Quảng Ninh: Nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo giúp giảm nghèo hiệu quả
(LĐXH) – Với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo, đến hết năm 2019, 100% các xã, thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trên địa bàn tỉnh đã được công nhận đạt tiêu chí hoàn thành Chương trình 135, ra khỏi diện ĐBKK, vượt kế hoạch trước 1 năm so với lộ trình Đề án 196.
Thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Quảng Ninh đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, đồng thời có nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo thông qua Đề án “Nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020" (Đề án 196), đã đem lại hiệu quả đột phá. Đến hết năm 2019, 100% các xã, thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trên địa bàn tỉnh đã được công nhận đạt tiêu chí hoàn thành Chương trình 135, ra khỏi diện ĐBKK, vượt kế hoạch trước 1 năm so với lộ trình Đề án 196.
Bước vào thực hiện Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Quảng Ninh có 25 xã và 117 thôn thuộc diện đầu tư hỗ trợ của Chương trình 135, trong đó có 22 xã và 11 thôn ĐBKK ở 8 xã (ngoài 22 xã ĐBKK) thuộc 07 huyện: Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà, Hoành Bồ và Vân Đồn. Quảng Ninh đặt mục tiêu đưa Chương trình 135 cán đích vào năm 2020. Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh đã ban hành Đề án 196 với mục tiêu đến hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo ở khu vực này tăng gấp 2 lần so với cuối năm 2015…; và ban hành Kế hoạch triển khai phong trào thi đua “Phấn đấu đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135”.
Để hiện thực hóa những mục tiêu đề ra, Quảng Ninh xác định nhiệm vụ hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, trong đó người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước cấp trên. Với tinh thần đó, ngay khi triển khai, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt phân cấp, trao quyền để các địa phương chủ động trong thực hiện. Đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, đôn đốc nhằm kịp thời điều chỉnh trong công tác chỉ đạo điều hành thực hiện đúng tiến độ đề ra.
Các sở, ban, ngành, địa phương cũng đã cụ thể hóa thông qua việc thường xuyên kiểm tra giám sát tại các địa bàn được phân công phụ trách và hướng dẫn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã phân công, chỉ đạo hội, đoàn thể cấp dưới tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia đóng góp thực hiện chương trình, đề án. Đối với các huyện có xã, thôn được thụ hưởng chương trình, đề án đã chỉ đạo triển khai, tuyên truyền, quán triệt đến các phòng, ban, UBND các xã, thôn về mục đích và nội dung của chương trình, đề án; thực hiện các giải pháp đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập trên cơ sở nguyện vọng, đề xuất chính đáng, hợp lý của người dân. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện khối lượng công việc, giải ngân vốn, chủ động lồng ghép các nguồn vốn và huy động nguồn lực xã hội hóa, sự tham gia đóng góp của cộng đồng, người dân trong thực hiện…
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự chung tay của cộng đồng, xã hội, với quyết tâm và nỗ lực của chính người dân tại địa bàn ĐBKK, sau 4 năm thực hiện, Chương trình 135, Đề án 196 và phong trào thi đua “Phấn đấu đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu chương trình 135” đã đi vào cuộc sống, tạo sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt về diện mạo nông thôn, miền núi, biên giới, địa bàn ĐBKK, nhất là về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; cải thiện và nâng cao một cách thực chất điều kiện sống của hộ nghèo, cận nghèo và người dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở địa bàn ĐBKK, miền núi, biên giới của tỉnh. Tính đến hết năm 2019, 100% xã, thôn thuộc Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được công nhận hoặc đạt tiêu chí hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, ra khỏi diện ĐBKK. Đồng thời, hoàn thành mục tiêu đề án 196 (về đích trước 1 năm); 8/8 nhóm mục tiêu cụ thể của đề án đều hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch. Tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình 135, Đề án 196 giai đoạn 2016-2020 là trên 1.770 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh là trên 1.500 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch đặt ra), nguồn vốn xã hội hóa là gần 270 tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách xã hội tại địa bàn các xã, thôn ĐBKK đến 31/5/2020 đạt 397 tỷ đồng, với 9.540 hộ còn dư nợ.
Trong 4 năm qua, chương trình 135, đề án 196 đã hỗ trợ đầu tư xây dựng 696 công trình hạ tầng thiết yếu vùng ĐBKK, biên giới của tỉnh. Đến nay, 100% xã ĐBKK có đường ô tô được cứng hóa đến trung tâm xã; 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia; Tất cả hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 97,82% số hộ dân được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, Đề án 196 đã thực hiện hỗ trợ 9.431 lượt hộ nghèo, cận nghèo, với 283 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, gắn với Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm), góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 61,99% năm 2015 xuống còn 13,38% cuối năm 2019. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 12.75 triệu đồng/người cuối năm 2015 lên 32,62 triệu đồng/người cuối năm 2019. Trong quá trình xóa nghèo tại các xã, thôn ĐBKK có rất nhiều xã đã đạt “mục tiêu kép”, vừa hoàn thành Chương trình 135, vừa đạt chuẩn nông thôn mới trong 1 năm như: xã Tình Húc, Húc Động (huyện Bình Liêu); xã Hà Lâu (huyện Tiên Yên); xã Đồn Đạc, Thanh Lâm (huyện Ba Chẽ). Đặc biệt là đã có 475 hộ nghèo đồng bào DTTS tại các xã, thôn ĐBKK tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Phong trào thi đua “Phấn đấu đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020 đã được triển khai sâu rộng từ cơ sở, nhận được sự đồng thuận cao trong các cấp, các ngành, cộng đồng, xã hội và đem lại hiệu quả thiết thực. Từ năm 2017 đến năm 2019, thông qua phong trào thi đua và các đợt vận động đã kêu gọi được sự tham gia hưởng ứng, ủng hộ của trên 1.000 lượt tổ chức, cá nhân, với tổng kinh phí trên 96 tỷ đồng. Từ đó, các cơ quan chức năng đã điều tiết hỗ trợ về nhà ở cho 1.389 hộ, xây dựng 3 công trình trường học và hỗ trợ thực hiện các tiêu chí, điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, văn hóa xã hội đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương nhanh chóng triển khai thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 (Đề án 2085). Sau 2 năm thực hiện Đề án, toàn tỉnh đã hỗ trợ 4.210 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo tại các xã, thôn, bản ĐBKK trên địa bàn tỉnh về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và vốn vay sản xuất kinh doanh, với tổng kinh phí trên 59 tỷ đồng. Qua đó, góp phần giải quyết căn bản việc thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và một phần nhu cầu về vốn vay phát triển sản xuất ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh, tạo sinh kế bền vững cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, người dân ở địa bàn ĐBKK./.
Nguyễn Hiền
TAG: