Với mong muốn truyền cảm hứng và thúc đẩy sự tham gia của em gái và phụ nữ trong lĩnh vực STEM, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) với sự hỗ trợ tài chính của Tập đoàn 3M thực hiện dự án STEMHerVN - “Thúc đẩy sự tham gia của em gái và phụ nữ trong lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học”. Dự án bao gồm các hoạt động: Lựa chọn và trao học bổng cho các bạn đại sứ, tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các nhóm đại sứ về kỹ năng lãnh đạo, truyền thông; Tổ chức hoạt động truyền thông tại trường học nâng cao nhận thức, truyền cảm hứng để các bạn học sinh tự tin theo đuổi đam mê và nghề nghiệp trong lĩnh vực STEM; Tổ chức cuộc thi sáng tạo STEM cho các bạn học sinh khối phổ thông trung học.
Chia sẻ về những ý nghĩa, mục tiêu của dự án, bà Trần Vân Anh, Giám đốc Chương trình Viện MSD cho biết: “Mặc dù trong những năm gần đây chúng ta đã đạt được những thành công trong việc thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới, tuy nhiên số lượng phụ nữ tham gia vào lĩnh vực STEM vẫn còn hạn chế. Những định kiến giới đã và đang là những rào cản đóng hẹp cơ hội của phụ nữ, em gái tham gia, trong khi nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ có những đóng góp to lớn trong lĩnh vực STEM. Dự án STEMHerVN hướng tới mục tiêu đoàn kết hợp tác, chung tay xoá bỏ rào cản, đồng thời truyền cảm hứng, trao quyền, tạo điều kiện để các em gái đam mê bộ môn STEM có thể tham gia và cống hiến. Chúng tôi tin tưởng và hi vọng rằng thông qua chương trình hôm nay, với những câu chuyện truyền cảm hứng từ các diễn giả, các em đại sứ STEMHerVN sẽ có thêm thông tin và động lực để các em tự tin vững bước theo đuổi đam mê, trở thành những người tiếp nối, truyền tải thông điệp và tri thức đến cộng đồng xung quanh mình và tạo nên những sự thay đổi tích cực.”
Dự án STEMherVN còn có sự đồng hành của 20 nữ đại sứ là các bạn sinh viên đang học tập trong các ngành STEM, các bạn nữ sinh THPT định hướng ngành STEM trường THPT Vân Nội và THPT Liên Hà. Đại diện cho hai trường THPT trong buổi tọa đàm - Thầy Nguyễn Hữu Sâm, Phó Hiệu trưởng trường Vân Nội. Thầy Nguyễn Hữu Sâm chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng khi được phối hợp cùng Viện MSD thực hiện dự án này, đặc biệt các học sinh trong trường đã được vinh dự trở thành đại sứ của dự án, không chỉ được học thêm những kiến thức mới về ngành lập trình mà còn được tham gia đóng góp vào quá trình thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục và việc làm. Chân thành cảm ơn Viện MSD và Tập đoàn 3M.”
Tại Tọa đàm “Phụ nữ và STEM: Từ định kiến tới định vị” khởi động dự án, các khách mời đã cùng nhau chia sẻ về những khó khăn khi làm công việc trong lĩnh vực STEM. Theo chị Hạnh Nguyễn, Chuyên viên Liên lạc Trách nhiệm Pháp lý Sản phẩm tập đoàn 3M: “Đầu tiên là vượt qua định kiến. Thực tế cho đến hiện nay vẫn có rất nhiều định kiến đặt ra đối với phụ nữ như: phụ nữ không giỏi bằng nam giới nên khó có thể làm ngành khó như STEM, hay phụ nữ không đủ sức khoẻ để làm ngành vất vả này, phụ nữ còn phải dành thời gian chăm sóc gia đình trong khi ngành STEM rất bận rộn.”
Chị Hạnh cũng chia sẻ một ví dụ rất thực tế về bất bình đẳng trong tuyển dụng và công việc khi em gái, phụ nữ được tuyển dụng vào ngành STEM, khi phỏng vấn các bạn nam có thể chia sẻ về các định hướng tương lai, những việc mà các bạn có thể làm được và có thể được nhà tuyển dụng ghi nhận là yếu tố để thoả thuận công việc và mức lương. Trong khi đó, em gái - phụ nữ khi tham gia tuyển dụng phải chứng minh về việc mình đã làm được để có thể được ghi nhận và tuyển dụng. 38% các bạn làm trong ngành dữ liệu là nữ, nhưng các khảo sát chỉ ra rằng không nói về năng lực, mức lương của các bạn nữ sẽ thấp hơn. Ngoài các định kiến bên ngoài, các em gái còn phải đối mặt với các định kiến bên trong. Chị Hạnh chia sẻ: “Nếu vững vàng, các bạn có thể vượt qua các định kiến bên ngoài, nhưng đôi khi khó khăn chính là các định kiến bên trong, nếu các bạn cũng tự đặt khuôn mình là yếu hơn, không giỏi bằng các bạn nam, sợ bị mọi người đàm tiếu, sợ không thể cân bằng thời gian giữa công việc và gia đình. Nhưng nếu mình thực sự muốn vượt qua các định kiến, các khó khăn này cũng sẽ là động lực để mình có thể vượt qua những rào cản và đạt được những thành công trong công việc.”
Nguyễn Huyền My, Đồng sáng lập & CEO SheCodes Vietnam cho rằng, bên cạnh những khó khăn về chuyên môn, chị em còn đang gặp những rào cản trong việc lãnh đạo và vận hành doanh nghiệp: “Một trong những điều khó là làm thế nào để xây dựng lòng tin. Mình đã từng đối mặt với sự nghi ngờ của đối tác hay nhà đầu tư bởi vì mình còn khá trẻ và lại còn là phụ nữ làm việc trong ngành công nghệ thông tin, những ngành cần nhiều sáng tạo và tư duy logic - điều mà đa phần mọi người cho rằng nam giới làm tốt hơn. Lúc này, điều cần làm là thuyết phục rằng mọi ngành nghề đều là phi giới tính, nữ giới và nam giới có khả năng và cơ hội như nhau trong bất cứ ngành nghề nào. Ngoài ra, sau những năm làm việc và khảo sát nữ giới, mình nhận thấy chúng ta hay nghĩ định kiến áp lực đến từ bên ngoài như chị Trúc nói, nhưng đa phần các bạn nữ có một nỗi sợ trong chính bản thân mình, đó là sợ khác mọi người, chưa đủ sự tự tin vào chính bản thân mình. Đây là thách thức mà tự bản thân mỗi người phải tìm cách vượt qua.”
Các khách mời đều thống nhất rằng để có thể truyền cảm hứng và thúc đẩy để có thêm nhiều phụ nữ, em gái tham gia các ngành STEM cần thay đổi cách tự nhận thức, định vị bản thân để vượt lên những định kiến giới để không chỉ mở ra những cơ hội nghề nghiệp mà còn là cơ hội để phụ nữ được theo đuổi đam mê, được lên tiếng và đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội, để phụ nữ không bị bỏ lại phía sau.
Trong các phần tương tác với khán giả, các diễn giả đã trả lời và cùng thảo luận rất nhiều các câu hỏi thú vị để “giải” các vấn đề thắc mắc về định kiến em gái học STEM có thể có ngoại hình không đẹp, khó lấy chồng... để tiến tới các định vị cụ thể của bản thân mình trong công việc hay cách thức để tìm và tiếp cận công việc. Trước câu hỏi của khán giả về định kiến “Con gái học STEM thường là đầu to mắt cận, ngoại hình đơn giản do quá bận rộn, không có thời gian trải chuốt", Huyền My đã giải đáp: “Mình nghĩ rằng nghề nghiệp không phải là điều quyết định ngoại hình của một người phụ nữ. Bạn hoàn toàn có thể chăm chút cho diện mạo của mình khi bạn là một nhà khoa học, một nữ IT, ngược lại kể cả khi bạn làm công việc xã hội, bạn vẫn hoàn toàn có thể theo phong cách đơn giản mộc mạc, chỉ cần điều đó làm bạn vui vẻ và tự tin. Ngoại hình không phụ thuộc vào nghề nghiệp, ngoại hình do bạn lựa chọn xem bạn muốn làm phiên bản nào của chính mình.”
Chia sẻ về cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực STEM cho các bạn nữ, Lê Gia Thanh Trúc, thủ khoa tốt nghiệp, khoa Năng lượng – trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) năm 2018, hiện đang là Chuyên viên phát triển dự án của Tập đoàn Tur Nord chỉ rõ: “Hiện nay, với sự bùng nổ khoa học kĩ thuật và công nghệ, các ngành STEM đang trở nên đa dạng hơn, cơ hội nghề nghiệp luôn có rất nhiều. Từ những công việc tại các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ, hay thâm chí khởi nghiệp,… đều có thể tìm kiếm trên các trang web việc làm, tài liệu chuyên ngành, báo, tạp chí,… Cơ hội luôn có, điều quan trọng là bạn có tìm kiếm nó hay không, và bạn có sẵn sàng nắm bắt khi nó đến hay không.”
Khép lại chương trình, chị Thu Hà, Quản lý Truyền thông Viện MSD gửi gắm thông điệp: “STEM không phải là khô khan, STEM cũng không phải là đầu to mắt cận, và không phải chỉ dành cho nam giới. Các em, các bạn gái nếu đam mê bộ môn STEM hãy cứ theo đuổi đam mê của mình, hãy trở thành những người tạo xu hướng, dẫn dắt thay đổi, và khi phụ nữ tiến về phía trước, sẽ không ai bị bỏ lại phía sau.”
Chương trình cũng giới thiệu bài hát Em yêu STEM - sáng tác của nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung là bài hát chính thức của dự án STEMherVN với thông điệp Tự tin là chính mình và theo đuổi bất kỳ ngành nghề nào mà mình mong muốn, bao gồm STEM. Dự án được chính thức khởi động và sẽ bao gồm rất nhiều các hoạt động dành cho các bạn thanh thiếu niên yêu STEM.
Đăng Doanh