Bí mật đằng sau những khung hình
Dù là 20 năm trước hay 20 năm sau thì phim hoạt hình Ghibli Studio vẫn luôn đẹp như thuở ban đầu. Bởi, Ghibli không chạy theo xu hướng thị trường như các studio anime khác. Thay vì sử dụng công nghệ gắn Rig (khung xương) cho nhân vật, mỗi khung hình Ghibli Studio làm đều được vẽ tay từng chi tiết, kỹ xảo máy tính sẽ chỉ được phép can thiệp không quá 10% nội dung phim.
Các họa sĩ của Ghibli làm việc theo hình thức "khoán việc". Họ được thường khoán hai - ba frame mỗi ngày, với yêu cầu chất lượng và độ tỉ mỉ rất cao. Trung bình, với đội ngũ từ 200-300 hoạ sĩ, Studio Ghibli có thể sản xuất khoảng 30s phim hoạt hình trong một ngày, tương đương 5 phút phim trong một tháng, và 30 - 45 phút phim trong một năm. Theo tốc độ này, việc hoàn thành một bộ phim điện ảnh có thể mất đến 6 đến 10 năm. Điều đó đã lý giải tại sao phim của Ghibli dẫu đưa người xem trải qua biết bao cuộc phiêu lưu nhiệm màu thì những cảnh phim đọng lại sâu sắc nhất lại là những tiểu tiết.
Cuộc đua với thời gian và áp lực tài chính
Không chạy theo deadline đồng nghĩa với việc đối mặt hàng loạt thách thức. Mỗi dự án kéo dài hàng năm trời, gây áp lực lớn về chi phí sản xuất. Tuy nhiên, Studio Ghibli đã vượt qua bằng cách tận dụng doanh thu từ các bộ phim kinh điển như Spirited away, My neighbor Totoro, và Princess Mononoke. Các buổi chiếu lại không chỉ giúp duy trì nguồn thu mà còn gợi nhớ tình yêu của khán giả với những kiệt tác này.
Ngoài ra, Ghibli đã thành công trong việc phát triển các sản phẩm phụ như đồ lưu niệm, trò chơi và các sự kiện triển lãm, biến thương hiệu trở thành một phần văn hoá đại chúng toàn cầu.
Triết lý nghệ thuật vượt lên thời gian
Hayao Miyazaki và Isao Takahata – hai nhà đồng sáng lập Studio Ghibli – xem mỗi bộ phim như một tác phẩm nghệ thuật, không phải là một sản phẩm thương mại. Đối với họ, chất lượng luôn là yếu tố hàng đầu, ngay cả khi nó đòi hỏi phải mất thời gian dài để hoàn thiện. Chuyên trang công nghệ Recode từng trích dẫn lời chế giễu của Miyazaki khi xem một thước phim được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo (AI): "Tôi thực sự cảm thấy ghê sợ. Nếu bạn muốn làm một thứ hoạt hình kinh khủng thì cứ làm, nhưng tôi sẽ không bao giờ sử dụng thứ công nghệ này vào các tác phẩm của mình. Chúng giống như một sự xúc phạm tới cuộc sống vậy".
Bên cạnh hình ảnh, âm nhạc trong phim Ghibli cũng mang giá trị độc lập và sức sống mãnh liệt. Những bản nhạc như Always with me trong Spirited away hay The path of the wind trong My neighbor Totoro không chỉ giúp thăng hoa cảm xúc mà còn sống mãi trong lòng khán giả. Nhạc sĩ Joe Hisaishi, người cộng tác lâu năm với Ghibli, đã tạo nên những giai điệu vượt thời gian, khẳng định âm nhạc là yếu tố không thể thiếu trong hành trình cảm xúc của mỗi bộ phim.
Tương lai của Ghibli: nguồn cảm hứng bền vững
Ghibli, đúng như tên gọi của mình, thực sự là một cơn gió mới trong ngành công nghiệp anime Nhật Bản, mang đến những triết lý làm phim vô cùng độc đáo và khác biệt. Được sinh ra và nhào nặn bởi tư duy không vay mượn của những người làm hoạt hình như Miyazaki, Ghibli được ví như "Pixar của Nhật Bản" nhờ khả năng sáng tạo vô biên và nghệ thuật sản xuất những tác phẩm anime đầy chiều sâu. Studio này đã ghi dấu ấn với 8 trong số 15 bộ phim anime có doanh thu cao nhất mọi thời đại tại Nhật, đồng thời giành được 5 đề cử Oscar cùng vô vàn giải thưởng danh giá như Animage Anime Grand Prix và giải thưởng Viện Hàn lâm Nhật Bản.
Tuy nhiên, điều khiến người hâm mộ yêu thích Ghibli không chỉ là hàng loạt danh hiệu hay giải thưởng danh giá. Có lẽ họ đã yêu mến hình ảnh chú mèo Totoro dễ thương với chiếc bụng tròn đầy; hay say mê nhân vật Vô Diện - một linh hồn không có khuôn mặt nhưng lại chứa đựng những mâu thuẫn giữa thiện và ác, phản ánh chính bản chất phức tạp của con người; hoặc đơn giản, họ tìm thấy sự tận tụy và niềm đam mê trong những bộ kính đặc trưng của Miyazaki, là biểu tượng của một tinh thần làm phim không ngừng sáng tạo và khát khao cống hiến.
Như Quỳnh