Quảng Ninh: Năm 2019, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%
(LĐXH) - Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả GDNN.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 42 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Để nâng cao chất lượng đào tạo, thời gian qua, hệ thống cơ sở GDNN trong tỉnh đã không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; tích cực động viên, khuyến khích nhà giáo đạt chuẩn loại A, B. Các cơ sở cũng thường xuyên bố trí giáo viên giảng dạy đúng chuyên ngành được đào tạo; trả lương theo chất lượng giờ giảng, có hệ số khuyến khích cho các nhà giáo đạt chuẩn loại A, B; quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ nhà giáo với các chế độ đãi ngộ, giúp họ yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với đơn vị. Đặc biệt, nhiều cơ sở còn hỗ trợ kinh phí cho các nhà giáo chưa đạt chuẩn trình độ chuyên môn đi học các chuyên ngành để chuẩn hóa theo yêu cầu phù hợp với ngành, nghề giảng dạy, đổi mới quy trình đào tạo nhà giáo theo yêu cầu chuẩn hóa một cách toàn diện mang tính hiện đại... Nhờ đó, trong tổng số 1.900 nhà giáo đang làm việc tại các cơ sở GDNN trên địa bàn, trong đó có trên 500 nhà giáo đạt chuẩn loại A và 141 nhà giáo đạt chuẩn loại B.
Các trường cũng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật mô phỏng để phục vụ công tác đào tạo và ứng dụng trong thực tiễn; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học như giảng đường, xưởng thực hành, nâng cấp các phòng học chuyên dùng, đầu tư các thiết bị hỗ trợ cho quá trình giảng dạy... Đồng thời, không ngừng xây dựng, đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo.
Nhờ chất lượng được nâng cao nên số lượng học sinh theo học tại các cơ sở GDNN đã tăng so với trước. Năm 2019, số lượng tuyển sinh toàn tỉnh đạt gần 37.000 người trong gần 100 ngành, nghề đào tạo, phân theo 7 nhóm ngành, nghề, trong đó có 4 nhóm ngành, nghề có kết quả tuyển sinh khá tốt, gồm: Nghề điện, nước; cơ khí; khai thác mỏ hầm lò; du lịch, dịch vụ.
Thời gian qua, tỉnh cũng từng bước gắn đào tạo nghề nghiệp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động bằng nhiều nội dung và hình thức phối hợp trong đào tạo, như: Trao đổi, cung cấp nguồn lực giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp; Trao đổi thông tin giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp; hỗ trợ của doanh nghiệp với sinh viên học nghề; hợp đồng đào tạo cho lao động của doanh nghiệp...; Hợp tác đưa sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp; hợp tác với cơ sở GDNN trong việc tiếp nhận sinh viên, giáo viên dạy nghề thăm quan tìm hiểu về doanh nghiệp, thực tập, cung cấp thông tin tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp, thông tin phản hồi chất lượng sinh viên tốt nghiệp. Các doanh nghiệp cũng hỗ trợ thiết bị thực hành nghề cho cơ sở GDNN; Bố trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp; Cấp học bổng cho sinh viên; Tham gia xây dựng chương trình đào tạo...
Bên cạnh đó, công tác phối hợp về GDNN giữa cơ quan quản lý nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp được đặc biệt quan tâm, có chuyển biến tích cực. Sở LĐTBXH Quảng Ninh đã phối hợp các cơ sở GDNN và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị ký kết Biên bản ghi nhớ trong hợp tác nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, đặc biệt là phối hợp trong giới thiệu, cung ứng và tuyển dụng lao động phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp; hợp tác xây dựng chương trình đào tạo sát với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; hợp tác bồi dưỡng kỹ năng nghề cho các nhà giáo và cán bộ, nhân viên trong các doanh nghiệp... Năm 2019, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ sở GDNN đã giới thiệu, cung ứng trên 7.000 lao động cho các doanh nghiệp.
Năm 2019, Số học sinh, sinh viên được giải quyết việc làm sau tốt nghiệp đạt 79%, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 80%. Bên cạnh đó, hoạt động hỗ trợ lao động nông thôn học nghề cũng đã đi vào nền nếp, kịp thời, đúng đối tượng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động của tỉnh.
Năm 2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp tốt với các ngành, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh và định hướng nghề nghiệp; gắn kết tuyển sinh đào tạo với thị trường lao động, việc làm; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động sau đào tạo; Chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, tuyển sinh đào tạo nghề cho trên 35.000 người./.
Cảnh Minh
TAG: