Quý I/2023: Lâm Đồng thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp
(LĐXH) - Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được coi là phao cứu sinh cho người lao động (NLĐ) mất việc làm. Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh Lâm Đồng đã không ngừng nỗ lực thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động thất nghiệp.
Theo báo cáo của Trung tâm DVVL tỉnh Lâm Đồng, trong quý I/2023, đơn vị đã tiếp nhận và xử lý 1.362 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), giảm 20,35% so với cùng kỳ năm 2022. Có 1.078 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, so với cùng kỳ năm ngoái là giảm (1.714 người) và giảm 37% so với quý I/2022.
Sau khi đã tư vấn các chế độ, chính sách bảo hiểm thất nghiệp thì có 103 người không nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp để quay lại tham gia thị trường lao động. Ngoài ra, Trung tâm đã tư vấn việc làm – học nghề cho 1.465 người, giảm 15,95% so với cùng kỳ (1.743 người) quý IV/2022; giới thiệu việc làm cho 44 người, giảm 25,42% so với cùng kỳ, chiếm 4,08% trên tổng số người có quyết định hưởng TCTN và hỗ trợ học nghề cho 56 lao động tham gia học nghề, chiếm 4,11% trên tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và tăng 11 người so với quý IV/2022, tăng 27 người so với cùng kỳ.
Từ thực trạng trên, có thể thấy, tỷ lệ lao động thất nghiệp tại tháng 03/2023 so với cùng kỳ đã giảm, do các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã trở lại hoạt động bình thường sau thời gian đóng băng do dịch bệnh. Theo số liệu thống kê, trong quý I năm 2023, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tăng 3,67% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo ngành công nghiệp: Ngành khai khoáng tăng 7%; Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,91%, ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,1% và ngành cung cấp nước, xử lý rác thải tăng 0,13% so với cùng kỳ. Chia theo loại hình: doanh nghiệp nhà nước tăng 2,25%, doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 5,57% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,39%. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh có 3.886 đơn vị đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng 10,21% (3.526 đơn vị) so với cùng kỳ năm ngoái
Riêng trong quý I/2023 thị trường lao động tỉnh Lâm Đồng đang tiếp tục phục hồi và có nhiều mặt khởi sắc thông qua các chương trình thúc đẩy giới thiệu việc làm, sự phát triển trở lại của ngành du lịch kéo theo lực lượng lao động có việc làm của địa phương tăng. Đối với sản xuất nông nghiệp việc làm nhìn chung ổn định, nhất là sản xuất rau, củ, hoa... giá thành ổn định, đã tạo cơ hội cho người lao động chủ động trong công việc và thu nhập.
Để đạt được kết quả trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội nêu trên, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách BHTN với nhiều hình thức đa dạng như: Tổ chức Hội nghị, Hội thảo, xuất bản thông tin về nghiệp vụ BHTN, tờ rơi, tờ gấp, cẩm nang hỏi – đáp, tư vấn. Ngoài ra, Trung tâm DVVL tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thực hiện mô hình một cửa liên thông trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, nhờ đó nâng cao tính chính xác, kịp thời trong giải quyết hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm phương châm 3 đúng: Đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn.
Bên cạnh đó, Trung tâm DVVL tỉnh cũng triển khai thực hiện tiếp nhận và trả hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp qua đường bưu điện, tiếp nhận thông báo về tình trạng việc làm, tư vấn việc làm online, qua điện thoại, mạng xã hội, gmail… Nhờ đó, người lao động có thể tiết kiệm được thời gian, giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết, qua đó, thủ tục được thực hiện đơn giản, linh hoạt, giải quyết nhanh chóng mọi nhu cầu của người lao động, được người lao động ghi nhận và đánh giá cao. Riêng đối với các thủ tục hoặc người lao động có nhu cầu hỗ trợ trực tiếp thì Trung tâm cũng đã triển khai các bước đảm bảo an toàn cho viên chức, người lao động của đơn vị cũng như các tổ chức, cá nhân đến giao dịch.
Cùng với nhiệm vụ giải quyết chính sách BHTN đúng tiến độ, Trung tâm còn đẩy mạnh tư vấn giới thiệu việc làm, hệ thống thông tin thị trường lao động kết nối cung – cầu lao động ngày càng được hoàn thiện. Sàn giao dịch việc làm tỉnh được phát huy, giúp thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng và tuyển dụng lao động, rút ngắn thời gian tìm việc của người lao động, thời gian tuyển dụng của người sử dụng lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nông thôn, góp phần tăng trưởng và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn.
Trong thời gian tới, Trung tâm dịch vụ việc làm sẽ chủ động rà soát, nắm bắt được nhu cầu của người lao động, kết nối với khu công nghiệp đào tạo lại tay nghề người lao động thích hợp với yêu cầu việc làm, nắm chắc số lao động trở lại làm việc thông qua các phiên giao dịch việc làm. Qua đó, nhanh chóng khôi phục đứt gãy trong kinh tế, đồng thời giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Bên cạch đó, Trung tâm sẽ tiếp tục đầu tư và nâng cấp các hệ thống máy tra cứu thông tin giúp cho người lao động có nhiều kênh thông tin về lao động việc làm đa chiều. Tập trung nâng cao năng lực của đội ngũ viên chức, người lao động trong việc triển khai, thực hiện chính sách. Cùng với đó, đổi mới và nâng chất lượng các phiên giao dịch việc làm nhằm nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động giữa người lao động với doanh nghiệp./.
Nguyễn Hoàng
TAG: