Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Quảng Ninh: Nỗ lực phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
04:25 PM 14/09/2021
(LĐXH) - Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, trong đó có việc triển khai hiệu quả các mô hình bình đẳng giới, đã giúp nâng cao nhận thức của người dân trong phòng ngừa bạo lực gia đình, đồng thời tăng cường hỗ trợ nạn nhân ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng. Góp phần từng bước giảm thiểu các vụ bạo lực nói chung và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em nói riêng.
Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ
Hằng năm, Tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình. Đồng thời thực hiện tốt các Đề án, Chương trình như: Chỉ thị 08/CT-TTg phòng chống bạo lực gia đình; Đề án về phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020; Đề án Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt; Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020; Đề án về “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” và Đề án Phụ nữ tham gia giám sát, phản biện xã hội tại các huyện, thị xã, thành phố…
Các hoạt động thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, phòng chống bạo lực gia đình hằng năm được tổ chức rộng khắp từ cơ quan, đơn vị đến các địa phương và cao điểm trong Tháng phòng chống bạo lực gia đình và Ngày gia đình Việt Nam với hình thức đa dạng, phong phú, như: Hội thảo "Truyền thông và chia sẻ kinh nghiệm phòng chống bạo lực gia đình"; xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; tổ chức các Cuộc thi sáng tác kịch bản truyền thông về quyền của phụ nữ và phòng chống bạo lực giới; thí điểm lồng ghép bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình trong quy ước hương ước thôn, bản, khu phố; triển khai bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.
Một tiết mục dự thi tại Hội thi Tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình do Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hạ Long tổ chức
Các sở, ngành, địa phương triển khai nhiều mô hình bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình đến tận các thôn/ bản/khu phố đã tuyên truyền, nâng cao kiến thức, chia sẻ thông tin về phòng tránh bạo lực và các tệ nạn xã hội, phát triển kinh tế, gia đình hạnh phúc thu hút sự tham gia tích cực của người dân. Đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 742 địa chỉ tin cậy, 468 cơ sở tư vấn, 28 cơ sở bảo trợ xã hội, 118 cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Do đó, nạn nhân bị bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn tỉnh được ngăn chặn, phát hiện, tư vấn và hỗ trợ kịp thời; các đối tượng gây bạo lực đã được cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hợp tác với một số tổ chức quốc tế thực hiện các hoạt động phòng chống bạo lực giới đã góp phần làm tốt công tác phòng ngừa, trợ giúp nạn nhân bị bạo lực giới.

Công tác kiểm tra, giám sát hiệu quả hoạt động của các mô hình được triển khai hằng năm. Đến nay đã tiến hành kiểm tra, giám sát 249 lượt tại các Mô hình Ngăn ngừa giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn tỉnh; Mô hình hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm khởi sự và phát triển doanh nghiệp; Mô hình phát triển dịch vụ tư vấn hỗ trợ bình đẳng giới.

Những kết quả tích cực

Theo đánh giá của các ngành liên quan trong tỉnh, hiện nay phụ nữ được tham gia vào hầu hết các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, có kinh tế độc lập và được nâng cao địa vị trong gia đình. Đặc biệt thông qua hoạt động của các mô hình, các đợt chiến dịch truyền thông về bình đẳng giới tại vùng nông thôn, miền núi đã thu hút được nam giới tham gia ngày một đông hơn, tư tưởng trọng nam kinh nữ đã dần được gỡ bỏ, đã có sự đồng thuận chia sẻ công việc trong gia đình giữa vợ, chồng, con trai, con gái. Ước tính khoảng cách tham gia công việc gia đình của nữ so với nam giới đã rút xuống 2 lần so với thời điểm chưa ban hành Kế hoạch hành động bình đẳng giới của tỉnh, vượt 0,5 lần so với chỉ tiêu Trung ương đề ra.

Từ năm 2016-2020, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn còn xảy ra 1.056 vụ bạo lực trên cơ sở giới, trong đó số nạn nhân bị bạo lực gia đình được phát hiện và xử lý là 965 người chiếm 91,38% số vụ bạo lực trên cơ sở giới, tăng hơn so với giai đoạn trước (nạn nhân là phụ nữ là 885 người, nạn nhân nam là 80 người). Số nạn nhân được phát hiện được tư vấn về pháp lý và sức khỏe, được hỗ trợ và chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình là 934/965 người, chiếm tỷ lệ 96,79%; Số người  có hành vi gây bạo lực gia đình được phát hiện và chưa bị mức truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn tại các cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình là 838/965, chiếm tỷ lệ 86,84% (chưa đạt chỉ tiêu Trung ương và của tỉnh).

Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã đã giải cứu, tiếp nhận 215 nạn nhân bị buôn bán trở về là phụ nữ và trẻ em (trong đó: có 48 nạn nhân sinh sống trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; 167 nạn nhân là người ngoại tỉnh, năm 2020 không có nạn nhân là người Quảng Ninh). 100% nạn nhân sau khi được tiếp nhận và nạn nhân tự trở về đã được lực lượng chức năng của tỉnh gặp gỡ tư vấn, trợ giúp xã hội, trợ giúp pháp lý, y tế để họ ổn định tâm lý, tinh thần; được hỗ trợ tiền tàu xe, sinh hoạt trở về địa phương, hòa nhập cộng đồng (Đạt chỉ tiêu Trung ương và của tỉnh).

Đến năm 2020, trên địa bàn 100% xã phường, thị trấn đã xây dựng, triển khai mô hình nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới như: Mô hình ngăn ngừa giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới; Địa chỉ tin cậy-Nhà tạm lánh; Mô hình hỗ trợ phụ nữ bị ép kết hôn với người nước ngoài; Mô hình dịch vụ gia đình, Đàn ông xây tổ ấm, Văn phòng công tác xã hội, Nhóm tư vấn cộng đồng; câu lạc bộ Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; Mô hình tham vấn phòng chống bạo lực học đường… 100% xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền trực tiếp, qua loa phát thanh, phát tài liệu tuyên truyền…về BĐG và phòng chống bạo lực giới cho người dân trên địa bàn.

Mô hình Ngôi nhà Ánh Dương đã trở thành địa chỉ tạm lánh tin cậy cho phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình

Mô hình Phát triển dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh tiếp tục duy trì và triển khai có hiệu quả. Từ năm 2016 đến năm 2020 đã tư vấn qua tổng đài 1.056 trường hợp có liên quan đến bình đẳng giới; can thiệp hỗ trợ, hỗ trợ khẩn cấp cho 60 đối tượng và 16 trường hợp là phụ nữ, trẻ em gái bị lạm dụng, bị bạo hành về thể chất, tình dục và tinh thần tại các gia đình, cộng đồng trên địa bàn tỉnh; chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà tạm lánh cho 46 trường hợp bị bạo lực trên cơ sở giới (trong đó có 05 trẻ em đi cùng mẹ); Kết nối, chuyển gửi 192 trường hợp; Phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh vận động tài trợ 02 đối tượng là nạn nhân bị bạo lực gia đình được đi học nghề miễn phí tại Hà Nội và Quảng Nam.

Năm 2019, tỉnh triển khai xây dựng “Mô hình hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái“ do chính phủ Hàn Quốc tài trợ với tổng kinh phí 8.432.638.000 đồng. Mô hình đã hoàn thành, khai trương và đi vào hoạt động tháng 4/2020, đến hết năm 2020 ‘‘Ngôi nhà Ánh Dương tỉnh Quảng Ninh“ đã tiếp nhận thông tin 137 cuộc liên quan đến bình đẳng giới và cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội cho 47 trường hợp. Trong 7 tháng đầu năm 2021, Ngôi nhà Ánh Dương tiếp nhận, tư vấn và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu cho 12 nạn nhân, trong số đó có 09 nạn nhân tạm lánh (là người Quảng Ninh: 06 nạn nhân; Hải Phòng: 03 nạn nhân); kết nối, tạo việc làm cho 02 đối tượng là nạn nhân bị bạo lực giới sau thời gian tạm lánh.

Với những giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của các cấp, ngành, hy vọng rằng tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi, để tạo dựng một xã hội ngày càng văn minh, cuộc sống của mỗi người ngày một hạnh phúc hơn trong sự tôn trọng, thương yêu, bình đẳng./.

Nguyễn Hiền

TAG:
Tin khác
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật
Nữ doanh nhân Phượng Hồng Kông: Hỗ trợ người nghèo bằng trái tim nhân ái