Sơn La: Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống mại dâm
(LĐXH) Trong thời qua, nhờ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, hoạt động phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh Sơn La đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Nhằm tiếp tục thưc hiện hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch phòng, chống mại dâm năm 2019, với mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tạo sự đồng thuận, quyết tâm của toàn xã hội, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống tệ nạn mại dâm trên các phương tiện thông tin đại chúng như triển khai đồng loạt, rộng khắp đến các xã, phường, thị trần; lồng ghép công tác tuyên truyền phòng, chống tệ nạn mại dâm với tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người. Đẩy mạnh công tác đấu tranh tội phạm liên quan đến tệ nạn mại dâm; đấu tranh, triệt phá các tệ nạn xã hội, giảm tụ điểm phức tạp về tệ nạn xã hội; giảm tác hại của hoạt động mại dâm. Thực hiện tốt việc triển khai công tác hỗ trợ về pháp lý, y tế, đảm bảo quyền bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội của người bán dâm, tạo cơ hội giúp họ hòa nhập cộng đồng bền vững. Triển khai các chương trình hỗ trợ dạy nghề và giải quyết việc làm cho người bán dâm hoàn lương; lồng ghép với các chương trình dạy nghề, tạo việc làm xóa đói, giảm nghèo của địa phương.
Tỉnh Sơn La chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về phòng, chống tệ nạn xã hội, trong đó có tệ nạn mại dâm
Cụ thể, trong năm 2019, tỉnh Sơn La phấn đấu 90% số xã, phường, thị trấn tổ chức ít nhất được 1 lần các hình thức tuyên truyền phòng ngừa mại dâm. Định kỳ hàng, quý có ít nhất một lần đưa thông tin về công tác phòng, chống mại dâm trên Báo Sơn La hoặc phát sóng trên Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Đài phát thanh và truyền hình các huyện, thành phố. Tổ chức thống kê các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, thuộc địa bàn các huyện, thành phố theo định kỳ 6 tháng và năm.
Tiếp tục duy trì 193/204 xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm; 100% số xã, phường, thị trấn đăng ký xây dựng xã, phường, thị trần lành mạnh không có tệ nạn mại dâm năm 2019 và các năm tiếp theo. Duy trì các mô hình phòng, chống mại dâm từ xã, phường, thị trấn tại 3 phường và 7 thị trấn theo Quyết định số 1503/QĐ-UBND ngày 10/7/2015 của UBND tỉnh về việc chọn địa bàn triển khai duy trì mô hình xã, phường thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm năm 2015. Xây dựng mới mô hình phòng ngừa mại dâm từ xã, phường, trấn.
Đội kiểm tra liên ngành 178 tỉnh tổ chức 16 cuộc kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm trên 40 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện trên địa bàn toàn tỉnh. Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm huyện, thành phố tổ chức rà soát, thống kê và kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện trên địa bàn quản lý.
Đối với các ngành: Công an, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Y tế, Lao động- Thương bình và Xã hội đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo chuyên ngành tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện triệt xóa 100% các tụ điểm hoạt động mại dâm đã được phát hiện; đấu tranh, xử lý những cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh có biểu hiện liên quan đến tệ nạn mại dâm. Điều tra, truy tố và xét xử 100% các vụ án liên quan đến tệ nạn mại dâm. Đối với các huyện, thành phố cần kiện toàn Tổ công tác liên ngành và Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm. Ngoài ra, tỉnh Sơn La tập huấn nâng cao năng lực về chuyên môn nghiệp vụ phòng, chống mại dâm cho 100% cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội các xã, phường thị trấn.
Để đạt được những nội dung trên, UBND tỉnh Sơn La tập trung đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông về kiến thức pháp luật, chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống mại dâm, góp phần thay đổi nhận thức của nhân dân về tệ nạn mại dâm, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong phòng, chống tệ nạn mại dâm. Đặc biệt tỉnh sẽ chú trọng hình thức truyền thông trực tiếp, lồng ghép truyền thông phòng, chống mại dâm với các chương trình văn hóa, văn nghệ. Tăng cường truyền thông tại các xã, phường thị trấn, địa bàn có tình hình phức tạp về tệ nạn xã hội, khu vực giáp ranh, các xã biên giới và các khu có điểm thăm quan du lịch...
Cùng với đó, tỉnh nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong phòng, chống mại dâm. Thực hiện lồng ghép công tác phòng, chống mại dâm với phòng, chống ma túy, HIV/AIDS và các chương trình, chính sách an sinh xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương như giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đưa nhiệm vụ phòng, chống mại dâm vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện. Tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành trong phòng, chống mại dâm giữa các sở, ban, ngành với UBND các huyện, thành phố. Thường xuyên trao đổi kịp thời đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện. Nâng cao chất lượng mô hình phòng, chống mại dâm cấp xã, triển khai các hoạt động hỗ trợ tín dụng, giải quyết việc làm cho người bán dâm hoàn lương như giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc về thủ tục vay vốn, tạo điều kiện cho đối tượng có nhu cầu được vay vốn giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống, phòng, chống tái vi phạm hoạt động mại dâm.
Ngoài ra, địa phương còn công bố các số điện thoại đường dây nóng, hộp thư tố giác tội phạm, vận động nhân dân cung cấp thông tin liên quan đến tội phạm mại dâm, đảm bảo bí mật cho người cung cấp thông tin./.
Hồng Phượng
TAG: