Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Quảng Trị tập trung thực hiện Tiểu dự án về hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Chương trình giảm nghèo
05:10 PM 12/12/2024
(LĐXH)-Giai đoạn 2022-2024, tỷ lệ nghèo đa chiều của tỉnh Quảng Trị giảm 4,46% (Năm 2022 giảm 1,41%; Năm 2023 giảm 1,43%; Năm 2024 giảm 1,19%, tương ứng giảm khoảng 2.130 hộ). Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, giúp người nghèo nâng cao thu thập, cải thiện cuộc sống, được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có nhiều điều kiện và cơ hội tiếp cận với thị trường lao động và tìm việc làm phù hợp.
Đông đảo người lao động đến tìm việc làm tại một Phiên Giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị tổ chức

Đạt được kết quả trên là do tỉnh Quảng Trị đã thực hiện hiệu quả các dự án, tiểu dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong các năm 2021 - 2024, Quảng Trị được phân bổ hơn 742 tỷ đồng để thực hiện. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, địa phương cũng triển khai thực hiện tốt các chính sách tín dụng, huy động đóng góp của người dân và các nguồn vốn hợp pháp khác để góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Theo đó, Quảng Trị đã phân bổ hơn 200 tỷ đồng, gồm hơn 171,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của Trung ương và hơn 33,9 triệu đồng nguồn vốn đối ứng của tỉnh để triển khai Dự án 4 "Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững" để đầu tư cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề, hỗ trợ khởi nghiệp, tư vấn và tạo việc làm.

Đối với Tiểu dự án 3 - Hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Dự án 4, tỉnh được phân bổ  23,27 tỷ đồng ngân sách trung ương để thực hiện. Đến 15/6/2024, tỉnh đã giải ngân được 9,19 tỷ đồng, đạt 39.51% kế hoạch.  Ước đến 31/12/2024,  giải ngân được 20,9 tỷ đồng, đạt 89,85% kế hoach. Từ nguồn vốn này, tỉnh Quảng Trị đã đầu tư 04 công trình sàn giao dịch việc làm, gồm Sàn giao dịch vệ tinh – Trung tâm Dịch vụ việc làm tại thị xã Quảng Trị và 03 điểm giao dịch tại các huyện Đakrông, Triệu Phong và Vĩnh Linh. Cùng với đó, thực hiện tư vấn việc lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo thuộc huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, kết nối việc làm; Tổ chức tuyên truyền phổ biến thông tin thị trường lao động; Thực hiện thu thập thông tin về người lao động.

Việc thu thập thông tin về người lao động được tỉnh Quảng Trị được thực hiện theo Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 16/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị về việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn năm 2023-2025; Công văn số 907/ CVL-QLLĐ ngày 5/9/2023 của Cục Việc làm về hướng dẫn thực hiện hoạt động quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Công văn số 559/SLĐTBXH-LĐVL ngày 23/3/2024 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc triển khai thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư năm 2024;

Năm 2023, Sở LĐTBXH đã tổ chức 3 hội nghị hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin người lao động trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2024, các địa phương trong tỉnh cũng tiếp tục xây dựng kế hoạch về điều tra, thu thập thông tin về người lao động.

Tại huyện Đakrông, trong 2 năm 2023, 2024 toàn huyện đã điều tra thu thập thông tin của 25.603/28.573 lao động (số lao động còn lại chưa thu thập được thông tin do đi làm xa, không có mặt tại địa phương). Dựa trên số liệu thu thập, đến nay công an cơ sở đã nhập dữ liệu về lao động của 11.324 người lên hệ thống.

Nhiều thông tin về vị trí việc làm và nhà tuyển dụng được công khai tại Phiên giao dịch việc làm

Ông Nguyễn Xuân Quang, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Đakrông cho biết: Địa phương đã thu thập thông tin cơ bản, chính xác về thực trạng lao động như việc làm, tình trạng thất nghiệp của người lao động từ 15 tuổi trở lên đang cư trú trên địa bàn. Bên cạnh từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu về người lao động gắn với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong năm 2024, các địa phương cũng cập nhật, chỉnh sửa thông tin của người lao động mà hiện nay có sự thay đổi so với năm 2023. Tuy nhiên, việc nhập dữ liệu vào phần mềm công an cơ sở của 13 xã, thị trấn trên địa bàn còn ít so với số liệu phiếu điều tra lao động.

Việc làm sạch dữ liệu lao động để cập nhật lên hệ thống gắn với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp huyện Đakrông quản lý được người trong độ tuổi lao động có việc làm, không có việc làm cũng như trình độ văn hóa, chuyên môn, người lao động đã được đào tạo nghề hay chưa để giới thiệu công việc phù hợp. Hiện nay, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội đang phối hợp với Công an huyện Đakrông đang tích cực chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với công an cơ sở để đẩy nhanh tiến độ nhập dữ liệu lên hệ thống. 

Theo kết quả sơ bộ, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã thực hiện thu thập thông tin về người lao động đối với 262.250 người.  Số lao động đã chuyển cho Công an nhập lên hệ thống là 256.913 người, theo đó đã cập nhật vào hệ thống là 170.497 người (Công an xã thực hiện). Hiện nay, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đang phối hợp với Công an tỉnh rà soát lại việc cập nhật thông tin người lao động trên hệ thống phần mềm dữ liệu quốc gia về dân cư của năm 2024 để đưa ra số liệu cụ thể, chính xác.

Từ kết quả thu thập, cập nhật, bổ sung thông tin về người lao động, Quảng Trị đã có cơ sở để phân tích, dự báo về xu hướng thị trường lao động, mức độ cung – cầu lao động, từ đó cung cấp, truyền tải hàng chục nghìn lượt thông tin thị trường lao động cho các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động, tư vấn, định hướng giáo dục nghề nghiệp, việc làm cho người lao động phù hợp./.

Mỹ Hạnh
TAG: hỗ trợ việc làm bền vững thu thập thông tin thị trường lao động
Tin khác
Nhìn lại công tác Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững ở An Giang
An Giang tăng cường kết nối thông tin, tạo việc làm cho người lao động
Huyện Yên Sơn (Tuyên Quang): Chủ động thu thập thông tin người lao động, góp phần giúp người nghèo tìm kiếm việc làm
Quảng Trị tập trung thực hiện Tiểu dự án về hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Chương trình giảm nghèo
An Giang: Nhiều giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động
Long An: Đẩy mạnh kết nối cung – cầu lao động giải quyết việc làm cho lao động địa phương
Hiệu quả từ Tiểu dự án 3 về giải quyết việc làm bền vững ở Sóc Trăng
Tuyên Quang: Thực hiện chặt chẽ  việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao động
Quảng Ninh thực hiện tốt việc thu thập, cập nhật  thông tin về người lao động và nhu cầu tuyển dụng