Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Sơn La: Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển
08:16 AM 12/12/2023
(LĐXH)- Thời gian qua, tỉnh Sơn La đã xác định việc đổi mới công tác giáo dục nghề nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao năng suất, chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Sơn La là tỉnh miền núi Tây Bắc, nằm trên trục Quốc lộ 6 với diện tích lớn thứ 3 cả nước (14.174 km2), đơn vị hành chính gồm: 1 thành phố thuộc tỉnh (thành phố Sơn La) và 11 huyện. Dân số của tỉnh 1.300.125 người, gồm 12 dân tộc. Cơ cấu dân số theo giới tính ổn định ở mức tỷ lệ nam, nữ là 50,2% và 49,8%. Sơn La đang bước vào giai đoạn đô thị hóa, dân số khu vực thành thị đang tăng dần. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 82%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2023 ước đạt 61%; cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông – lâm - ngư nghiệp là 63,91%, công nghiệp và xây dựng là 18,06%, thương mại - dịch vụ là 18,03%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức 3,727%.
Giai đoạn từ năm 2019 đến tháng hết tháng 6/2023, tỉnh Sơn La có 05 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (gồm 03 trường cao đẳng và 02 trường trung cấp). Ngày 05/7/2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định số 864/QĐ-LĐTBXH sáp nhập trường Trung cấp Văn hoá Nghệ thuật và Du lịch Sơn La, Trường Trung cấp Luật Tây Bắc vào Trường Cao đẳng Sơn La. Hiện tại, Sơn La duy trì hoạt động ổn định của 03 đơn vị giáo dục nghề nghiệp (Trường Cao đẳng Sơn La, Trường Cao đẳng Y tế Sơn La, Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ tỉnh Sơn La); 3/3 đơn vị nêu trên thuộc loại hình công lập, tỉnh chưa có cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ sở khác ngoài công lập có hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Sơn La
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Sơn La, cho biết: Tỉnh đã xác định đổi mới công tác giáo dục nghề nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao năng suất, chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động. Do đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã kịp thời tham mưu cho tỉnh Sơn La ban hành các chương trình, đề án, nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch để chỉ đạo triển khai thực hiện. Trong đó, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch “phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Kế hoạch “Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045”… 
Đến nay, chất lượng giáo dục nghề nghiệp của Sơn La đã và đang từng bước đáp ứng nhân lực chất lượng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Hằng năm, tỉnh có từ 80 – 85% lao động được sử dụng đúng nghề và trình độ đào tạo; hơn 30% lao động có kỹ năng tay nghề khá trở lên, đảm nhận được các vị trí, công việc phức tạp.
Tính đến thời điểm cuối tháng 11/2023, toàn tỉnh Sơn La đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho 15.253 người. Trong đó, trình độ cao đẳng 586 người, trung cấp 2.898 người, sơ cấp 2.802 người, đào tạo dưới 03 tháng 1.065 người, tập huấn chuyển giao công nghệ 333 người, đào tạo cho 7.569 lao động đi làm mới năm 2023 tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh hết năm 2023 ước đạt 61% so với lực lượng lao động, tăng 2,06% so với năm 2022. Tỷ lệ có việc làm sau đào tạo phấn đấu đạt khoảng 85% (chưa xác định số người mới tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng trong thời gian 06 tháng), chủ yếu thông qua hình thức tự tạo việc làm hoặc duy trì việc làm có từ trước khi học nghề.
Đối với hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, riêng trong năm 2022, tỉnh Sơn La đã tổ chức đào tạo nghề cho 6.930 lao động trên địa bàn, tổng kinh phí là 20.188 triệu đồng. Trong đó, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo 1.924 lao động, kinh phí 6.193 triệu đồng; Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số 4.866 lao động, kinh phí 13.308 triệu đồng; Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới 140 lao động, kinh phí 686 triệu đồng. Năm 2023, UBND các huyện, thành phố đã phê duyệt danh sách học viên, dự toán kinh phí, hiện tại đang đang tổ chức đầu thầu để tiến hành triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn, dự kiến hoàn thành trước 31/12/2023.
Tiếp đến, để đổi mới chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Sơn La đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo, gắn kết với doanh nghiệp để tìm kiếm và giới thiệu việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp. Cải tiến phương pháp giảng dạy, tăng cường thực hành, áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình đào tạo. Hợp tác với doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo theo hướng hình thành các kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động trong tương lai; tham gia vào quá trình đào tạo. Triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề…
Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La cũng quan tâm chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề. Theo thống kê, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tỉnh Sơn La hiện có 408 cán bộ quản lý, nhân viên nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; trong đó, trình độ trên đại học 260 người, đại học 133 người, cao đẳng 03 người, trình độ khác 12 người.
Để đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên tổng lực lượng lao động đạt 65%, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp; chủ động xây dựng kế hoạch điều tra khảo sát nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế để thực hiện đào tạo gắn với giải quyết việc làm; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức đào tạo theo hợp đồng, đào tạo theo địa chỉ và theo đơn đặt hàng; chú trọng đào tạo đổi mới phương pháp dạy học cho giáo viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp...

Chí Tâm

 

TAG:
Tin khác
Huyện Ngọc Hiển: Tạo sinh kế bền vững cho lao động vùng nghèo, vùng khó khăn
Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ kỷ niệm 20 năm thành lập
Trường Đại học LĐ-XH CSII tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM: Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gửi thư chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Hành trình 3 thập kỷ: Trường Phổ thông Dân lập Hermann Gmeiner Hà Nội – Mái ấm yêu thương, chắp cánh ước mơ
Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024: Vinh danh 60 thầy cô giáo tiêu biểu trên mọi miền Tổ quốc
TP.HCM: Hơn 430 học sinh, sinh viên tranh tài tại Hội diễn văn nghệ GDNN cấp Thành phố
Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất