Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Sóc Trăng: Nhìn lại 04 năm thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp
03:57 PM 06/12/2024
(LĐXH) – Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp; triển khai thực hiện kịp thời, đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh được sắp xếp tinh gọn, phát huy được hiệu quả hoạt động.
Học viên trong giờ học thực hành nghề Cao đẳng Công nghệ Ô tô, Khoa cơ khí, Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng

Kết quả 04 năm thực hiện chính sách, pháp luật về GDNN

Hiện nay toàn tỉnh Sóc Trăng có 23 cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp, với cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình, giáo trình đào tạo, đội ngũ quản lý, giảng viên, giáo viên,… đủ điều kiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp từ trình độ dưới 3 tháng đến trình độ cao đẳng, với quy mô tuyển sinh đào tạo trên 23.000 người/năm. Chất lượng giáo dục nghề nghiệp được nâng lên; sự phối hợp, liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp ngày càng chặt chẽ, đa dạng về hình thức; bình quân tuyển sinh, đào tạo cho khoảng 16.000 người/năm. Chỉ tính riêng, trong giai đoạn  2021 - 2024 (ước thực hiện đến hết năm 2024), toàn tỉnh đã tuyển sinh đạt 69.000 người (tỷ lệ 113,11% so với kế hoạch), gồm: trình độ cao đẳng là 3.640 người, trung cấp là 3.560 người, sơ cấp là 28.500 người, dưới 3 tháng là 23.350 người, đào tạo thường xuyên là 9.950 người. Số học nghề tốt nghiệp được 62.425 người (đạt 90,47% so với tổng số tuyển sinh), gồm: trình độ cao đẳng là 2.500 người, trung cấp là 2.250 người, sơ cấp 27.126 người, dưới 3 tháng 20.599 người, đào tạo thường xuyên là 9.950 người. Ước đến cuối năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào đạt 64,05%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp đạt 59,01%; tỷ lệ có văn bằng chứng chỉ là 32,00%.

Bên cạnh công tác tuyển sinh đào tạo, tỉnh Sóc Trăng cũng luôn quan tâm phát triển triển đội ngũ nhà giáo và chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động triển khai đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; nghiên cứu, rà soát năng lực tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, thực hiện chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn chính trị hè cho đội ngũ giảng viên, giáo viên và sinh hoạt chính trị đầu khóa của học sinh, sinh viên hằng năm. Đến nay, các nhà giáo cơ bản đã đạt chuẩn theo chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định.

Các chế độ, chính sách danh cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp được thực hiện đảm bảo theo quy định, như: phụ cấp ưu đãi, phụ cấp đặc thù, chăm sóc sức khỏe, ...

Cùng với đó, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về GDNN, đội ngũ quản lý tại các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh được kiện toàn, được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, … Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý điều hành tại các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh.

Đến đào tạo nhân lực có tay nghề cao


Học viên trong giờ học thực hành nghề Cao đẳng Chế biến thực phẩm, Khoa Nông nghiệp - Thuỷ sản Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng

Song song đó, Uỷ ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ chương trình, nội dung đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo theo hướng “Nhà trường gắn liền với doanh nghiệp” để sau khi tốt nghiệp bảo đảm đạt chuẩn đầu ra, có cơ hội tìm được việc làm đúng với ngành nghề đào tạo; thường xuyên nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung chương trình dạy nghề theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người lao động; tích hợp kiến thức, kỹ năng và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học vào quá trình đào tạo; đổi mới phương pháp, cách thức kiểm định chất lượng cơ sở GDNN và chất lượng chương trình đào tạo; tăng thời gian và thời lượng thực tập nhằm nâng cao kỹ năng thực hành cho người lao động tại các công ty, doanh nghiệp; giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, thái độ làm việc cho học sinh, sinh viên.

Các chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp đều có quy định cụ thể về chuẩn kiến thức, kỹ năng của người học sau khi tốt nghiệp; cách thức đánh giá kết quả học tập đối với tín chỉ, môn học, từng ngành, nghề phù hợp và xây dựng chuẩn đầu ra theo khung năng lực trình độ quốc gia Việt Nam và thực tế vị trí việc làm tại nơi sản xuất, nơi làm việc của công ty, doanh nghiệp. Công tác xây dựng chương trình, giáo trình của các cơ sở đào tạo nghề đều có sự tham gia của các doanh nghiệp từ xây dựng đề cương, soạn thảo, thẩm định nhằm bảo đảm sát với thực tế sản xuất. Việc lựa chọn, áp dụng chương trình, tiêu chuẩn và công nghệ đào tạo tiên tiến ở một số quốc gia trong khu vực phù hợp với điều kiện và xu hướng hội nhập quốc tế được các trường cao đẳng quan tâm triển khai thực hiện.

Các cơ sở GDNN đã thành lập bộ phận liên kết và quan hệ doanh nghiệp, lồng ghép các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng mềm, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp cho học sinh, sinh viên với sự hỗ trợ của một số chuyên gia trong lĩnh vực này. Tăng cường việc phối hợp với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện để học sinh, sinh viên, các học viên của nhà trường được tiếp cận, thực hành kỹ năng chuyên môn trong môi trường thực tế, thực hiện tốt việc giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi ra trường. Trong giai đoạn 2014 - 2018, các trường trung cấp, cao đẳng biên soạn, chỉnh sửa, bổ sung 31 chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, trong đó có 05 ngành, nghề được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt nghề trọng điểm gồm: 03 ngành, nghề trọng điểm cấp quốc gia; 02 ngành, nghề trọng điểm cấp độ ASEAN

Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thành phố chú trọng vận dụng đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bám sát với nhu cầu thị trường, nhu cầu của người học và quy hoạch phát triển sản xuất của địa phương, tuy nhiên chủ yếu là đào tạo cho lao động nông thôn, cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao. Các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ dưới 3 tháng đều có quy định cụ thể về chuẩn kiến thức, kỹ năng của người học theo khung năng lực trình độ quốc gia và thực tế vị trí việc làm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tính đến nay, các trung tâm biên soạn, chỉnh sửa chương trình, giáo trình đúng theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp; kết quả, có 282 chương trình đào tạo được biên soạn, chỉnh sửa.

Ngoài ra, việc đổi mới phương thức đánh giá và công nhận tốt nghiệp luôn được các cơ sở GDNN quan tâm thực hiện tốt đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và doanh nghiệp. Đồng thời đến 2025, các cơ sở GDNN phải được cơ quan chức năng tiến hành tổ chức kiểm định chất lượng GDNN, nhằm đánh giá các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định của Luật GDNN. Riêng các tổ chức, cá nhân sử dụng lao động tham gia đánh giá chất lượng đào tạo của các cơ sở GDNN thông qua việc đóng góp ý kiến về chương trình đào tạo, đánh giá chất lượng đào tạo, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên thực tập, tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn, tọa đàm, đối thoại giữa doanh nghiệp, nhà trường và học sinh, sinh viên sắp tốt nghiệp, đã tốt nghiệp (chưa có việc làm) để giải đáp thắc mắc cho sinh viên, phỏng vấn trực tiếp để tuyển dụng lao động. Từ năm 2014 - 2023, toàn tỉnh có trên 8.699 sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, trung cấp, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm chiếm trên 99% tổng sinh viên tốt nghiệp, với mức thu nhập bình quân từ 3,5 triệu đồng/tháng đến 26 triệu đồng/tháng; 101.660 người tốt nghiệp học nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, số người có việc làm sau đào tạo chiếm gần 82% tổng số người tốt nghiệp, với mức thu nhập bình quân từ 2,5 triệu đồng/tháng đến 09 triệu đồng/tháng.

Công tác xây dựng văn bản pháp luật ban hành kịp thời


Học viên trong giờ học ngành Cao đẳng Tin học ứng dụng, Khoa Kinh tế, Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng

Về công tác ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, trong giai đoạn 2021 – 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan đã tham mưu tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản kịp thời. Công tác thông tin tuyên truyền được chú trọng và đẩy mạnh trên nhiều hình thức.

Chỉ thị số 01- CT/TU ngày 23/11/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ nay đến năm 2020; Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 11/7/2012 của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020; Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 05/8/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm đến năm 2025; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 11/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình số 53-CTr/TU ngày 26/5/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình số 59-CTr/TU ngày 06/10/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 10/7/2023 của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Nghị quyết số 188/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng về phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; Nghị quyết số 57/NQ-HĐND ngày 30/8/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng sửa đổi, bổ sung khoản 6, Điều 1 Nghị quyết số 187/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng và khoản 4, Điều 1 Nghị quyết số 188/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng; Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng về Quy định chính sách hỗ trợ vốn vay đối với người lao động tỉnh Sóc Trăng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và du học sinh vừa học, vừa làm từ ngân sách tỉnh.

Đề án số 02/ĐA-UBND ngày 12/11/2021 về phát triển Nguồn nhân lực tỉnh Sóc Trăng đến năm 2030; Đề án số 01/ĐA-UBND ngày 07/3/2022 về Phát triển Trường Cao  đẳng  Nghề Sóc Trăng chất lượng cao đến năm 2025; Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 08/4/2022 về phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và hằng năm.

Hàng năm tỉnh các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng tham gia Hội giảng Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh và cấp quốc gia và đều dành được giải thưởng cao qua các Hội thi

Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy định, hướng dẫn triển khai thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Theo đánh giá của tỉnh Sóc Trăng: mặc dù Sóc Trăng đã có những nỗ lực trong việc phát triển giáo dục nghề nghiệp, với nhiều chương trình, dự án, đề án phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ tăng lên, cho thấy xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên và cao đẳng, trung cấp còn thấp, năng suất lao động chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Vẫn còn quá nhiều lao động chưa qua đào tạo, đặc biệt tại khu vực nông thôn, làm giảm khả năng cạnh tranh của địa phương. Hiện nay, Sóc Trăng đang đối mặt với thách thức lớn trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tỷ lệ lao động trình độ thấp và chưa qua đào tạo cao là rào cản lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, cần phải có chính sách hiệu quả trong việc thu hút và giữ chân nhân lực chất lượng cao.

Ngoài ra, công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm ở một số địa phương chưa được chú trọng; công tác tư vấn, hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh sang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hằng năm đạt kết quả chưa cao; chất lượng giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chưa gắn với việc làm; năng lực quản lý về giáo dục nghề nghiệp và lao động, việc làm ở một số địa phương còn nhiều hạn chế; trình độ tay nghề của người lao động còn thấp, lao động phổ thông chưa qua đào tạo còn nhiều; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ còn thấp; lao động đi làm việc ở ngoài tỉnh còn chưa nhiều.

Các giải pháp và kiến nghị

Để triển khai hiệu quả về thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đề ra các giải pháp trọng tâm như: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo về đào tạo nhân lực có tay nghề cao; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về đào tạo nhân lực có tay nghề cao; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đào tạo nhân lực có tay nghề cao; Đẩy mạnh xã hội hóa đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao; Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao; Tăng cường xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đào tạo nhân lực có tay nghề cao và mở rộng hợp tác quốc tế./.

Hoàng Cảnh

 

 

 

 

 

 

TAG: Công tác giáo dục nghề nghiệp Chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp
Tin khác
Sóc Trăng: Tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm
Sóc Trăng đẩy mạnh hợp tác phát triển giáo dục nghề nghiệp và tạo việc làm cho người lao động
Sóc Trăng: Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045
TP.HCM:  Sơ kết 1 năm chương trình phát triển công tác xã hội trên địa bàn thành phố
Trường Đại học Đông Đô kỷ niệm 30 năm thành lập
Sóc Trăng đẩy mạnh hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Sóc Trăng: Nhìn lại 04 năm thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp
Khoa Cơ – Điện: Điểm sáng của Trường Trung cấp Lục Yên
Nghề Công nghệ Ô tô tại Trường Cao đẳng nghề TP.HCM đã hoàn tất kiểm định chất lượng