Rưng rưng tình nghĩa cựu chiến binh ở thời bình
(LĐXH)-Tại khuôn viên 27/7, Đại Từ, phường đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội, cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Hữu Thời cùng các đồng đội cất vang bài hát “Xe ba bánh thương binh” đầy hào sảng, chan chứa nghĩa tình: “Xe bon bon khắp nẻo đường đi tìm đồng đội của tôi/ Xe ba bánh đi khắp nơi chở đầy tình thương nỗi nhớ. Ta lại nhớ chiến trường trăng treo đầu súng…”.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sống phải biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, gần 20 năm nay, các cựu chiến binh, thương binh tại Công ty Xe Ba Bánh Tây Trường Sơn luôn nhiệt tình, hết lòng giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Các cựu chiến binh tại Công ty Xe Ba Bánh Tây Trường Sơn luôn chia sẻ, động viên trong vượt qua khó khăn trong cuộc sống
Là người lính tôi luyện, trưởng thành trong quân đội, từng kinh qua “mưa bom, bão đạn”, đối diện sự sống – cái chết chỉ trong gang tấc và trở về cuộc sống thường nhật sau các cuộc chiến đấu vệ quốc vĩ đại; có lẽ, những cựu chiến binh thấu hiểu hơn ai hết sự khó khăn của không ít đồng chí, đồng đội: Sức khỏe giảm sút, chưa qua đào tạo nghề, thiếu kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, nguồn vốn tích lũy hạn chế, khả năng tiếp cận, ứng dụng khoa học, kỹ thuật chậm hơn so với thế hệ trẻ…
Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Thời đã dành tuổi trẻ ở trong chiến trường ba vùng chiến thuật: Lào, Campuchia, miền Nam. Năm 1977 ra quân, ông Thời mang thương tật 62% và những đồng đội đều thương tật, đau yếu, kinh tế lại khó khăn, công việc lại bấp bênh, kinh tế khó khăn. Trước thực tế đó, người lính cụ Hồ đã ghi nhớ lời Bác Hồ – “Người thương binh tuy tàn nhưng không phế”, ông Thời và những đồng đội đã cùng nhau thành lập: Đội nghệ thuật, Trung tâm Hỗ trợ Tây Trường Sơn, Trung tâm vận tải ba Bánh Tây Trường Sơn chủ yếu hoạt động ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Mỗi cựu chiến binh gom góp số tiền ít ỏi của mình để sắm xe ba bánh làm phương tiện kiếm sống.
Với tinh thần trách nhiệm, nhiệt thành, ông Nguyễn Hữu Thời đã được các đồng đội tín nghiệm bầu là “người cầm cờ” cùng các cựu chiến binh, thương binh tạo nhiều công ăn, việc làm, cải thiện cuộc sống. Cựu chiến binh Hữu Thời chia sẻ: “Hơn ai hết, các cựu chiến binh Tây Trường Sơn đều chấp hành, tuân thủ luật giao thông, không chở hàng cồng kềnh, đều có bằng lái A3, đủ tiêu chuẩn lái xe ba bánh đi trên đường an toàn. Hàng tuần, các cựu chiến binh đều tu sửa, chăm chút phương tiện của mình. Xe ba bánh chỉ chở người, nhưng vì mưu sinh cuộc sống, tạo điều kiện cho các cựu chiến binh có công ăn việc làm, cải thiện cuộc sống, chúng tôi mong các ban, ngành tạo điều kiện cho chúng tôi”.
Các cựu chiến binh Tây Trường Sơn với hoạt động thiện nguyện
Suốt gần 20 năm qua, gần 300 cựu chiến binh, thương binh đã giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Người góp công, người góp của, tạo điều kiện giúp nhau về vật chất, nơi sinh hoạt, động viên nhau về tinh thần. Trước sự đùm bọc đầy nghĩa tình như anh em một nhà của các cựu chiến chiến binh Xe ba bánh Tây Trường Sơn cũng như nhận thấy sự khó khăn về địa điểm sinh hoạt, cựu chiến binh Trần Trọng Minh (sinh năm 1961) đã quyết định cho mượn nhà đất của mình (tại địa chỉ số 3 ngách 71 ngõ Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội) để các đồng đội có nơi sinh hoạt.
Ông Trần Trọng Minh tâm sự: “Xuất phát từ tình cảm chân thành “lá lành đùm lá rách”, tinh thần đồng chí, đồng đội của người lính Cụ Hồ, tận mắt thấy các hoàn cảnh các đồng chí thương bệnh binh, những người đồng đội của mình đã bỏ lại một phần xương máu trong chiến tranh đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, sau khi thu xếp nơi ăn, chốn ở với người thân, tôi đã cho mượn nhà đất của gia đình để giúp các cựu chiến binh thương bệnh binh dễ dàng, thuận tiện trong việc di chuyển, có nơi nghỉ nơi, thăm khám và điều trị ở các cơ sở điều trị quân y, quân đội gần nhất. Và các cựu chiến binh có thể gửi phương tiện xe ba bánh của mình phục vụ cho cuộc sống mưu sinh”.
Tấm lòng của cựu chiến binh Trần Trọng Minh đã khiến các cựu chiến binh Xe ba bánh Tây Trường Sơn không khỏi xúc động. Ông Nguyễn Hữu Thời cảm động: “Các cựu chiến binh ở Xe ba bánh Tây Trường Sơn yêu thương nhau như anh em một nhà, tình đồng chí đã thể hiện từng công việc khác nhau. Cựu chiến binh Trần Trọng Minh là một ví dụ. Có thêm cơ sở mới tại ngõ Văn Chương, Khâm Thiên, chúng tôi có thêm nơi sinh hoạt, thuận tiện trong di chuyển, phục vụ cho cuộc sống mưu sinh và thăm hỏi, động viên nhau dễ dàng”.
Không chỉ giúp đỡ nhau trong cuộc sống, những cựu chiến cùng nhau tổ chức đi các nghĩa trang liệt sĩ để thắp hương, tri ân đồng đội và đi làm từ thiện khắp các tỉnh thành: như nghĩa trang Vị Xuyên, nghĩa trang Trường Sơn, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không những vậy, các cựu chiến binh còn tổ chức nhiều hoạt động từ thiện. Dù còn nghèo khó, nhưng những chiến sĩ Tây Trường Sơn năm nào vẫn gom góp số tiền ít ỏi để mua quần áo, chăn màn, lương thực, thực phẩm cho người dân gặp khó khăn, hoạn nạn tại Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị.
Cựu chiến binh Phạm Văn Hùng mang thương tật 28% tâm sự: “Tất cả các chuyến đi xuyên Việt, chúng tôi đều đi xe ba bánh vì kinh phí thuê ô tô, chúng tôi đều dành để đi từ thiện. Toàn những người trên 60 tuổi, thương binh mang trong người những di chứng bệnh tật của chiến tranh để lại, sức khỏe hạn chế nên chúng tôi cứ đi 30km lại nghỉ cho lại sức để tiếp tục cuộc hành trình tri ân đồng đội và giúp đỡ bà con hoạn nạn.”
Giữa những năm tháng chiến tranh ác liệt, gian khổ, tình đồng chí, đồng đội đã tạo nên sức mạnh đoàn kết để đánh thắng kẻ thù xâm lược. Trở về đời thường, tình cảm ấy vẫn sống mãi với thời gian với hơi ấm của sự đùm bọc, sẻ chia./.
Mỹ Hạnh
TAG: