Quảng Ninh tiếp tục quan tâm tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
(LĐXH)-Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh, tích cực phối hợp liên ngành trong tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, năm 2021, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tổng kết, sửa đổi, bổ sung Chương trình phối hợp liên ngành trong tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; thực hiện tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ cho 02 nạn nhân là trẻ em bị mua bán qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong đó có 01 nạn nhân quốc tịch Thái Lan; tháng 6/2021, thực hiện trao trả nạn nhân cho Đại sứ quán Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam theo quy định.
Sở trong năm đã đồng thời triển khai các hoạt động trong khuôn khổ dự án "Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại tỉnh Quảng Ninh” do tổ chức World Vision International tại Việt Nam tài trợ với tổng kinh phí dự án được phê duyệt tại tỉnh Quảng Ninh là hơn 1 tỷ đồng. Dự án đã thực hiện được rất nhiều hoạt động ý nghĩa trong công tác phòng chống và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người. Cụ thể như sau: Tổ chức 07 hoạt động khảo sát, đánh giá đầu kỳ với sự tham gia của 131 cán bộ các cấp và người dân tại 05 phường. Tổ chức 02 lớp tập huấn mô hình thăm hộ cho cán bộ công tác xã hội các cấp và cộng tác viên tại cộng đồng với sự tham gia của 82 cán bộ các cấp và cộng tác viên tại 05 phường. Tổ chức 05 hội nghị truyền thông phòng, chống mua bán người và di cư trái phép tại 05 phường Dự án với sự tham gia của gần 500 đại biểu. Tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả và tham vấn ý kiến về Khảo sát đầu kỳ và Chiến lược hỗ trợ lấy đối tượng đích làm trung tâm; tăng cường phối hợp trong hỗ trợ nạn nhân mua bán người và người có nguy cơ là nạn nhân.
Bên cạnh đó, Dự án đã hướng dẫn cộng tác viên tại cộng đồng tổ chức rà soát đối tượng đích để xây dựng kế hoạch hoạt động hỗ trợ tại 05 phường tham gia Dự án. Tổ chức 02 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực chăm sóc dựa trên hiểu biết về sang chấn cho 80 đại biểu là cán bộ các cấp và cộng tác viên công tác xã hội tại 5 phường. Tổ chức 01 lớp tập huấn cho tư vấn viên đường dây nóng 111 và cán bộ thuộc các ban ngành liên quan của TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh thực hành chuyên sâu về chuyển tuyến trong hỗ trợ nạn nhân; 01 buổi tham vấn về chăm sóc dựa trên hiểu biết về sang chấn cho 18 đối tượng đích thuộc 05 phường. Tổ chức tập huấn thúc đẩy, hướng dẫn kèm cặp và nâng cao năng lực cho cộng tác viên tại cộng đồng (có sự tham gia hỗ trợ của nhóm cán bộ công tác xã hội) trong thực hành vãng gia đối với đối tượng đích của Dự án với sự tham gia của 52 đại biểu; Tập huấn về luật, chính sách hỗ trợ nạn nhân mua bán người/người có nguy cơ là nạn nhân và tăng cường kết nối chuyển tuyến, chia sẻ thông tin cho cán bộ công tác xã hội và cán bộ điều phối.
Dự án còn hỗ trợ về y tế (mua thẻ bảo hiểm y tế 1 năm), thiết bị, phương tiện hỗ trợ học tập (xe đạp, bàn ghế, đèn học) cho 12 đối tượng đích gồm gia đình/người có nguy cơ là nạn nhân tại 05 phường dự án. Tổ chức tập huấn về kỹ thuật xây dựng, lập kế hoạch triển khai hoạt động sinh kế hỗ trợ nạn nhân mua bán người/người có nguy cơ là nạn nhân với sự tham gia của 32 đối tượng đích, 40 cộng tác viên tại cộng đồng, 05 cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại 05 phường. Tổ chức tư vấn cá nhân/tư vấn nhóm cho 15 đối tượng đích của dự án về lập và hoàn thiện kế hoạch triển khai hoạt động sinh kế. Trao tặng thiết bị, vật nuôi hỗ trợ sinh kế cho 07 đối tượng đích thuộc các nhóm kinh doanh đồ uống giải khát, chế biến hải sản, kinh doanh thực phẩm và chăn nuôi gia cầm tại phường Cao Thắng, Tuần Châu, Cao Xanh, Bạch Đằng. Tổ chức hội nghị trực tuyến chia sẻ giá trị cộng đồng và khởi động cuộc thi “Câu chuyện tôi” với sự tham gia của 68 đại biểu.
Cùng với đó, Dự án đã tích cực tổ chức tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin và tài liệu hóa bằng hình ảnh cho 19 đối tượng đích đến từ các phường dự án. Tập huấn về giảm thiểu rủi ro trong sản xuất kinh doanh, tìm kiếm và phát triển khách hàng mới và cách sử dụng nguồn vốn hiệu quả trong sản xuất kinh doanh; tập huấn ứng dụng IMO4 trong sản xuất, kinh doanh (bảo quản hàng hóa và gia tăng giá trị cho sản phẩm đồ uống) cho 22 đối tượng đích thuộc 05 phường dự án. Tổ chức hỗ trợ tâm lý cho đối tượng đích - hoạt động trị liệu bằng liệu pháp sáng tạo cho 05 đối tượng đích bằng hình thức trực tuyến qua ứng dụng ZOOM. Tổ chức tổng kết hoạt động chia sẻ giá trị cộng đồng, trao giải cuộc thi “Câu chuyện tôi” với sự tham gia của cán bộ phòng Phòng chống TNXH và các đối tượng đích tại 04 tỉnh thực hiện dự án bằng hình thức trực tuyến qua ứng dụng ZOOM. Tổ chức Hội thảo trực tuyến tổng kết dự án với sự tham gia của 40 đại biểu đến từ các Sở, ngành, đoàn thể, địa phương và đại diện đối tượng đích thuộc các phường dự án. Đồng thời, tham gia Hội thảo đóng dự án cấp Trung ương và sự kiện họp mặt đối tượng đích tại Hà Nội.
Trong năm 2022, Quảng Ninh sẽ tập trung các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, cảnh báo về tình hình tệ nạn mua bán người hiện nay; các chế độ, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; Tập trung tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; tạo điều kiện cho nạn nhân bị mua bán được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội cơ bản, hòa nhập cộng đồng; Phối hợp chặt chẽ cùng các ngành, địa phương đảm bảo kịp thời tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, trong đó có công tác trao đổi thông tin, cập nhật số liệu định kỳ, đồng bộ hóa số liệu về nạn nhân; Duy trì các mô hình hỗ trợ nạn nhân hiệu quả tại các Cơ sở trợ giúp xã hội của tỉnh; nghiên cứu, tham mưu, đề xuất xây dựng mô hình “Nhà tạm lánh” trên địa bàn huyện Đầm Hà hoặc dành khu riêng tại cơ sở của ngành Lao động - TB&XH để tiếp nhận ban đầu nạn nhân bị mua bán trở về trong khi chờ thực hiện các thủ tục pháp lý và để tiếp nhận tạm thời một số trường hợp vô gia cư khác./.
Mỹ Hạnh
TAG: