Quy định thực hành công tác xã hội đối với người đề nghị cấp giấy chứng nhận hành nghề
(LĐXH)- Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hành công tác xã hội.
Thông tư này quy định về nội dung, tổ chức việc thực hành công tác xã hội đối với người đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội; xử lý kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thực hành và kiểm tra kết quả thực hành công tác xã hội. Thông tư áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hành để cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội.(ảnh minh họa)
Dự thảo Thông tư nêu rõ: Người thực hành được thực hiện các hoạt động chuyên môn phòng ngừa, can thiệp, trị liệu, chăm sóc, phục hồi hỗ trợ phát triển, tư vấn, tham vấn, hỗ trợ tâm lý cho đối tượng dưới sự giám sát của người hướng dẫn thực hành (Người hướng dẫn thực hành đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 36 Nghị định số 110/2024/NĐ-CP).
Thực hiện tại các đơn vị, cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội (cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và cơ sở khác theo quy định của pháp luật) có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với nội dung thực hành.
Người thực hành phải tuyệt đối tuân thủ sự phân công, hướng dẫn của người hướng dẫn thực hành và tôn trọng quyền, nghĩa vụ của đối tượng sử dụng dịch vụ công tác xã hội. Người thực hành phải bảo đảm hoàn thành đầy đủ nội dung thực hành và bảo đảm đủ thời gian thực hành đối với trình độ đại học trở lên từ đủ 12 tháng, trình độ cao đẳng từ đủ 09 tháng, trình độ trung cấp từ đủ 06 tháng tại các cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội.
Trường hợp viên chức hoặc người lao động được cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội tuyển dụng vào làm công tác chuyên môn tại cơ sở mà chưa có giấy đăng ký hành nghề công tác xã hội, thì người đã được tuyển dụng cũng phải thực hành với cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội đó và được phân công người hướng dẫn thực hành theo quy định tại Thông tư này.
Việc phân công người hướng dẫn thực hành phải bảo đảm phù hợp về chuyên môn, năng lực của người hướng dẫn thực hành.
Về thời gian thực hành tại cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội, dự thảo nêu rõ: Thời gian thực hành đối với trình độ đại học trở lên từ đủ 12 tháng; thời gian thực hành đối với trình độ cao đẳng từ đủ 09 tháng; thời gian thực hành đối với trình độ trung cấp từ đủ 06 tháng.
Trong quá trình thực hành phải lồng ghép nội dung hướng dẫn về các quy định pháp luật về công tác xã hội, quy chế chuyên môn, đạo đức hành nghề công tác xã hội, kỹ năng thực hành, kỹ năng giao tiếp và ứng xử của người hành nghề công tác xã hội.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giao Cục Bảo trợ xã hội chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai, thực hiện Thông tư này. Cục Bảo trợ xã hội, các Vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp thực hiện công tác hướng dẫn thực hành thuộc lĩnh vực phụ trách.
Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội các Bộ, ngành chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này trong phạm vi phụ trách./.
Minh Hà
TAG: