Quảng Ninh: Tăng cường các giải pháp phòng ngừa và hạn chế tai nạn lao động
(LĐXH) – Mới đây UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản yêu cầu Thủ trưởng, Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và người sử dụng lao động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa sự cố, tai nạn lao động (TNLĐ), đặc biệt là đối với công việc làm việc trong không gian hạn chế, có nguy cơ gây sự cố cháy nổ làm nhiều người bị nạn.
Thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo, thực hiện của các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nên công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; tình hình TNLĐ chết người có xu hướng giảm. Tuy nhiên, các vụ TNLĐ làm chết và bị thương nhiều người vẫn xảy ra, đặc biệt là các vụ TNLĐ liên quan đến cháy nổ, nhiễm khí độc khi làm nhiệm vụ trong không gian hạn chế, trong khai thác than hầm lò. Trong đó, phải kể đến: Vụ TNLĐ do ngạt khí độc xảy ra ngày 04/4/2022 tại Trạm bơm nước thải sinh hoạt PS5, khu công viên Lán Bè, phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long làm chết 01 công nhân, bị thương 03 công nhân thuộc Công ty cổ phần Môi trường đô thị Hạ Long Quảng Ninh; Vụ TNLĐ do bỏng bột liệu nóng xảy ra ngày 24/8/2022 tại khu vực Cyclone C3B tầng 7 tháp trao đổi nhiệt - Xưởng Clinker thuộc Công ty cổ phần xi măng Hạ Long làm chết 01 cán bộ (Quản đốc xưởng Clinker), bị thương 03 cán bộ, công nhân; Vụ TNLĐ do nổ mìn xảy ra ngày 29/9/2022 tại Lò dọc vỉa 3 trong đá mức +125T.IIA÷T.IV thuộc Phân xưởng Khai thác đào lò 13, Công ty than Nam Mẫu - TKV làm chết 02 công nhân, bị thương 01 công nhân…
tăng năng suất lao động và đảm bảo ATVSLĐ
Để chủ động phòng ngừa sự cố, TNLĐ, đặc biệt là đối với công việc làm việc trong không gian hạn chế, có nguy cơ gây sự cố cháy nổ làm nhiều người bị nạn, đảm bảo an toàn cao nhất cho người lao động, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng, Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý nhằm thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về công tác ATVSLĐ; đặc biệt là các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, sản xuất điện, sản xuất vật liệu xây dựng, thi công các công trình xây dựng, sửa chữa, đóng tàu, môi trường đô thị, kinh doanh xăng dầu, quản lý sử dụng các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động…; tổ chức thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của công tác ATVSLĐ; thiệt hại, sự cố mất an toàn lao động đối với các vụ TNLĐ do cháy nổ, nhiễm khí độc, bỏng đã xảy ra trong thời gian qua.
Tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 06/10/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đảm bảo ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 19/10/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về chấn chỉnh công tác đảm bảo ATVSLĐ trong hoạt động sản xuất kinh doanh than trên địa bàn tỉnh. Xử lý nghiêm theo quy định các hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLĐ.
Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật, các quy định pháp luật về đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy để đảm bảo an toàn cho người, tài sản, công trình.
Đối với các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người sử dụng lao động cần triển khai nghiêm túc, hiệu quả các quy định của Luât ATVSLĐ, Luật Phòng cháy và chữa cháy; các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ đối với máy hàn điện và công việc hàn điện, hàn hơi, khi làm việc trong không gian hạn chế, an toàn điện, an toàn làm việc trên cao, an toàn đối với các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
Thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người sử dụng lao động trong công tác ATVSLĐ: Thành lập bộ máy làm công tác ATVSLĐ, bố trí cán bộ có trình độ năng lực làm công tác ATVSLĐ; phân định rõ trách nhiệm trong công tác ATVSLĐ đối với người sử dụng lao động, các phòng ban, phân xưởng, tổ đội sản xuất; bố trí người lao động làm việc phải được đào tạo, huấn luyện ATVSLĐ, huấn luyện nội quy, quy trình, biện pháp thi công, biện pháp an toàn lao động, trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, đảm bảo sức khỏe.
Tổ chức đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ cho các ngành nghề, công việc hiện có trong doanh nghiệp; việc đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ phải thực hiện lần đầu, định kỳ, đánh giá bổ sung khi thay đổi về nguyên vật liệu, công nghệ, tổ chức sản xuất, khi xảy ra TNLĐ, sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ. Nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ phải đưa vào trong nội quy, quy trình làm việc để người lao động biết, thực hiện. Nâng cao, phát huy vai trò, sự tham gia của mạng lưới an toàn vệ sinh viên trong công tác ATVSLĐ. Nghiêm túc đánh giá, phân tích nguyên nhân các vụ TNLĐ, sự cố nghiêm trọng, từ đó phổ biến, rút kinh nghiệm rộng rãi trong toàn đơn vị, toàn ngành; triển khai quyết liệt các biện pháp phòng tránh sự cố, TNLĐ tái diễn, lặp lại./.
Minh Cảnh
TAG: