An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Rà soát, đánh giá văn bản về trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí.
10:03 AM 29/11/2023
(LĐXH)- Sáng ngày 28/11/2023, tại Hà Nội, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) đã tổ chức Hội thảo “Rà soát, đánh giá tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp của văn bản quy phạm pháp luật về trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí. Tham dự có đại diện các bộ, ngành trung ương, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, các trường đại học, viện nghiên cứu, Trung tâm Bảo trợ xã hội Hà Nội, đại diện các luật sư, luật gia.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Trung Thành, đại diện Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, các Bộ ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã kịp thời ban hành đầy đủ văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện. Hội đồng nhân dân 63 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn. Trong đó 24 tỉnh, thành phố quy định mở rộng thêm đối tượng khó khăn trên địa bàn hưởng chính sách và nâng mức chuẩn áp dụng trên địa bàn cao hơn mức quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP. Hiện nay, cả nước có 3,3 triệu người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và 361.590 người đang hưởng kinh phí hỗ trợ chăm sóc hàng tháng.
Mặc dù ngân sách Nhà nước còn khó khăn, nhưng ngân sách vẫn ưu tiên đầu tư cho an sinh xã hội, trợ giúp xã hội. Mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP là 360.000đ/tháng và hệ số trợ cấp đối với các nhóm cụ thể khác khác. Mức thấp nhất là hệ số 1 và mức cao là hệ số 2,5 (Hệ số bình quân chung 1,41).
Ông Nguyễn Trung Thành, đại diện Cục Bảo trợ xã hội phát biểu tại Hội thảo
Hiện cả nước đã thành lập được 425 cơ sở trợ giúp xã hội (190 cơ sở công lập và 235 cơ sở ngoài công lập). Theo số liệu từ báo cáo của các tỉnh, thành phố đến nay là 45.482 người đang được chăm sóc, nuôi dưỡng trong các cơ sở trợ giúp xã hội. Trong đó, có 15.623 người được chăm sóc trong các cơ sở công lập. Số người có hoàn cảnh khó khăn được tư vấn, hỗ trợ và quản lý trường hợp từ các cơ sở là 80%. Tổng kinh phí thực hiện chính sách chăm sóc, nuôi dưỡng khoảng 80 tỷ/tháng và 962 tỷ/năm.
Tuy nhiên, việc triển khai Nghị định 20 còn một số bất cập như: Chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng còn thấp, mới chỉ hỗ trợ được một phần nhu cầu thiết yếu của người dân; chưa tương đồng với chính sách bảo hiểm xã hội, lương hưu, giảm nghèo và trợ cấp đối với người có công với cách mạng. Còn một bộ phận dân cư khó khăn chưa thụ hưởng chính sách do chưa được quy định trong Nghị định số 20/2021/NĐ-CP. Quy trình, thủ tục và hồ sơ giải quyết chính sách trợ giúp xã hội chưa được quy định theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin nên người dân phải gửi hồ sơ giấy hoặc trực tiếp nộp tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, gây tốn kém thời gian, tăng chi phí quản lý của cơ quan hành chính...
Đại diện Cục Bảo trợ xã hội cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội thời gian tới.
Tại Hội thảo, đại diện Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần số 1 Hà Nội đã trình bày tham luận “Thực tiễn thực hiện công tác chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần tại Trung tâm – Khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất”. Triển khai thực hiện Quyết định số 1929/QĐ-TTg ngày 25/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021 – 2030, thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 23/9/2021 của HĐND Thành phố, chế độ  tiền ăn của bệnh nhân được tăng từ 1.050.000 đối với đối tượng dưới 60 tuổi và 1.440.000đ đối với đối tượng trẻ em dưới 16 tuổi và đối tượng từ trên 60 tuổi trở lên đồng bộ một chế độ 1.760.000đ. Với sự điều chỉnh này, Trung tâm đơn vị thay đổi toàn diện phương thức phục vụ, đổi mới công tác chế biến, đưa quản lý dinh dưỡng vào trong thực hiện chế độ cho bệnh nhân. Bữa ăn của bệnh nhân được đa dạng hơn, đáp ứng tốt hơn về dinh dưỡng.
Trung tâm đang quản lý 660 đối tượng tại 03 phòng chức năng. Để nâng cao chất lượng chăm sóc người tâm thần trung tâm chủ động sàng lọc, phân loại đối tượng theo độ tuổi, tình trạng sức khỏe, bệnh lý của người tâm thần. Phân cấp về mức độ chăm sóc, đảm bảo người tâm thần được chăm sóc toàn diện. Bên cạnh đó đơn vị tổ chức các hoạt động tư vấn mở rộng về chăm sóc sức khỏe tâm thần đối với gia đình đối tượng bằng hình thức trực tuyến.
Trung tâm đề xuất cần thống nhất quan điểm từ Trung ương đến địa phương về định mức sử dụng nguồn nhân lực tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Có quy định phù hợp với định biên về lực lượng lao động, làm việc tại các cơ sở, không nên tinh giảm biên chế khiên cưỡng khi số lượng đối tượng tâm thần có nhu cầu được đưa vào chăm sóc, phục hồi tại cơ sở bảo trợ ngày các cao, qua đó để đảm bảo nhân lực phục vụ công tác quản lý, chăm sóc và phục hồi chức năng cho đối tượng.
Ban hành, hướng dẫn chi tiết quy định về khung giá dịch vụ trong công tác chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần tự nguyện. Điều này đáp ứng nhu cầu rất lớn trong xã hội, tạo cơ hội cho các gia đình có người thân mắc bệnh tâm thần tiếp cận dịch vụ chăm sóc, phục hồi chức năng tại Trung tâm.
Ban hành quy định chính sách chuyên biệt, rõ ràng về đào tạo nghề cho người tâm thần; tạo cơ chế đặc thù cho các doanh nghiệp tiếp nhận người tâm thần sau phục hồi vào làm việc hoặc cơ chế cởi mở đầu tư dạy nghề, tạo việc làm cho đối tượng được quản lý, chăm sóc tại Trung tâm. Quy định rõ tạo sự thống nhất chung về cơ chế phân bổ nguồn thu từ hoạt động lao động trị liệu của đối tượng, đảm bảo đối tượng tâm thần được thụ hưởng nhiều nhất từ thành quả lao động của bản thân.
Đại diện Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) trình bày vẫn đề “Rà soát quy định của pháp luật về chính sách trợ giúp pháp lý cho các đối tượng yếu thế - Khó khăn, bất cập và kiến nghị, đề xuất”; Thực trạng chính sách, pháp luật hiện hành cho người bị bệnh lý tâm thầm, rối nhiễu tâm trí và một số giải pháp; Rà soát một số quy định trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính đối với đối tượng bảo trợ xã hội.../.
Hồng Phượng
 
 
 
TAG: Chinh sách
Tin khác
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
Tri ân người có công ở Mộc Châu
Nam Định phát huy hiệu quả Quỹ Đền ơn đáp nghĩa