Rú Chá - Viên Ngọc Thiên Nhiên Của Huế
(LĐXH) - Rú Chá, nằm ở xã Hương Phong, thành phố Huế - là khu rừng ngập mặn thuộc hệ đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á. Hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai với diện tích 22.000 ha gồm 3 phần – phá Tam Giang, đầm Thủy Tú và đầm Cầu Hai. Với diện tích khoảng 30 ha, trong đó phần lõi khoảng 5 ha, chủ yếu được bao phủ bởi loài cây chá (Excoecaria agallocha) - loài thực vật điển hình của vùng nước mặn.
Từ trung tâm thành phố Huế, bạn đi theo Quốc lộ 49 hướng biển Thuận An khoảng 9km. Tại đây, sẽ có bảng chỉ dẫn: đi thẳng sẽ dẫn bạn đến biển Thuận An, rẽ trái sẽ đưa bạn qua hướng đi về cầu Tam Giang. Qua khỏi Đập Thảo Long một đoạn ngắn, bạn sẽ đến rừng ngập mặn Rú Chá bên phía tay phải, một địa điểm nổi tiếng về cảnh đẹp thiên nhiên không chỉ trong nước mà còn thu hút nhiều khách du lịch quốc tế.
Rú Chá vào mùa thu khiến lữ khách say mê bởi vẻ đẹp hoang dã, với lá vàng óng ả của cây chá, hòa cùng màu xanh ngút ngàn của những loài cây ngập mặn, tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Ảnh: Nguyễn Kỳ Nam (năm 2022)
Ông Trần Quang Hoàng, Giám đốc Công ty Tư vấn và Quản lý Du lịch EMERALD chia sẻ: Với kinh nghiệm nhiều năm tư vấn và làm việc các dự án du lịch sinh thái, tôi nhận thấy hệ đầm phá ở Thừa Thiên Huế là một trong những hệ đầm phá lớn, phong phú về các loài thủy hải sản và cây ngập mặn. Một số dịch vụ kinh doanh tại đây, đặc biệt là trải nghiệm ở khu rừng Rú Chá, đang thu hút nhiều sự quan tâm của du khách. Để phát triển bền vững, cần xây dựng chiến lược dựa trên ba yếu tố: tạo sinh kế gắn với bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ hệ động thực vật, và nâng cao trải nghiệm du khách cùng phát triển cộng đồng địa phương.”
Vai trò môi trường và sinh thái của Rú Chá
Hệ sinh thái tại Rú Chá bao gồm các loài thực vật phong phú và nhiều loại động vật, từ tôm, cá đến các loài chim di cư. Khu rừng ngập mặn Rú Chá đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa vi khí hậu, hấp thụ carbon, bảo vệ bờ vùng ven biển khỏi xói lở, đặc biệt nơi đây là môi trường sinh trưởng và phát triển nhiều loại sinh vật vùng đầm phá.
Rú Chá là một trong số ít những khu rừng nguyên sinh còn lại ở khu vực ven biển miền Trung Việt Nam, giữ vai trò là "lá phổi xanh" của vùng đầm phá, góp phần quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường.
Ông Phạm Ngọc Dũng, một chuyên gia về rừng ngập mặn tại Huế cho biết thêm: “Trước đây, Rú Chá với 90% diện tích được bao phủ bởi cây chá, phần còn lại là cây Quao nước (Dolichandrone spathacea). Hiện tại, khu rừng đã được mở rộng lên gần 30 ha, đồng thời trồng thêm nhiều loài cây ngập mặn mới như Đước đôi (Rhizophora apiculate), Bần chua (Sonneratia caseolaris), Dừa nước (Nypa fruticans) – những loài cây này có bộ lá xanh quanh năm. Bên cạnh đó, hệ thống thủy đạo uốn lượn quanh co và xuyên suốt khu rừng, tạo nên một bức tranh phong cảnh sơn thủy hữu tình, tuyệt đẹp giữa tiết trời mùa thu của thành phố Huế.”
Rú chá (xã Hương Phong, thành phố Huế), rừng ngập mặn nguyên sinh nằm trong hệ đầm phá Tam Giang, Ảnh: Lê Đình Hoàng (2024)
Tiềm năng phát triển du lịch
Với vẻ đẹp hoang sơ và không khí yên bình, Rú Chá đang dần trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế, đặc biệt là những người đam mê du lịch sinh thái. Từ những con đường xuyên rừng, du khách có thể tận hưởng cảnh quan thiên nhiên thanh bình, chiêm ngưỡng cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp trên phá Tam Giang.
Ngoài ra, Rú Chá còn có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, nơi du khách có thể trải nghiệm đời sống sinh hoạt của người dân địa phương, tìm hiểu về cách nuôi trồng thủy sản truyền thống và tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Việc kết hợp du lịch sinh thái với các hoạt động bảo tồn sẽ không chỉ nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng ngập mặn mà còn tạo ra các giá trị kinh tế bền vững cho địa phương.
Một đặc điểm độc đáo là vào mùa thay lá, toàn bộ tán cây chá sẽ chuyển sang màu trắng. Đây là một hiện tượng hiếm gặp, khi lớp lá cũ dần rụng và lá mới nở ra với màu trắng sáng tinh khôi, tạo nên một cảnh sắc ấn tượng giữa rừng ngập mặn. Màu trắng phủ khắp rừng khiến Rú Chá như khoác lên mình một chiếc áo mới, khiến cảnh quan trở nên lãng mạn và khác biệt. Mang đến cảm giác thanh bình và tinh khiết, tạo cơ hội tuyệt vời cho việc check-in và khám phá sự biến đổi kỳ diệu của thiên nhiên nơi đây.
Cây chá vào mùa thay lá, là thời điểm khám phá và săn lùng của những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp trong và ngoài nước, Ảnh: Nguyễn Kỳ Nam (năm 2022)
Nhìn ra du lịch đầm phá nước ngoài
So với các khu đầm phá nổi tiếng trên thế giới, đầm phá Everglades tại Florida – Hoa Kỳ, đầm phá Pantanal ở Brazil, Rú Chá tuy nhỏ hơn về quy mô nhưng không kém phần hấp dẫn về đa dạng sinh học và vẻ đẹp tự nhiên vốn có.
Everglades là một trong những khu vực đầm lầy ngập mặn lớn nhất ở Bắc Mỹ và đã phát triển thành một trung tâm du lịch sinh thái hàng đầu. Các hoạt động như tham quan bằng thuyền, quan sát động vật hoang dã và bảo tồn sinh thái đã mang lại nguồn thu lớn cho địa phương. Trong khi đó, Pantanal, nổi tiếng với hệ động vật phong phú, đặc biệt là cá sấu và loài chim quý hiếm, cũng thu hút hàng ngàn du khách hàng năm.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa Rú Chá, Việt Nam và các khu đầm phá nước ngoài là quy mô và mức độ phát triển du lịch. Rú Chá tuy có tiềm năng lớn nhưng hạ tầng du lịch vẫn còn hạn chế. Việc học hỏi mô hình phát triển du lịch sinh thái từ các khu vực quốc tế, kết hợp với việc bảo tồn và khai thác bền vững, sẽ giúp Rú Chá trở thành một điểm đến hấp dẫn không chỉ trong nước mà còn trên thị trường quốc tế.
Để tận dụng tối đa tiềm năng của Rú Chá và vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế cần lồng ghép phát triển du lịch Rú Chá vào chiến lược phát triển bền vững vùng đầm phá. Dưới đây là một số đề xuất để phát triển bền vững du lịch Rú Chá:
Điểm check in cho những bộ sưu tập ảnh du lịch Rú Chá
Một điểm check-in tuyệt vời cho những ai yêu thích khám phá thiên nhiên hoang sơ. Với khung cảnh rừng ngập mặn xanh mướt và những con đường xuyên rừng, Rú Chá mang đến cảm giác yên bình, thư giãn. Đặc biệt, nơi đây còn nổi tiếng với vẻ đẹp hoàng hôn, khi mặt trời dần lặn xuống, tạo nên khung cảnh rực rỡ trên mặt nước lấp lánh của đầm phá. Du khách không chỉ có thể chụp những bức ảnh ấn tượng mà còn tận hưởng không gian tự nhiên, gần gũi với thiên nhiên hoang dã.
Khi đến tham quan Rú Chá, du khách sẽ được đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Hãy thuê những chiếc thuyền nan nhỏ, để lướt nhẹ theo những lạch nước trong xanh, đưa bạn vào lòng rừng ngập mặn đầy bí ẩn. Cảm giác dập dềnh trên mặt nước, hòa mình vào không khí trong lành, lắng nghe tiếng chim hót líu lo từ những tán cây sẽ mang đến những trải nghiệm khó quên. Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn đi bộ trên những con đường bê tông uốn lượn, nơi ánh nắng len lỏi qua những tán lá, tạo nên những bức tranh thiên nhiên sống động. Từng bước chân đưa bạn đến gần hơn với vẻ đẹp hoang sơ và thanh bình của Rú Chá.
"Mỗi khi mùa thu đến, chúng tôi lại quay về Rú Chá không chỉ để tận hưởng khung cảnh thiên nhiên hoang dã tuyệt đẹp, mà còn ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ qua những bức ảnh giữa rừng cây chá vàng rực. Những trải nghiệm du lịch sinh thái tại đây mang đến sự thư giãn và bình yên khó tả, giúp chúng tôi tạm quên đi những áp lực công việc hàng ngày. Không gian tĩnh lặng và vẻ đẹp hoang sơ của Rú Chá thực sự là nơi lý tưởng để tìm lại cân bằng sau những ngày làm việc mệt mỏi." Chị Hoàng Thị Hoài Xuân người dân thành phố Huế nói.
Những bức hình tuyệt đẹp về Rú Chá được ghi lại qua ống kính tinh tế của một nghệ nhân, tái hiện vẻ đẹp dịu dàng của thiên nhiên nơi đây, Ảnh: Nguyễn Kỳ Nam (năm 2022)
Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch: Đầu tư vào hạ tầng giao thông, xây dựng các điểm nghỉ dưỡng sinh thái và phát triển hệ thống dịch vụ du lịch nhằm nâng cao trải nghiệm cho du khách. Tuy nhiên, mọi dự án phát triển cần đảm bảo không ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên của khu vực.
Quảng bá du lịch sinh thái: Tăng cường các chiến dịch quảng bá, giới thiệu Rú Chá và vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai đến du khách quốc tế thông qua các kênh truyền thông số, mạng xã hội và các chương trình hợp tác quốc tế về bảo tồn và du lịch bền vững.
Xây dựng chính sách bảo tồn và phát triển bền vững: Cần xây dựng các chính sách rõ ràng về việc bảo tồn rừng ngập mặn, bảo vệ đa dạng sinh học, đồng thời khuyến khích các hoạt động khai thác kinh tế bền vững như nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch sinh thái.
Tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương: Hỗ trợ người dân địa phương tham gia vào các hoạt động du lịch cộng đồng, cung cấp dịch vụ hướng dẫn, lưu trú homestay, và giới thiệu sản phẩm địa phương, giúp họ cải thiện thu nhập mà không ảnh hưởng đến môi trường.
Để cảm nhận được hết vẻ đẹp của Rú Chá khi sang thu, du khách có thể nhìn từ trên cao nhìn xuống sẽ thấy toàn cảnh vẻ đẹp quyến rũ của khu rừng ngập mặn thay lá với nhiều sắc màu tuyệt vời, Ảnh: Nguyễn Kỳ Nam (năm 2022)
Rú Chá không chỉ là một khu rừng ngập mặn đặc biệt, mà còn là tài sản quý giá của Huế với tiềm năng phát triển lớn về du lịch và kinh tế. Với chiến lược phát triển bền vững, kết hợp giữa bảo tồn và khai thác hiệu quả, Rú Chá có thể trở thành điểm đến du lịch sinh thái hàng đầu, góp phần nâng cao vị thế của Thừa Thiên Huế trên bản đồ du lịch quốc tế.
Việc phát triển du lịch Rú Chá và hệ sinh thái đầm phá không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn tạo ra nguồn lợi kinh tế bền vững cho địa phương, mở ra cơ hội phát triển bền vững cho Thừa Thiên Huế. “Rú Chá - Viên Ngọc Thiên Nhiên Của Huế” không chỉ là một tuyệt tác thiên nhiên, mà còn ẩn chứa những giá trị độc đáo, khiến lòng người viễn xứ xao xuyến mỗi khi đặt chân đến đây.
Hoàng Bảo