một số yêu cầu cơ bản của họ trong những điều kiện nhất định, song về lâu dài và nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể thì quy định hiện hành lại có những tác động tiêu cực đến vấn đề đảm bảo ASXH. Những tác động đó thể hiện khá rõ ở những khía cạnh sau đây:
Một là, NLĐ tham gia BHXH khi về già có thể sẽ gặp phải rủi ro về thu nhập, bởi hầu hết những khoản tiền rút ra đều được chi tiêu ngay lập tức như làm nhà, mua sắm các loại tài sản, hỗ trợ con cháu... Cho dù việc chi tiêu trên cũng là cần thiết, song đối với người già, cần phải hết sức thận trọng. Sau tuổi nghỉ hưu, thu nhập giảm đi khá nhiều, trong khi đó có những khoản chi tiêu lại không ngừng tăng lên như chi phí y tế, chi phí chăm sóc sức khỏe và trong tương lai gia đình, con cháu sẽ phải có trách nhiệm chăm lo, chu cấp cho họ. Việc thực thi trách nhiệm này không phải gia đình nào, đứa con, đứa cháu nào cũng có khả năng thực hiện. Nếu không thực hiện được thì người già khi đó sẽ “trắng tay” và một loạt các hệ lụy khôn lường có thể sẽ xảy ra như mâu thuẫn trong nội bộ gia đình; kiện cáo; tranh chấp, đùn đẩy trách nhiệm nuôi dưỡng bố, mẹ...
Hai là, ý nghĩa, vai trò và mục tiêu của BHXH cũng như ASXH sẽ giảm đi đáng kể. Thật vậy, nếu đứng trên góc độ thu nhập thì mục tiêu cốt lõi của BHXH là duy trì thu nhập cho NLĐ một cách liên tục cho dù họ bị giảm hoặc mất khả năng lao động dẫn tới bị giảm hoặc mất thu nhập. Mục tiêu này thực chất cũng nằm trong mục tiêu của ASXH nói chung. Bởi vậy, BHXH hưu trí một lần đã làm mất đi quyền được hưởng chế độ hưu trí của NLĐ từ khi về hưu cho đến khi chết. Trong suốt thời gian nghỉ hưu, thu nhập của họ từ lương hưu không có, không được bảo đảm duy trì liên tục để ổn định cuộc sống.
Theo phân tích của ông Nuno Cuha (chuyên gia của ILO), nếu BHXH một lần diễn ra phổ biến thì hệ thống lương hưu sẽ không bao giờ thành công trong việc đảm bảo thu nhập cho người già và gánh nặng ASXH cho quốc gia sẽ ngày càng bị áp lực.
Ba là, trong điều kiện già hóa dân số diễn ra nhanh chóng như hiện nay, thời gian được trợ cấp hưu trí của NLĐ có xu hướng kéo dài. Vì vậy, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, nếu xem xét ở khía cạnh quyền lợi thì những NLĐ tham gia BHXH nhận BHXH một lần thường bị thiệt thòi hơn so với những người nhận trợ cấp lương hưu hàng tháng. Nội dung này cũng đã được Viện Khoa học BHXH nghiên cứu năm 2017 và thể hiện trong đề tài: “Tính toán, phân tích so sánh lợi ích giữa quyền lợi được hưởng của chế độ hưu trí và BHXH một lần”.
Bốn là, tác động đáng kể đến việc duy trì đối tượng tham gia và thụ hưởng trong hệ thống BHXH, nếu tình trạng hưởng BHXH một lần ngày càng gia tăng. Theo số liệu thống kê của ngành BHXH Việt Nam, giai đoạn từ 2013 đến 2017, số người hưởng BHXH một lần tăng bình quân 6,7% mỗi năm. Năm 2018 có gần 700.000 NLĐ xin nhận BHXH một lần, con số này năm 2019 là hơn 800.000 người. Năm 2020 có khoảng 880.000 người hưởng trợ cấp BHXH một lần.
Theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh trong đề án Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì: “Số người nhận BHXH một lần vẫn gia tăng hàng năm (giai đoạn từ 2012 đến tháng 9 năm 2018, bình quân mỗi năm số người hưởng BHXH một lần là khoảng 600.000 người, cứ thêm 2 người mới tham gia BHXH thì có 1 người đang tham gia ra khỏi hệ thống), dẫn tới tốc độ mở rộng bao phủ BHXH rất chậm, mục tiêu đảm bảo ASXH cho NLĐ bị ảnh hưởng”.
Năm là, việc nhiều người quyết định hưởng BHXH một lần còn tác động đến tâm lý của những NLĐ đang trong hệ thống BHXH. Tâm lý này rất dễ dàng lan tỏa đến mọi tầng lớp lao động và có thể trở thành xu hướng phổ biến nếu không có những giải pháp khắc phục. Và nếu thực tế xảy ra, sẽ có tác động rất tiêu cực đến quỹ BHXH và đầu tư tăng trưởng BHXH, đến việc đảm bảo ASXH cho người già và cho toàn xã hội./.
Thảo Lan

 

TAG:
Tin khác
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương
Dùng thuốc mua trên mạng, tiền mất mà tật còn nguyên
Người hâm mộ đổ ra đường, hô vang “Việt Nam vô địch!”
CSGT Diễn Châu kịp thời giúp bé 4 tuổi thoát cơn nguy kịch
Dữ liệu giám sát hành trình ôtô sẽ do Cục CSGT quản lý
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng gặp mặt cán bộ hưu trí phía Nam mừng Xuân Ất Tỵ