Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tỉnh An Giang được sử dụng hiệu quả, góp phần chăm sóc tốt đời sống người có công
05:44 PM 08/07/2022
(LĐXH)-Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH), tính đến nay, An Giang đã tổ chức xác nhận và thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ ưu đãi cho trên 40.000 người có công (NCC). Trong đó, có 142 lão thành cách mạng, 89 cán bộ Tiền khởi nghĩa, 9.491 liệt sĩ, 760 Mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện có 15 mẹ còn sống), 43 Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân, 6.075 thương - bệnh binh, trên 5.500 người hoạt động kháng chiến, 18.700 người có công giúp đỡ cách mạng, 750 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học... Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 87 gia đình được Chủ tịch nước khen tặng Huân chương Độc lập cho gia đình có nhiều liệt sĩ.
Cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở ở An Giang đã luôn đặc biệt quan tâm, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đối với NCC với cách mạng và thân nhân NCC với cách mạng. Trong đó, ngày 05/5/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng ban hành Kế hoạch số 27-KH/TU về việc phát động đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức thực hành tiết kiệm, góp phần chăm lo an sinh xã hội, trong đó quy định: Phát động đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức chỉ đóng góp ủng hộ 01 loại quỹ chung (thay cho việc đóng góp các nguồn Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Xã hội công đoàn, Quỹ Khuyến học); phân bổ 10% vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp tỉnh giao về Sở Lao động-Thương binh và Xã hội; Cơ quan được phân bổ kinh phí tham mưu cấp ủy quản lý và chi tiêu nguồn kinh phí phân bổ theo quy định.
Đoàn người có công với cách mạng tiêu biểu của tỉnh An Giang viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh 
Như vậy, căn cứ theo Kế hoạch số 27-KH/TU, nhiều năm qua, UBND tỉnh không thực hiện vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Theo đó, Sở LĐTBXH chỉ thực hiện việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng phần kinh phí từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) tỉnh chuyển giao, không có dự toán thu. Theo đó, từ năm 2017 đến ngày 14/10/2021, thực hiện Kế hoạch số 27-KH/TU ngày 05/05/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Sở , Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận 10% số tiền trong Quỹ “Vì người nghèo” từ UBMTTQVN tỉnh trích cho Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” quản lý tại Sở. Cụ thể, số thu lũy kế từ năm 2017 đến ngày 14/10/2021 của Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tỉnh là 1.300.464.894 đồng. Số chi lũy kế (số tiền mà Sở đã sử dụng nguồn Quỹ) từ năm 2017 đến ngày 23/7/2021 là 452.372.000 đồng, chủ yếu chi cho việc hỗ trợ cất, sửa Nhà tình nghĩa, hỗ trợ hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách NCC và thăm, tặng quà cho gia đình NCC có hoàn cảnh khó khăn. Theo mức quy định, hiện nay nguồn Quỹ hỗ trợ là 50 triệu đồng/căn xây mới và 20 triệu đồng/căn sửa chữa theo văn bản số 51/VP-UBND-VX ngày 13/02/2012 của Văn phòng UBND tỉnh An Giang. Và số tiền Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tỉnh đến thời điểm 14/10/2021 mà Sở đang quản lý là 848.092.694 đồng.
Đối với nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của cấp huyện, thực hiện Kế hoạch số 27-KH/TU ngày 05/05/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hàng năm, Phòng LĐ-TBXH các huyện, thị xã, thành phố đều tham mưu cho Ban Quản lý Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cùng cấp xây dựng Kế hoạch vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” theo Quy chế ban hành. Đồng thời, phát động phong trào thi đua tại hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của cấp huyện. Ban Quản lý Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cấp huyện thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Phòng LĐ-TBXH cấp huyện cũng thường xuyên tham mưu UBND cùng cấp đôn đốc, nhắc nhở cấp xã quan tâm vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, quản lý và sử dụng nguồn Quỹ để hỗ trợ NCC với cách mạng và thân nhân NCC với cách mạng trên địa bàn đạt kết quả tốt, góp phần nâng cao mức sống của NCC với cách mạng và thân nhân NCC với cách mạng có mức thu nhập ngang bằng với mức thu nhập trung bình của dân cư nơi cư trú. Nhìn chung, công tác vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn một số huyện đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra trong từng năm. Từ năm 2017 đến tháng 10/2021, toàn bộ 11 huyện, thị xã, thành phố đã vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được 30.981.718.000 đồng. Nhờ đó, đã có nguồn lực để cất mới 297 căn nhà tình nghĩa với số tiền 13.459.760.000 đồng và sửa chữa 239 căn nhà tình nghĩa với số tiền 3.289.085.000 đồng; trợ cấp khó khăn cho 8.911 lượt gia đình chính sách với số tiền 3.353.330.000đồng; hỗ trợ khác cho 2.790 lượt gia đình chính sách với số tiền 2.115.891.000 đồng.
Bên cạnh đó, Điều lệ quản lý và sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa ban hành kèm theo Nghị định số 45/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2006 của Chính Phủ, tại Điều 9 quy định Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được sử dụng như sau: Thăm hỏi, hỗ trợ người có công với cách mạng hoặc thân nhân của họ khi ốm đau, khám, chữa bệnh và khi qua đời mà gia đình gặp khó khăn (Khoản 3); Giúp đỡ người có công với cách mạng hoặc thân nhân của họ khi gặp khó khăn trong đời sống (Khoản 4). Như vậy, với thẩm quyền và trách nhiệm được giao trong việc quản lý và tham mưu sử dụng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tỉnh, để thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, quan tâm hỗ trợ kịp thời đối với người có công với cách mạng đang gặp khó khăn trong đời sống, năm 2021, Sở LĐ-TBXH đã trình UBND tỉnh cho chủ trương hỗ trợ từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh đang quản lý đối với 67 trường hợp người có công của tỉnh với số tiền là 143 triệu đồng. Trong đó, NCC với cách mạng bị nhiễm bệnh hoặc từ trần do dịch bệnh COVID-19 mà gia đình gặp khó khăn được hỗ trợ 03 triệu đồng/trường hợp; NCC bị cách ly do dịch bệnh COVID-19 và đang gặp khó khăn được hỗ trợ 02 triệu đồng/trường hợp.
Nhìn chung, những năm qua, cùng với việc thực hiện các chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi thường xuyên theo quy định của Nhà nước cho trên 7.600 NCC với cách mạng và thân nhân NCC với cách mạng, việc sử dụng hiệu quả Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh An Giang đã góp phần giúp các hoạt động chăm sóc đời sống NCC với cách mạng và thân nhân của hộ được duy trì thường xuyên. Hầu hết NCC với cách mạng của tỉnh và thân nhân của họ được hưởng các chế độ ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục-đào tạo, dạy nghề, hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm... Đặc biệt, các đối tượng chính sách còn được hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa, nhận trợ cấp khi gặp khó khăn và khi gia đình NCC bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh. Đời sống của các hộ gia đình NCC ngày càng được nâng lên, điều kiện vật chất và tinh thần từng bước được cải thiện./.

Mỹ Hạnh
 
TAG:
Tin khác
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội nỗ lực vì an sinh xã hội Thủ đô
Hơn 100 đại biểu dự hội nghị về công tác tài chính do Sở LĐ-TB&XH TPHCM tổ chức
Tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững ở huyện Ba Tri
Bắc Giang: Tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo
Bắc Giang: Đẩy mạnh Phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”
Triển khai đồng bộ các giải pháp giúp người dân thoát nghèo tại huyện Sơn Động
Bắc Giang: Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, giúp người dân thoát nghèo
Huyện Bình Đại triển khai có hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững
Hà Nội gặp mặt, tri ân người có công tham gia giải phóng Thủ đô