An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Quảng Ninh: Tập trung thực hiện hiệu quả chính sách trợ giúp người khuyết tật
05:01 AM 24/07/2024
(LĐXH)- Trong những năm qua, công tác trợ giúp cho các đối tượng bảo trợ xã hội nói chung và người khuyết tật (NKT) nói riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo; các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và của tỉnh về NKT được tuyên truyền, phổ biến và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.
Tặng quà cho NKT tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh nhân kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam
Thống kê tính đến cuối năm 2023, tỉnh Quảng Ninh có 22.057 NKT đã được xác định mức độ khuyết tật, trong đó chia theo dạng tật có 5.725 NKT đặc biệt nặng, 14.031 NKT nặng và 2.406 NKT nhẹ. Trong tổng số NKT, có 117 NKT thuộc hộ nghèo; 6.063 NKT là người cao tuổi. Tổng số NKT đang hưởng trơ cấp xã hội hàng tháng là 19.382 người; số NKT đang được nuôi dưỡng trực tiếp và có người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng là 7.122 người. Nguyên nhân dẫn đến khuyết tật chủ yếu là do bẩm sinh, di chứng của chiến tranh, tai nạn giao thông, tai nạn lao động... dẫn đến mất đi hoặc khiếm khuyết một bộ phận cơ thể.
Thực hiện Luật Người khuyết tật và các Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, với chức năng quản lý nhà nước về NKT, Sở Lao động - TBXH tỉnh Quảng Ninh đã tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh có những chủ trương, giải pháp lãnh đạo chỉ đạo thực hiện hiệu quả các hoạt động trợ giúp NKT; ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách về NKT trên các lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm, trợ cấp xã hội, chăm sóc sức khỏe, chỉnh hình phục hồi chức năng, đo đóng chân tay giả, cấp xe lăn, xe lắc miễn phí... Hàng năm, bên cạnh các văn bản quy định chung của tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã chủ động lồng ghép hoạt động trợ giúp NKT vào chương trình công tác, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị; tham mưu ban hành các nội dung theo chức năng, nhiệm vụ được giao bảo đảm thực hiện các mục tiêu của Đề án trợ giúp NKT, kịp thời điều chỉnh và giải quyết vướng mắc trong triển khai thực hiện.
Công tác nuôi dưỡng đối tượng được thực hiện đảm bảo theo quy định. Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành công văn hướng dẫn các đơn vị, địa phương tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4, ngày Quốc tế Người khuyết tật 03/12; vận động các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm hỗ trợ, ủng hộ nhằm giúp đỡ NKT hòa nhập cộng đồng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật của Nhà nước và của tỉnh đối với NKT làm chuyển biến cơ bản nhận thức của cộng đồng, gia đình và bản thân NKT về quyền lợi và nghĩa vụ của NKT.
Song song với đó, tỉnh cũng triển khai các dịch vụ phát hiện sớm khiếm khuyết ở trẻ trước khi sinh và trẻ sơ sinh; triển khai thực hiện các chương trình can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp dụng cụ trợ giúp NKT. Hàng năm, các trạm y tế trên địa bàn tỉnh tiến hành thống kê, lập danh sách NKT trên địa bàn xã, phường, thị trấn để lập hồ sơ theo dõi, quản lý tình trạng sức khỏe và tổ chức khám sức khỏe định kỳ. Tỉnh Quảng Ninh đã  ban hành Quyết định về việc hỗ trợ chi phí phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng lao động cho NKT hệ vận động trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần giảm bớt gánh nặng về tài chính cho gia đình đối tượng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở Lao động - TBXH đã thực hiện trợ cấp xã hội hằng tháng đối với trên 45.400 đối tượng bảo trợ xã hội, với kinh phí trên 190 tỷ đồng; báo cáo tình hình hoạt động của một số cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng 30% tổng số lao động trở lên là NKT; chỉ đạo, chấn chỉnh công tác triển khai thực hiện chính sách trợ giúp xã hội; tổ chức 05 lớp tập huấn cho 500 đại biểu là người chăm sóc/NKT về kỹ năng tự phục vụ, 02 lớp cho 336 đại biểu là chi hội trưởng/phó Hội phụ nữ về kỹ năng công tác xã hội đối với NKT. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4); đưa đoàn đại biểu NKT của tỉnh tham gia Hội nghị biểu dương NKT, TMC và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ VI năm 2024 tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, Sở Lao động – TBXH tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo triển khai thực hiện, báo cáo kết quả rà soát cập nhật dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội; tổ chức hội nghị tổng kết công tác chi trả chính sách an sinh xã hội qua hệ thống Bưu điện; triển khai thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, giảm nghèo tại huyện Hải Hà và huyện Ba Chẽ, giải quyết, xử lý kịp thời 02 đơn kiến nghị về lĩnh vực trợ giúp xã hội.
Trên cơ sở kết quả đạt được, trong thời gian tới, Sở Lao động – TBXH tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách theo quy định Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Nghị định 76/2024/NĐ-CP ngày 01/7/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP; Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh Quảng Ninh “Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”; Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2021/NQ-HĐND. Rà soát, đánh giá, tham mưu điều chỉnh, sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách trợ giúp xã hội phù hợp với mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 – 2030.
Đồng thời triển khai thực hiện có kết quả các chương trình trợ giúp phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng, chương trình trợ giúp NKT, chương trình phát triển công tác xã hội nhằm phát hiện sớm, can thiệp, hỗ trợ kịp thời đối tượng cần trợ giúp xã hội, hỗ trợ chăm sóc và phục hồi đối tượng tại gia đình, cộng đồng; tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia giúp đỡ những người thiệt thòi trong xã hội. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, quản lý và chăm sóc nuôi dưỡng tập trung đối tượng bảo trợ xã hội tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội theo quy định của Trung ương và của tỉnh; thư­ờng xuyên hướng dẫn các địa phương rà soát đối tượng tránh sai sót, đảm bảo chi trả kịp thời, đúng quy định, nâng cao hiệu quả công tác bảo trợ xã hội nhằm góp phần tích cực và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh./.
Hồng Phượng
 
TAG:
Tin khác
Hà Nội thí điểm điều chỉnh giao thông tại nút Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi: Hiệu quả bước đầu
Chợ hoa mỗi năm chỉ họp một lần: Đông khách ngắm, vắng người mua
Cảnh giác chiêu lừa giả danh nhân viên đăng kiểm
Cha mẹ mất sớm, anh trai tật nguyền giúp em gái đến trường
AstraZeneca đồng hành cùng Quỹ Ngày Mai Tươi Sáng mang yêu thương đến với bệnh nhân ung thư dịp Tết Ất Tỵ 2025
Những hình ảnh xấu xí ngày tiễn ông Táo chầu trời
Xuân về trao yêu thương – Tết đong đầy cùng LC Foods
Doanh nhân Nguyễn Thị Phương: Bí quyết thành công nằm ở cái tâm và sự tử tế
Đào đông đỏ giá cả trăm triệu đồng chờ đại gia rước về trưng Tết