An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Quảng Ninh: Triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn,vệ sinh lao động
02:06 PM 30/05/2022
(LĐXH) – Thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) luôn được các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện.
Quảng Ninh hiện có khoảng 16.800 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nguy hiểm, độc hại. Bởi vậy, công tác đảm bảo ATVSLĐ, phòng ngừa TNLĐ, BNN luôn được các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện. Cùng với việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác ATVSLĐ, tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người lao động trong việc đảm bảo ATVSLĐ. Với điểm nhấn là Tháng hành động về ATVSLĐ, năm qua, các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn đã tổ chức 31 cuộc thi tìm hiểu về ATVSLĐ và thi an toàn, vệ sinh viên giỏi các cấp, thu hút 4.677 lượt người lao động tham gia; kiện toàn và thành lập mới mạng lưới an toàn, vệ sinh viên tại cơ sở; duy trì hoạt động tổng số 410 mạng lưới an toàn, vệ sinh viên với 11.084 an toàn viên; đã có 1.016 tập thể, 85.620 cá nhân tham gia cam kết thực hiện tốt công tác ATVSLĐ.
Cán bộ, công nhân Công ty than Mạo Khê quyết tâm đảm bảo an toàn trước mỗi ca sản xuất
Công tác huấn luyện ATVSLĐ cũng được chú trọng. Năm 2021, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã tổ chức 10 lớp tập huấn chính sách pháp luật và nghiệp vụ chuyên môn về bảo hiểm TNLĐ, BNN với sự tham gia của trên 800 đối tượng là cán bộ quản lý chế độ chính sách tại các đơn vị, doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng chú trọng tổ chức huấn luyện an toàn lao động cho người lao động nhất là công nhân mới tuyển dụng, học sinh thực tập; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám chữa BNN cho người lao động. Trong tháng hành động về ATVSLĐ, các doanh nghiệp đã tổ chức 530 lớp tập huấn, huấn luyện, phổ biến về công tác ATVSLĐ với tổng số 44.145 lượt người tham gia; khám sức khoẻ cho 48.914 lượt người; có 50 cơ sở sản xuất tổ chức đo, kiểm môi trường lao động.
Thời gian qua, các Sở, ban, ngành của tỉnh cũng tích cực phối hợp thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ ở các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tăng cường các hoạt động tự kiểm tra một cách thường xuyên để chủ động phát hiện các sai phạm, các nguy cơ mất an toàn, từ đó có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời. Trong tình hình dịch Covid-19, tỉnh đã giảm số lượt thanh tra, kiểm tra trực tiếp của các cơ quan chức năng tại các đơn vị, doanh nghiệp. Để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện việc tự kiểm tra, Sở LĐTBXH đã có văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp tự kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động qua trang thông tin điện tử http://tukiemtraphapluatlaodong.gov.vn của Bộ LĐTBXH.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát, phòng ngừa TNLĐ, BNN, nhưng tình hình TNLĐ trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Sở LĐTBXH, năm 2021, trong khu vực có quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xảy ra 635 vụ TNLĐ làm 33 người chết, 425 người bị thương nặng (tăng 44 vụ so với năm 2020); chi phí thiệt hại do TNLĐ là gần 31 tỷ đồng đồng. Ở khu vực không có hợp đồng lao động xảy ra 3 vụ TNLĐ làm chết 4 người, chủ yếu trong lĩnh vực thi công xây dựng công trình dân dụng, khai thác rừng.
Các vụ TNLĐ đều được cơ quan chức năng tổ chức điều tra, kết luận, xử lý kịp thời, nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật. Các ngành chức năng đã điều tra, làm rõ nguyên nhân, chỉ ra những tồn tại, hạn chế tại các đơn vị. Trong năm 2021, qua điều tra, kết luận các vụ TNLĐ, đoàn điều tra TNLĐ tỉnh đã yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, UBND cấp xã thực hiện 137 kiến nghị để phòng tránh TNLĐ tái diễn; yêu cầu các cơ sở xảy ra tai nạn lao động xử lý kỷ luật 125 người, trong đó 108 cán bộ quản lý, 17 công nhân lao động; xử phạt vi phạm hành chính 5 đơn vị với số tiền 122 triệu đồng. Đồng thời yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lao động, thực hiện nghiêm các quy định về ATVSLĐ; yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định ATVSLĐ trên địa bàn./.
Minh Hiền
TAG:
Tin khác
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững
Một số định hướng cho việc làm bền vững ở Kiên Giang
Việc làm bền vững từ sự chủ động kết nối cung - cầu lao động ở Kiên Giang
Huyện Con Cuông (Nghệ An) hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho lao động địa phương