Sơn La có khoảng 56.900 lao động làm việc trong các loại hình doanh nghiệp
(LĐXH)- Tính đến thời điểm hiện tại (ngày 10/5), số lao động làm việc trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La là 56.889 lao động; số lao động đi làm việc ngoài tỉnh 82.574 người; lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động theo hợp đồng là 79 người.
Theo báo cáo từ Sở Lao động - TBXH Sơn La, trong 4 tháng đầu năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của tỉnh là 750.255 người, chiếm 59,1% tổng dân số trung bình của tỉnh (tăng 1.295 người so với quý IV/2022), Trong đó: lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 740.899 người chiếm tỷ lệ 55,8% dân số; Lao động chủ yếu làm việc trong các ngành nông, lâm và thuỷ sản là 475.879 người, chiếm 64,23% tổng số người lao động trong độ tuổi có khả năng lao động.
Tính đến 10/5, số lao động làm việc trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La là 56.889 lao động; số lao động đi làm việc ngoài tỉnh 82.574 người; số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động theo hợp đồng 79 người. Số lao động đi làm việc trong tỉnh (bao gồm các hộ kinh doanh, hợp tác xã, lao động thời vụ, lao động tự do, mùa vụ, nông lâm nghiệp và lao động khác) là 603.077 người.
Theo số liệu báo cáo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Sơn La, tính đến ngày 10/5, trên địa bàn tỉnh có 3.932 doanh nghiệp (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện), tăng 54 doanh nghiệp so với quý IV/2022. Tổng số lao động làm việc trong các loại hình doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo là 56.889 lao động, tăng 1.080 lao động so với quý IV/2022.
Số liệu báo cáo thống kê của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sơn La, toàn tỉnh 821 có HTX đang hoạt động, bao gồm: 698 HTX dịch vụ nông nghiệp; 9 HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, điện nước; 10 HTX xây dựng; 08 Quỹ TDND; 93 HTX thương mại, dịch vụ du lịch, quản lý chợ; 03 HTX vận tải với khoảng 9.450 lao động trong HTX.
Hiện nay, trong hầu hết các doanh nghiệp, khi tuyển dụng người lao động làm công việc có thời hạn ít nhất từ 12 tháng trở lên, người sử dụng lao động đều tuyển lao động có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp nghề đã qua đào tạo. Với những công việc đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, chuyên môn kỹ thuật cao, các doanh nghiệp đã chủ động cử người lao động đi học tập, đào tạo để nâng cao tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ. Chất lượng nguồn lao động từ đó được nâng lên rõ rệt.
Bên cạnh đó, người sử dụng lao động không thực hiện khai trình sử dụng lao động, việc tăng giảm số lao động cũng tùy vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với một số doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng hoặc đã tạm dừng hoạt động nhưng chưa thông báo với cơ quan quản lý lao động Nhà nước tại địa phương. Chính vì vậy, việc quản lý, thống kê số lao động làm việc tại các doanh nghiệp này ở Sơn La là rất khó khăn.
Báo cáo tình hình lao động việc làm của các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh trong 4 tháng đầu năm 2023, ở các địa phương không có doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng sản xuất - kinh doanh phải cắt giảm lao động, việc làm, dẫn đến lao động mất việc, giảm việc và nghỉ không lương.
Kết quả 4 tháng đầu năm 2023, các hoạt động tư vấn về chính sách lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục được tăng cường. Toàn tỉnh đã tư vấn 9.264 lượt người, đạt 38% so với kế hoạch giao; phối hợp tổ chức 49 hội nghị với 1.983 người lao động tham gia; phối hợp tham gia Ngày hội việc làm tại huyện Sông Mã với trên 2.000 người lao động tham gia. Đăng thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp lên Website và Fanpape Facebook cho 26 doanh nghiệp và 84 hồ sơ tìm việc thu hút 38.696 lượt người truy cập Website và 22.113 lượt người tiếp cận trang Facebook dịch vụ việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
Chương trình việc làm 4 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Sơn La đã chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho 6.703 người; kết nối thành công lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động theo hợp đồng 79 người (33 lao động Nhật Bản, 20 lao động Đài Loan, 01 lao động Malaixia). Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,730%, ước thực hiện cả năm 2023 là 3,71%...
Tổng doanh số cho vay giải quyết việc làm từ đầu năm đến 31/3/2023 là 53.047 triệu đồng với 912 dự án, tạo việc làm cho 950 lao động. Trong đó, nguồn vốn quỹ quốc gia là 1.193 triệu đồng với 21 dự án vay vốn, tạo việc làm cho 24 lao động; nguồn vốn Ngân hang Chính sách xã hội huy động là 20.780 triệu đồng với 352 dự án vay vốn, tạo việc làm cho 355 lao động; nguồn vốn ủy thác địa phương là 31.074 triệu đồng với 539 dự án vay vốn, tạo việc làm cho 571 lao động.
Thời gian qua, để hỗ trợ doanh nghiệp và tạo việc làm cho người lao động, tỉnh Sơn La luôn quan tâm đến công tác việc làm, lao động - tiền lương nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về nguồn lao động ở địa phương. Tổ chức các hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm, thông tin, tuyên truyền, kết nối thị trường lao động, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc làm, chính sách lao động đến người lao động; tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập.
Đặc biệt, UBND tỉnh Sơn La cũng đã triển khai hiệu quả các đề án, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế; cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển nhanh, bền vững, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng; phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, hàng hóa nông sản, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất đối với cây trồng (cây ăn quả); tiếp cận và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động.
Ngoài ra, tỉnh Sơn La còn có chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn vào tập trung vào lĩnh vực chế biến nông sản, lĩnh vực thu hút nhiều lao động tạo việc làm cho người lao động… Nhờ đó đã tạo làm việc cho người lao động có việc làm và thu nhập ổn định, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, góp phần ổn định thu nhập, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Chí Tâm
TAG: