Sơn La: Tăng cường công tác phòng, chống mại dâm
(LĐXH) - Tệ nạn mại dâm gây ra nhiều hệ lụy đối với đời sống con người như: sức khỏe, gia tăng tội phạm, ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội. Thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao, tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh Sơn La không có các diễn biến phức tạp, không hình thành các điểm, tụ điểm nóng về tệ nạn mại dâm, chưa gây bức xúc trong nhân dân.
Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện có 1.463 cơ sở kinh doanh dịch nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn mại dâm với 1.807 người lao động (1.298 lao động nữ, 509 lao động nam), trong đó: 41 khách sạn, 327 nhà nghỉ, 367 nhà trọ, 11 cơ sở xông hơi – massage, 196 dịch vụ karaoke và 521 cơ sở kinh doanh dịch vụ khác như cafe, ăn uống…Trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng chức năng Công an tỉnh đã tiến hành triệt phá 03 vụ, với 08 đối tượng liên quan, trong đó: tang vật thu giữ triệu đồng; 04 bao cao su; xử phạt hành chính 08 đối tượng mua bán dâm, nộp Kho bạc Nhà nước 3,9 triệu đồng.
Tuy nhiên, tệ nạn mại dâm vẫn tiềm ẩn những nguy cơ cao, tái phát sinh hoạt động mại dâm tại các điểm tham quan du lịch và các thị trấn, thị tứ trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh đó là sự xuất hiện tội phạm môi giới mại dâm lợi dụng sự ham chơi, đua đòi của một số học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thiếu sự quản lý giáo dục của gia đình và nhà trường để dụ dỗ, lôi kéo các em sa ngã vào con đường bán dâm; từ đó đã hình thành các đường dây gái gọi cao cấp, sẵn sàng cung cấp khi có khách yêu cầu, thông qua điện thoại, Zalo, Facebook… Hoạt động mua, bán dâm ngày càng có phương thức tổ chức, hoạt động tinh vi; biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau và thủ đoạn mới, dẫn đến công tác đấu tranh truy quét, triệt phá các hoạt động liên quan đến tệ nạn mại dâm còn gặp nhiều khó khăn.
Một trong những nguyên tắc cơ bản của phòng, chống tệ nạn mại dâm là "Lấy phòng ngừa là chính, kết hợp thông tin, giáo dục, truyền thông, tư vấn về phòng, chống mại dâm với quản lý an ninh, trật tự và kiểm soát các hoạt động dễ bị lợi dụng để tổ chức hoạt động mại dâm". Mục đích chính của biện pháp này là nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và cộng đồng đối với công tác phòng, chống mại dâm, làm cho mọi người tích cực tham gia phòng ngừa, ngăn chặn mại dâm, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người bán dâm, tạo cơ hội cho họ thay đổi công việc.
Tỉnh Sơn La chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về phòng, chống tệ nạn xã hội, trong đó có tệ nạn mại dâm
Để việc thông tin, giáo dục, truyền thông có trọng tâm, các cấp, các ngành phải xác định rõ những nội dung cần được thông tin, giáo dục, truyền thông cho công chúng, đó là: chính sách, pháp luật về phòng, chống phòng, chống mại dâm; hậu quả đối với gia đình, xã hội của tệ nạn mại dâm; biện pháp, mô hình, kinh nghiệm trong phòng, chống phòng, chống mại dâm; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân và cộng đồng trong phòng, chống mại dâm; chống kỳ thị, phân biệt đối xử với những nạn nhân bị mua bán, ép buộc bán dâm ... Đây là những thông tin cơ bản, quan trọng giúp cho nhân dân thấy được tác hại của mại dâm, có được những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình; nắm được chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống phòng, chống mại dâm; ý thức được trách nhiệm của mình trong đấu tranh phòng, chống phòng, chống mại dâm cũng như giúp đỡ tạo cơ hội cho người bán dâm thay đổi công việc.
Để chuyển tải những nội dung nêu trên đến người dân một cách có hiệu quả nhất, thì cần phải đa dạng hoá các phương thức thông tin, giáo dục, truyền thông, đồng thời, có nhấn mạnh một số phương thức phổ biến thường gặp như: Gặp gỡ, nói chuyện trực tiếp; cung cấp tài liệu tuyên truyền; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép trong việc giảng dạy, học tập tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; thông qua hoạt động văn học, nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng và các loại hình văn hoá quần chúng khác...
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý về an ninh, trật tự như: Theo dõi chặt chẽ nhân khẩu, hộ khẩu ở địa bàn dân cư thông qua công tác hộ tịch, hộ khẩu; tăng cường kiểm tra nhân khẩu ở địa bàn; giám sát chặt chẽ sự biến động dân cư trên địa bàn thông qua chế độ đăng ký tạm trú, tạm vắng; giám sát chặt chẽ các đối tượng có tiền án, tiền sự và các đối tượng có nghi vấn khác trên địa bàn. Đồng thời quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ nhằm phòng ngừa việc lợi dụng các hoạt động này để tổ chức mại dâm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động này nhằm phát hiện, ngăn chặn các hành vi bạo lực, xâm phạm các quyền cơ bản của người bán dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Ngoài ra, để góp phần hạn chế, tiến tới loại trừ nguyên nhân và điều kiện của tình trạng mại dâm là phải phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện có hiệu quả chính sách xoá đói, giảm nghèo, chính sách việc làm... nhằm nâng cao đời sống nhân dân. Theo đó, cần xác định việc giải quyết vấn đề mại dâm là một trong những mục tiêu ưu tiên của các chương trình phát triển kinh tế-xã hội (chương trình xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ tín dụng cho các hộ gia đình khó khăn để phát triển kinh tế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chương trình phòng, chống tội phạm). Trên tinh thần đó, dự thảo Luật Phòng, chống mại dâm cần tăng cường các biện pháp truyền thông phòng ngừa, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông của Nhà nước với việc huy động nguồn lực, khuyến khích công đồng tham gia truyền thông, đảm bảo an ninh trật tự phòng, chống mại dâm cũng như hỗ trợ, tạo điều kiện cho người bán dâm thay đổi việc làm có thu nhập chính đáng, ổn định đời sống hòa nhập với cộng đồng./.
Hồng Phượng
TAG: