Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Quảng Ninh tăng cường công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm
09:16 AM 24/07/2019
(LĐXH) –Những năm gần đây, lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, du lịch của tỉnh Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ, tạo môi trường dễ phát sinh các tệ nạn xã hội trong đó có tệ nạn mại dâm.
Theo số liệu của lực lượng chức năng, đến cuối năm 2018, trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh có tổng số 13/23 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định số 96/2017/NĐ-CP với tổng số  3.083 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm theo quy định của Nhà nước (gồm: 330 khách sạn, 1.144 nhà nghỉ; 250 nhà trọ; 454 nhà hàng; 03 vũ trường; 365 quán karaoke; 12 quán bar; 137 cà phê giải khát; 73 cơ sở xông hơi; 57 massage - cắt tóc máy lạnh; 258 cơ sở dịch vụ khác); trong đó nghi vấn 72 cơ sở hoạt động mại dâm (gồm: 05 khách sạn, 21 nhà nghỉ, 16 karaoke, 12 cà phê, giải khát; 08 cơ sở xông hơi, massage; 05 cắt tóc thư giãn và 05 dịch vụ khác); có 159 đối tượng nghi hoạt động mại dâm, gồm: 38 chủ chứa, 12 môi giới; 109 gái bán dâm. Nhìn chung tình hình hoạt động mại dâm trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua được kiểm soát, trên địa bàn tỉnh không có tụ điểm nóng, hoạt động phức tạp gây bức xúc.
Hội thảo đánh giá kết quả và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành 178 các cấp
Tuy nhiên, theo dự báo tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, cả về tính chất lẫn quy mô hoạt động, đã chuyển từ hình thức “công khai, lộ liễu” sang hoạt động “ngầm, bí mật” với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm trốn tránh các lực lượng chức năng... Theo nắm bắt thực tế của các câu lạc bộ, các nhóm tự lực đang hoạt động trong mô hình thí điểm về phòng, chống mại dâm tại cộng đồng thì số người tham gia hoạt động bán dâm trên địa bàn tỉnh lớn hơn gấp nhiều lần con số được các cơ quan chức năng quản lý và tình hình hoạt động mại dâm trên địa bàn tỉnh cũng đi theo xu hướng chung của cả nước như: hoạt động trá hình tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, khách sạn lớn, trên các tàu du lịch nghỉ đêm trên vịnh; đã xuất hiện người bán dâm là nam, lưỡng giới đang phục vụ nhu cầu mua dâm của nam giới; xu hướng sử dụng ma túy trong nhóm người bán dâm tăng nhanh.
Để ngăn ngừa, kiểm soát và hạn chế phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Quảng Ninh đã tập trung triển khai nhiều hoạt động truyền thông, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho người dân về phòng ngừa, tố giác, giảm hại và các mô hình hỗ trợ, giảm hại… Trong 6 tháng đầu năm 2019, Chi cục đã phối hợp đưa 11 tin, bài trên Báo Quảng Ninh, đăng 06 tin, bài trên Cổng thông tin điện tử thành phần của Sở Lao động – TBXH về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội (PCTNXH); cấp phát 150 cuốn Bản tin về PCTNXH cho các ngành, đơn vị, địa phương; Biên soạn kiến thức cơ bản về tệ nạn mại dâm, ma túy, cai nghiện ma túy và mua bán người, chỉ đạo, hướng dẫn cho 100% cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh khai thác tài liệu để duy trì thường xuyên việc tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của huyện, xã góp phần thực hiện chỉ tiêu 80% người trưởng thành hiểu biết cơ bản về ma túy, mại dâm. Cùng với đó, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho trên 269 thành viên, cán bộ tham gia công tác kiểm tra liên ngành về phòng, chống mại dâm, 331 giáo viên, cán bộ quản lý thuộc Phòng Giáo dục và đào tạo và trường Trung học phổ thông, trung học cơ sở tại 03 địa bàn trọng điểm của tỉnh, nhân viên, cộng tác viên làm công tác PCTNXH các cấp; Phối hợp với các tổ chức chính trị- xã hội tổ chức  9 lớp tập huấn về kỹ năng và nội dung tuyên truyền phòng, chống mại dâm cho gần 1000 người. Các đơn vị, địa phương cũng tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh và bằng pano, áp phích. 
Chi Cục cũng tiếp tục triển khai các mô hình thí điểm về phòng, chống mại dâm như: mô hình phòng ngừa tệ nạn mại dâm và hỗ trợ người bán dâm ổn định cuộc sống tái hoà nhập cộng đồng tại 8 xã/phường/thị trấn trọng điểm; Mô hình Hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, Câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận truyền thông và hỗ trợ, giảm hại phòng, chống bạo lực giới tại các thành phố Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả; Mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội dành cho nhóm phụ nữ bán dâm và Mô hình đảm bảo quyền người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Các mô hình thí điểm phòng, chống mại dâm đã tích cực triển khai thực hiện hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, giảm hại do hoạt động mại dâm thông qua các buổi truyền thông cấp độ nhóm nhỏ, tư vấn cá nhân; thực hiện khảo sát nhu cầu hỗ trợ y tế, pháp lý và chuyển gửi đến các địa chỉ phù hợp; khảo sát nhu cầu đào tạo, chuyển đổi nghề cho nhóm người có nguy cơ hoạt động mại dâm ở địa bàn các thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí. Theo đó, trên 2.000 lượt người bán dâm, người có nguy cơ cao bán dâm được tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ về tâm lý, y tế, pháp lý và cơ hội đào tạo, nghề nghiệp.
Xác định công tác kiểm tra phòng ngừa là có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn phát sinh tệ nạn mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, Chi cục PCTNXH tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Sở, ngành có liên quan đẩy mạnh công tác kiểm tra, đặc biệt kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Chi cục PCTNXH với trách nhiệm thường trực Đội kiểm tra liên ngành (KTLN) về phòng, chống tệ nạn mại dâm tỉnh Quảng Ninh đã triển khai các hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia Đội KTLN178 các cấp, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của Đội; tạo điều kiện để Đội KTLN178 hoạt động hiệu quả, phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh như: Tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng kiểm tra cho thành viên Đội KTLN178 cấp tỉnh, huyện; tham gia trao đổi, học tập kinh nghiệm về phòng, chống mại dâm, kiểm tra liên ngành 178 và công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại 1 số tỉnh trọng điểm Tây Nguyên; Xây dựng kế hoạch, kiểm tra theo từng đợt tại các địa phương; thực hiện kiểm tra đột xuất đối với điểm dễ phát sinh. Trong 6 tháng đầu năm, Đội KTLN178 cấp tỉnh đã thực hiện kiểm tra 27 cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố Hạ Long, trong đó, kiểm tra 25 cơ sở theo kế hoạch, 02 cơ sở đột xuất gồm: 14 khách sạn, 03 cơ sở kinh doanh dịch vụ tàu thủy lưu trú, 04 karaoke, 04 massage, 01 quán bar, 01 vũ trường. Qua kiểm tra, đã tiến hành lập biên bản, yêu cầu tạm dừng 03 thang máy chở người, 02 hệ thống đường dẫn khí đốt hạ áp, 02 nồi hơi do hết hạn đăng kiểm an toàn; có trên 60 kiến nghị yêu cầu các Cơ sở kinh doanh dịch vụ chấp hành đúng quy định pháp luật về phòng chống mại dâm và quy định có liên quan khác.
Đội KTLN178 cấp huyện cũng thực hiện kiểm tra, nắm tình hình thường xuyên, nổi bật là Đội KTLN178 thị xã Đông Triều đã tổ chức 10 đợt với 35 buổi kiểm tra tại 67 cơ sở kinh doanh dịch vụ, lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính 12 cơ sở với tổng số tiền 98 triệu đồng; Đội 178 thành phố Cẩm Phả kiểm tra 03 đợt tại 20 cơ sở, lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính 5 cơ sở, với số tiền 9,7 triệu đồng; Đội KTLN178 thành phố Hạ Long kiểm tra 2 đợt tại 60 cơ sở, lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính 1 cơ sở với số tiền 5 triệu đồng, yêu cầu 1 cơ sở tạm dừng hoạt động.
Với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh Quảng Ninh, sự chủ động tham mưu, triển khai của Chi cục PCTNXH, nhiều giải pháp đồng bộ của Sở Lao động - TBXH, có thể nói tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh không có những điểm “nóng”, phức tạp, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn được ổn định, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển theo đúng định hướng chuyển từ “nâu” sang ‘xanh”, từ phát triển công nghiệp khai thác khoáng sản sang phát triển du lịch, dịch vụ./.
PV
TAG:
Tin khác
VNeTraffic dẫn đầu về lượt tải về trên App Store
Xe mô tô, xe máy được phép cải tạo từ tháng 1/2025
Herbalife Việt Nam tài trợ Chương trình “Chào Năm Mới 2025” tại Hà Nội để khuyến khích lối sống năng động lành mạnh
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả
An Giang: Những đề xuất bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công
Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương miền Tây An Giang
Huyện Châu Phú: Thiết thực tri ân người có công với cách mạng
An Giang: Không còn hồ sơ người có công với cách mạng tồn đọng thuộc quy định giải quyết
An Giang: Quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng