Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Quảng Ninh: Nhiều hoạt động hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
02:20 PM 27/11/2019
(LĐXH) –Trước tình hình tội phạm mua bán người, xuất nhập cảnh trái phép, đưa người ra nước ngoài ngày càng phức tạp, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều biện pháp để phòng, chống nạn mua bán người cũng như các hoạt động hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về, giúp họ ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
Quảng Ninh có 118,8 km đường bộ biên giới, 191 km đường phân định biển tiếp giáp với Trung Quốc. Trong những năm qua, tình hình tội phạm mua bán người, xuất nhập cảnh trái phép, đưa người ra nước ngoài (Trung Quốc) trên địa bàn tỉnh diễn ra khá phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố khó lường, các đối tượng thực hiện thủ đoạn ngày càng tinh vi; hoạt động của các đối tượng từ các địa phương lấy địa bàn Quảng Ninh để làm nơi trung chuyển, lừa dẫn phụ nữ, trẻ em sang Trung Quốc.
Phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vẫn là triệt để lợi dụng sự kém hiểu biết và thiếu thông tin của nạn nhân, lợi dụng các đường mòn biên giới và những mối quan hệ sẵn có, tìm cách móc nối với số phụ nữ Việt Nam lấy chồng và làm ăn, cư trú bất hợp pháp ở Trung Quốc để quay trở về Việt Nam lừa dẫn phụ nữ và trẻ em đi Trung Quốc bán cho các chủ chứa hoạt động mại dâm hoặc bán cho đàn ông Trung Quốc làm vợ, hoặc làm con nuôi; tội phạm mua bán người còn dùng chiêu thức làm quen qua mạng xã hội (Zalo, Facebook…) để tán tỉnh, yêu đương và lừa đưa sang Trung Quốc bán. Ngoài ra, chúng còn nhắm vào những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, có trục trặc về tình cảm, người dân ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi như: Hoành Bồ, Bình Liêu, Tiên Yên, Hải Hà, Ba Chẽ có sự thiếu hiểu biết về văn hóa, pháp luật để lừa bán nhằm kiếm lời bất chính.
Thời gian qua, thực hiện Chương trình phòng chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2016-2020 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020. Căn cứ chức năng nhiệm vụ của ngành, hàng năm, Sở LĐTBXH xây dựng kế hoạch, trình UBND tỉnh ban hành triển khai công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về cùng công tác phòng chống tệ nạn mại dâm, cai nghiện ma túy của tỉnh để định hướng, chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai đảm bảo mục tiêu 100% số người xác định là nạn nhân được hỗ trợ ban đầu và áp dụng chính sách theo quy định của pháp luật đồng thời tăng cường truyền thông, nâng cao hiểu biết, nhận thức của cộng đồng dân cư, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân thuộc quản lý của ngành. Đồng thời phối hợp với các đơn vị, địa phương nắm tình hình lao động dịch chuyển qua biên giới làm việc trái phép, tham mưu và triển khai Bản ghi nhớ hợp tác quản lý lao động qua biên giới phòng, chống di cư trái phép đi lao động thời vụ giữa tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), nhằm hạn chế nguyên nhân phát sinh tội phạm buôn bán người.
Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Móng Cái hỗ trợ tiền cho các cháu gái là nạn nhân
của tội phạm mua bán người được giải cứu trở về.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, quan triệt các văn bản liên quan đến mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở được triển khai kịp thời đến các cấp, ngành và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh đảm bảo chỉ tiêu 100% các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người đã được chuyển tải kịp thời. Trong giai đoạn 2016-2018, Chi Cục phòng chống tệ nạn xã hội đã tổ chức 120 hội nghị triển khai kế hoạch, tư vấn về công tác phòng chống tệ nạn xã hội trong đó lồng ghép với tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tới 102.300 lượt người dân, giáo viên, học sinh, sinh viên trên địa bàn toàn tỉnh; Biên soạn, in và phát miễn phí 144.000 tờ rơi, tờ gấp về phòng chống tệ nạn xã hội, trong đó có nội dung về phòng chống tội phạm mua bán người và hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán; In, phát miễn phí 5.200 sách mỏng, sổ tay hướng dẫn sinh kế, sinh hoạt nhóm cho nhóm phụ nữ bán dâm và nạn nhân bị mua bán trở về, địa chỉ tin cậy cho nhóm yếu thế. Chuyển tải hơn 300 cuốn sách “Hỏi đáp về phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em”, 500 tờ gấp “Văn phòng hỗ trợ nạn nhân, địa chỉ hỗ trợ nạn nhân” do Cục phòng chống tệ nạn xã hội và các tổ chức xã hội, phi chính phủ đến người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các Đồn biên phòng chủ động phối hợp với lực lượng Công an, chính quyền, đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục cho quần chúng nhân dân khu vực biên giới nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người, trong đó tập trung tại các địa bàn trọng điểm như các xã, phường: Ka Long, Ninh Dương, Hải Yên, Trần Phú, Hải Hòa, Trà Cổ, Hải Sơn… thuộc thành phố Móng Cái. Thông qua các buổi họp dân ở khu dân cư; sinh hoạt, hội họp của các tổ chức đoàn thể địa phương (phối hợp tuyên truyền giáo dục được 51 buổi/7.650 lượt người tham gia).
Phối hợp với Đài phát thanh, truyền hình tỉnh Quảng Ninh và các huyện, thành phố tăng thời lượng phát sóng chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới” trên sóng phát thanh và truyền hình của tỉnh; đã đưa 29 tin, bài, 11 chuyên mục, 03 chuyên trang phản ánh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người… của Bộ đội biên phòng và tuyên truyền kết quả đấu tranh bắt giữ các vụ án trên phương tiện thông tin đại chúng, nhằm phòng ngừa, răn đe đối tượng.
Các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh cũng chủ động tổ chức 423 hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, trên 2.000 bản tin trên loa truyền thanh cấp xã về phòng, chống mại dâm, ma túy, mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Các cơ quan truyền thông của tỉnh cũng có nhiều tin, bài, phóng sự về tình hình tội phạm mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn tỉnh.
Trong công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân. Hiện tại tỉnh có 03 cơ sở (là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở LĐTBXH) đảm bảo cơ sở vật chất, nhân lực, được giao nhiệm vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trong trường hợp khẩn cấp hoặc trong thời gian xác minh đối tượng là: Trung tâm Công tác xã hội, Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và Trung tâm Bảo trợ xã hội. Từ năm 2016 – 2018, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng tiếp nhận 253 nạn nhân bị mua bán trở về (228 phụ nữ, 25 trẻ em), trong đó có 09 nạn nhân là người trong tỉnh, 244 nạn nhân là người các tỉnh khác. 100% nạn nhân sau khi được tiếp nhận đã được lực lượng chức năng tổ chức gặp gỡ, tư vấn, trợ giúp pháp lý để họ ổn định tâm lý, tinh thần và được hỗ trợ tiền tàu xe, sinh hoạt trở về địa phương đoàn tụ gia đình, ổn định cuộc sống.
Đối với số nạn nhân có hộ khẩu trong tỉnh, khi trở về đã được ngành Lao động – TBXH (Chi cục phòng chống TNXH) phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát nhu cầu, hướng dẫn làm hồ sơ đề nghị được hỗ trợ khó khăn ban đầu, hỗ trợ học nghề để họ ổn định cuộc sống và tái hòa nhập cộng đồng. Đã có 02/9 nạn nhân làm hồ sơ đề nghị và được hỗ trợ khó khăn ban đầu, học nghề mức 2 triệu đồng/người, hiện 02 nạn nhân này đang ổn định cùng gia đình tại phường Phương Nam, thành phố Uông Bí; 01 nạn nhân là cháu bé sinh năm 2017 được Công an thành phố Móng Cái giải cứu tháng 4/2018, hiện đang ở Trung tâm bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh để chăm sóc và thực hiện trao trả cho bố mẹ cháu bé theo đúng quy định.
Ký kết Chương trình phối hợp liên ngành giữa Lãnh đạo Sở LĐTBXH, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng
trong tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn do: Quảng Ninh có đường biên giới giáp với Trung Quốc dài, người dân các vùng giáp danh chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên nhận thức còn nhiều hạn chế, lạc hậu vì vậy tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm mua bán người và người dân dễ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người (như đẻ con không đúng ý muốn thì cho con, bị dụ dỗ sang làm ăn và bị lừa; việc di cư sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp…); Do tâm lý mặc cảm nên có người là nạn nhân bị mua bán đã trở về (tự trở về) song không thông tin cho chính quyền cơ sở và các cơ quan chức năng nên khó cho công tác tiếp cận, tư vấn và hỗ trợ cho nạn nhân; hoặc được các cơ quan chức năng đưa về song không muốn tiếp xúc và không muốn nhận hỗ trợ; Đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân còn mỏng về lực lượng, thường xuyên thay đổi, thiếu về kinh nghiệm và chủ yếu làm kiêm nhiệm nên việc nắm bắt, cập nhật số liệu, thông tin về nạn nhân bị mua bán trở về gặp khó khăn; việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân còn chưa kịp thời, đôi khi không phù hợp với điều kiện, khả năng, nhu cầu của nạn nhân; Kinh phí hỗ trợ khó khăn ban đầu cho người bị mua bán trở về thấp, chưa phù hợp với thực tế.
Trong thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh sẽ chủ động phối hợp cùng các cơ quan liên quan kịp thời nắm tình hình người bị mua bán trở về để hỗ trợ. Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền hoặc hiệp thương cùng các ngành (Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng) ban hành quy chế phối hợp liên ngành trong công tác tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu 100% nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng theo quy định của Nhà nước; Tiếp tục lồng ghép tuyên truyền về tội phạm mua bán người, các chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trong các hoạt động tuyên truyền, trợ giúp pháp lý của Sở, đặc biệt quan tâm đến cộng đồng dân cư vùng biên giới, dân tộc thiểu số và các nhóm có nguy cơ cao; Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thường xuyên rà soát, thống kê số nạn nhân bị mua bán tự trở về, hướng dẫn nạn nhân làm bảng kê khai và đề nghị các cơ quan chức năng xác định là nạn nhân để được tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ, nhằm giúp họ sớm ổn định cuộc sống để hòa nhập tốt với cộng đồng xã hội; Lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giúp người dân tránh nguy cơ bị mua bán đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để nạn nhân bị mua bán trở về được hòa nhập cộng đồng./.
Nguyễn Thị Hiền
TAG:
Tin khác
Sơn La: Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,1%
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật