An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Quảng Ninh thực hiện tốt chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
03:32 PM 27/06/2022
(LĐXH) – Thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nhằm hạn chế thấp nhất tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) xảy ra. Đồng thời thực hiện tốt chính sách đối với những người lao động bị TNLĐ, BNN, giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Khám sức khỏe BNN cho người lao động tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Cùng với việc triển khai nhiều biện pháp đảm ATVSLĐ hạn chế thấp nhất số vụ TNLĐ, BNN, tỉnh Quảng Ninh cũng luôn quan tâm, thực hiện tốt chế độ, quyền lợi đối với những công nhân lao động không may bị TNLĐ. Tích cực tham gia điều tra TNLĐ, để kịp thời giải quyết các chế độ, chính sách, đảm bảo quyền lợi cho người lao động bị TNLĐ. Năm 2021, trong khu vực có quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xảy ra 635 vụ TNLĐ làm 33 người chết, 425 người bị thương nặng (tăng 44 vụ so với năm 2020); chi phí thiệt hại do TNLĐ là gần 31 tỷ đồng đồng. Ở khu vực không có hợp đồng lao động xảy ra 3 vụ TNLĐ làm chết 4 người, chủ yếu trong lĩnh vực thi công xây dựng công trình dân dụng, khai thác rừng. Các vụ TNLĐ đều được cơ quan chức năng tổ chức điều tra, kết luận, xử lý kịp thời, nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật. Các ngành chức năng đã điều tra, làm rõ nguyên nhân, chỉ ra những tồn tại, hạn chế tại các đơn vị. Trong năm 2021, qua điều tra, kết luận các vụ TNLĐ, đoàn điều tra TNLĐ tỉnh đã yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, UBND cấp xã thực hiện 137 kiến nghị để phòng tránh TNLĐ tái diễn; yêu cầu các cơ sở xảy ra tai nạn lao động xử lý kỷ luật 125 người, trong đó 108 cán bộ quản lý, 17 công nhân lao động; xử phạt vi phạm hành chính 5 đơn vị với số tiền 122 triệu đồng. Đồng thời yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lao động, thực hiện nghiêm các quy định về ATVSLĐ; yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định ATVSLĐ trên địa bàn.

Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tích cực phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động tỉnh và các doanh nghiệp để giải quyết các chế độ cho người lao động bị TNLĐ, BNN. Từ nguồn quỹ này, cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh còn chi hàng tỷ đồng cho các hoạt động khám sức khỏe định kỳ, giám định thương tật, huấn luyện ATVSLĐ… góp phần chủ động phòng ngừa, giảm thiểu TNLĐ, BNN.

Bên cạnh đó, trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, BHXH tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng triển khai chính sách hỗ trợ giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN đối với các doanh nghiệp theo Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Kết quả, Đến hết năm 2021, BHXH tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện giảm mức đóng Bảo hiểm TNLĐ, BNN cho 5.693 doanh nghiệp (205.693 lao động) với số tiền gần 35 tỷ đồng. Qua đó, giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện để chăm lo cho người lao động và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Các cấp, ngành của tỉnh cũng thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, động viên công nhân lao động bị TNLĐ cũng như thân nhân của họ nhằm san sẻ phần nào những thiệt thòi, khó khăn với người lao động. Nhân dịp Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022, đồng chí Nguyễn Hoài Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng ATVSLĐ tỉnh Quảng Ninh, Giám đốc Sở LĐTBXH cùng đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh, tổ chức Công đoàn Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, lãnh đạo Công ty cổ phần than Hà Lầm đã đến thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các công nhân bị thương nặng do TNLĐ của Công ty cổ phần than Hà Lầm. Tại các nơi đến thăm, các đồng chí lãnh đạo đã ân cần hỏi thăm sức khỏe, chia sẻ và động viên người lao động bị TNLĐ và gia đình vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời bày tỏ mong muốn mỗi người người lao động sẽ là một tuyên truyền viên hiệu quả về công tác ATVSLĐ đến các đồng nghiệp, những người xung quanh để mỗi người cẩn trọng trước các nguy cơ, thực hiện nghiêm các quy định về ATVSLĐ tại nơi làm việc, chủ động bảo vệ tính mạng của chính mình và đồng nghiệp. Qua đây, cũng mong muốn các doanh nghiệp quan tâm, chăm lo hơn nữa cho công nhân, người lao động và đầu tư trang thiết bị, bảo hộ lao động nhằm đảm bảo ATVSLĐ, phòng tránh nguy cơ, rủi ro xảy ra TNLĐ, để người lao động yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp./.

Minh Cảnh

TAG:
Tin khác
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững
Một số định hướng cho việc làm bền vững ở Kiên Giang
Việc làm bền vững từ sự chủ động kết nối cung - cầu lao động ở Kiên Giang
Huyện Con Cuông (Nghệ An) hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho lao động địa phương
Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững: Một số vướng mắc cần tháo gỡ
Huyện Yên Dũng (Bắc Giang): Đẩy mạnh tuyên truyền, kết nối việc làm cho người nghèo