An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Quảng Ninh nỗ lực chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng
03:48 PM 30/09/2020
(LĐXH) – Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực triển khai nhiều hoạt động trong chăm sóc sức khỏe cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí. Trong đó, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã có nhiều hoạt động rất thiết thực cung cấp tới cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí trên địa bàn toàn tỉnh.
Thời gian qua, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về hoạt động trợ giúp cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng qua nhiều hình thức. Đồng thời, tập trung đào tạo nâng cao kiến thức kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội trên địa bàn toàn tỉnh để tham gia phát hiện, tư vấn và cung cấp các dịch vụ phù hợp nhằm hỗ trợ cho nhóm người có nguy cơ, người trong gia đình và những người bị tâm thần, rối nhiễu tâm trí.
Nhân viên Trung tâm Công tác xã hội can thiệp trị liệu cho trẻ tự kỷ.
Năm 2012, Trung tâm đã bảo vệ thành công đề tài “Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm giảm thiểu hội chứng rối nhiễu tâm trí ở trẻ em”. Từ đó xây dựng mô hình trị liệu ngay tại Trung tâm với hệ thống phòng khám sàng lọc và trị liệu không dùng thuốc. Đối tượng tham gia mô hình tâm lý trị liệu là trẻ từ 2 tuổi trở lên. Tuy nhiên thời gian phát hiện sớm rối nhiễu tâm trí và can thiệp hiệu quả nhất là 2 đến 4 tuổi. Mô hình phòng khám hoạt động theo giờ hành chính các ngày trong tuần từ thứ hai đến thứ sáu. Tại đây các nhân viên phòng khám sẽ sử dụng công cụ sàng lọc bằng các test để sàng lọc, đánh giá sâu sự phát triển và phát hiện rối nhiễu tâm trí của trẻ nếu có. Đối với trẻ có rối nhiễu tâm trí, cán bộ của mô hình xây dựng kế hoạch và tiến hành trị liệu cho trẻ. Mỗi trẻ sẽ được can thiệp trị liệu 2-3 buổi/1 tuần, mỗi buổi là 60 phút, vào các ngày thứ hai, thứ tư, thứ sáu hàng tuần. Thời gian trị liệu cho từng trẻ khoảng từ ba tháng, sáu tháng đến một năm, tùy thuộc vào mức độ rối nhiễu tâm trí, cũng như sự phối kết hợp của gia đình trẻ trong quá trình can thiệp trị liệu tại Trung tâm. Thông qua mô hình, đã khám sàng lọc hơn 300 trẻ và điều trị cho 30 trẻ rối nhiễu tâm trí tại Trung tâm. Và theo đó, tháng 3 năm 2019, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm đã mạnh dạn triển khai Đề án “Thí điểm tổ chức hoạt động sàng lọc, can thiệp và trị liệu tâm lý cho trẻ em rối nhiễu tâm trí, tự kỷ có thu phí tại Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh, giai đoạn 2019 - 2021”. Ngoài những hoạt động truyền thông về mô hình dịch vụ, Trung tâm đã phối hợp với các trường/cơ sở mầm non và gia đình trẻ tiến hành sàng lọc, đánh giá và thực hiện xây dựng Kế hoạch trị liệu tâm lý thường xuyên cho trẻ. Hiện tại, có khoảng 15 - 20 trẻ được trị liệu thường xuyên trong tháng và bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, được phụ huynh và cộng đồng đánh giá cao về hiệu quả trị liệu cho trẻ.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã thành lập được một Câu lạc bộ dành cho những cha mẹ có con bị tự kỷ, bị rối nhiễu tâm trí. Câu lạc bộ đi vào hoạt động từ năm 2014 và thường xuyên tổ chức các hoạt động dành cho cha mẹ và trẻ. Các buổi tập huấn cho thành viên Câu lạc bộ được sắp xếp theo trình tự từ lý thuyết đến hỗ trợ thực hành trực tiếp các biện pháp trị liệu, giáo dục kỹ năng cho trẻ tự kỷ. Đây là hoạt động quan trọng vì với mỗi trẻ thời gian trị liệu tại Trung tâm là chưa thể đủ, các em cần sự đồng hành rất lớn của cha mẹ. Đòi hỏi mỗi bậc phụ huynh phải trang bị kiến thức cho mình để can thiệp trị liệu thêm với con tại nhà. Hoạt động này đã hỗ trợ các bậc phụ huynh có thêm kiến thức và kỹ năng để áp dụng hiệu quả nhất trong việc trị liệu cho trẻ tại gia đình.
Trẻ tự kỷ tham gia các bài tập trị liệu vận động phù hợp
Nhu cầu thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện còn thiếu những chương trình liên quan đến vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần nói chung, chăm sóc đối tượng bệnh nhân bị trầm cảm nói riêng. Từ năm 2015, Trung tâm Công tác xã hội đã phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội, Tổ chức Sức khỏe gia đình quốc tế triển khai thí điểm mô hình hoạt động khám, sàng lọc, can thiệp cho người bệnh trầm cảm tại cộng đồng. Thông qua mô hình đã tiến hành sàng lọc đối với 400 người trên địa bàn 4 phường thuộc thành phố Hạ Long để phát hiện vấn đề trầm cảm. Trong đó, đã phát hiện 55 đối tượng được sàng lọc có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Từ kết quả đó, 16 bệnh nhân đã được triển khai xây dựng kế hoạch can thiệp và tâm lý trị liệu không dùng thuốc, trong đó có 02 bệnh nhân được chuyển tới từ Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh.
Năm 2016, Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh tiếp tục phối hợp với Viện Dân số Sức khỏe và Phát triển thực hiện thí điểm mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng tại Quảng Ninh giai đoạn 2016 -2018. Mô hình sẽ cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho người bệnh và gia đình có người mắc bệnh tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, người trầm cảm về tư vấn, hỗ trợ các vấn đề có liên quan đến việc phát hiện, chăm sóc, quản lý người bệnh tại gia đình, cộng đồng. Đồng thời hỗ trợ các nhu cầu cần thiết, nâng cao nhận thức về chăm sóc dự phòng bệnh tâm thần cho nhóm người có dấu hiệu bệnh trầm cảm và rối nhiễu tâm trí. Mô hình được triển khai ở các phường Hồng Hải, Hà Tu thuộc Thành phố Hạ Long và các xã Đông Xá, Hạ Long thuộc huyện Vân Đồn. Thông qua mô hình, tổng số đối tượng có nguy cơ cao được sàng lọc bằng phiếu SRQ 20 là 3.076 đối tượng; phát hiện được 40 đối tượng có điểm số sàng lọc rơi vào ngưỡng trầm cảm; 40 đối tượng trầm cảm được hướng dẫn quản lý trầm cảm. Mô hình bước đầu đã góp phần hữu hiệu để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về bệnh trầm cảm và các dấu hiệu nhận biết sớm để có các biện pháp can thiệp, hỗ trợ, điều trị kịp thời.
Có thể thấy mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng của Trung tâm công tác xã hội Quảng Ninh thời gian qua đã từng bước phù hợp với thực tế địa phương, huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng trợ giúp về vật chất, tinh thần, phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần để ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng./.
Minh Hưng
TAG:
Tin khác
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương
Dùng thuốc mua trên mạng, tiền mất mà tật còn nguyên
Người hâm mộ đổ ra đường, hô vang “Việt Nam vô địch!”
CSGT Diễn Châu kịp thời giúp bé 4 tuổi thoát cơn nguy kịch