An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Cần thiết đối với người lao động
04:27 PM 24/01/2020
(LĐXH) Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là quỹ thành phần của Quỹ Bảo hiểm xã hội. Việc đóng, hưởng, quản lý và sử dụng quỹ thực hiện theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.
Sự phát triển của xã hội công nghiệp khiến cho tình hình tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp gia tăng nhanh chóng, với tính chất nghiêm trọng về số thương tật, bệnh nghề nghiệp, tử vong do lao động và những ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội. Sự ra đời của các Quỹ tạo ra lưới đỡ an sinh xã hội, đảm bảo sự ổn định về thu nhập và chăm sóc y tế hợp lý nhanh chóng cho người lao động bị TNLĐ, BNN và những người sống phụ thuộc vào họ mà không cần xem xét do lỗi của ai, tránh để người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và gia đình họ bị rơi vào tình trạng khốn cùng.
Nguyên tắc thực hiện chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định tại Luật An toàn vệ sinh lao động. Theo đó, Luật quy định việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; chính sách, chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động và quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động.

Theo quy định, người sử dụng lao động bắt buộc phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động
Thực hiện Nghị định số 37/2016/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/7/2016, chủ sử dụng lao động bắt buộc phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động nhằm bảo đảm hơn đời sống của những lao động rủi ro bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động và do người sử dụng lao động đóng. Mức hưởng trợ cấp, mức hỗ trợ cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tính trên cơ sở mức suy giảm khả năng lao động, mức đóng và thời gian đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Việc thực hiện bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Theo đó, tại Điều 2 Nghị định 37/2016/NĐ-CP đã quy định rõ đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc gồm: Người làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn và HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên và người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng (thực hiện từ ngày 1/1/2018). Không bao gồm NLĐ là người giúp việc gia đình; Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương; Cán bộ, công chức, viên chức; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học; Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.
Mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động bắt buộc được quy định tại Điều 3 Nghị định số 44/2017/NĐ-CP. Cụ thể, hàng tháng người sử dụng lao động (NSDLĐ) có trách nhiệm đóng bảo hiểm tai nạn lao động cho người lao động với mức: 0,5% trên tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động, cán bộ, công chức, viên chức… trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình; 0,5% trên mức lương cơ sở đối với trên mức lương cơ sở đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn…/.

Minh Anh
TAG:
Tin khác
Bạc Liêu tích cực triển khai thu thập, cập nhật thông tin việc tìm người - người tìm việc
Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại Chi nhánh Phát điện dầu khí
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
Thái Bình thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo thêm việc làm cho người lao động
1.337 cơ hội việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan
Hội chợ việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan thành phố Hà Nội năm 2024
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa lao động Việt Nam sang Canada làm việc theo kế hoạch bài bản