Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Quảng Ninh: Quan tâm điều trị cho phạm nhân nhiễm HIV
10:56 AM 19/12/2016
Theo số liệu của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Quảng Ninh, tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS được điều trị ARV là 84,7%, đạt tỷ lệ cao so với các tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó, các đối tượng là phạm nhân trong trại giam được địa phương quan tâm điều trị.
Hiện trên địa bàn tỉnh đang triển khai 12 phòng khám ngoại trú, trong đó có 1 phòng khám dành cho trẻ em tại 9 huyện, thị xã, thành phố. Có 4.717 bệnh nhân đang nhận thuốc điều trị ARV, trong đó có 150 trẻ em. Từ năm 2014, được sự hỗ trợ của Tổ chức Sức khoẻ gia đình Quốc tế (FHI 360), Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đưa chương trình điều trị ARV cho đối tượng là phạm nhân trong Trại giam Quảng Ninh.
Xét nghiệm cho phạm nhân trong trại giam. Ảnh minh họa
Trại giam Quảng Ninh có khoảng 200 phạm nhân nhiễm HIV, đã đưa vào điều trị ARV cho gần 170 người. Người nhiễm HIV còn được hỗ trợ chi phí xét nghiệm lần đầu, xét nghiệm định kỳ (6 tháng/lần). Từ đó, người bệnh được tư vấn, điều trị phù hợp với thể trạng, tình hình sức khoẻ. Việc phạm nhân được điều trị ARV có ý nghĩa quan trọng, giúp họ giảm các bệnh nhiễm trùng cơ hội, giảm lây nhiễm bệnh cho người xung quanh, tiết kiệm chi phí điều trị cho đơn vị giam giữ.
Tuy nhiên, từ ngày 1/10, Tổ chức FHI 360 dừng hỗ trợ toàn bộ các loại xét nghiệm cho phạm nhân. Đây là khó khăn lớn đối với công tác điều trị cho phạm nhân HIV, bởi trong quá trình điều trị HIV, việc kiểm tra các xét nghiệm là rất quan trọng. Người bệnh cần làm các xét nghiệm về máu, chức năng gan...thường xuyên để kiểm tra sức khoẻ, đánh giá việc điều trị cũng như để bác sĩ có hướng điều chỉnh phác đồ điều trị hợp lý.
Là người nhiễm HIV ngoài cộng đồng, nếu không được hỗ trợ thì họ còn có thể tự chi trả hoặc gia đình chi trả chi phí xét nghiệm. Còn đối với phạm nhân, việc chi trả kinh phí là rất khó khăn. Không được hỗ trợ xét nghiệm đồng nghĩa với các bệnh nhân mới cũng không xác định được bệnh để theo dõi, dự phòng, điều trị...
Còn tại Trại tạm giam, Công an tỉnh, số can phạm, phạm nhân nhiễm HIV/AIDS không xác định được do không tổ chức xét nghiệm. Tuy nhiên, hiện ở Trại có 20 người nhiễm HIV đang dùng thuốc ARV. Theo đó, đây là những đối tượng trước khi vào Trại đang điều trị ARV. Sau khi vào Trại, người nhà mang đến hồ sơ bệnh án của họ, Trại sẽ cấp cho gia đình giấy xác nhận tình trạng sức khoẻ. Sau đó, người nhà can phạm, phạm nhân sẽ đến Phòng khám ngoại trú điều trị ARV (mà trước đó đối tượng đang được theo dõi điều trị) nhận thuốc và gửi vào Trại. Các y, bác sĩ ở Trạm xá của Trại sẽ quản lý, cấp phát thuốc cho bệnh nhân. Cách làm này giúp cho can, phạm nhân được điều trị ARV liên tục, không để gián đoạn, hạn chế khả năng lây nhiễm.
Tại Trại tạm giam, Công an tỉnh, các y, bác sĩ ở Trạm xá của Trại ngoài chăm sóc sức khoẻ còn chú trọng việc tuyên truyền, giáo dục các kiến thức phòng, chống HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm cho các can, phạm nhân; đồng thời chú ý phòng chống lây nhiễm cho bản thân và cán bộ, chiến sĩ.
Đơn vị cũng dành kinh phí mua găng tay, khẩu trang cho cán bộ, chiến sĩ, bảo đảm phục vụ công việc có liên quan đến can, phạm nhân. Việc điều trị cho các đối tượng ốm bảo đảm đúng quy trình; bơm kim tiêm chỉ sử dụng 1 lần. Các đối tượng mắc HIV/AIDS giai đoạn cuối được đưa đi khám, điều trị tại khu điều trị dành cho can phạm, phạm nhân tại Khoa Lây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh...
Minh Hồng
TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương