An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Quảng Ninh: Hỗ trợ người khuyết tật học nghề và tìm việc làm
03:32 PM 22/08/2018
(LĐXH) Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chính sách, ưu tiên hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật (NKT). Tuy nhiên, trên thực tế, NKT vẫn rất khó tiếp cận cơ hội học nghề, tìm việc làm bởi còn nhiều rào cản.
Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có hơn 19.000 NKT, trong đó số có khả năng lao động là 3.367 người, chiếm 17,5% tổng số NKT; số không có khả năng lao động là 15.918 người, chiếm 82,5%. Số NKT có việc làm ổn định khoảng 1.000 người và số không có việc làm 16.406 người, chiếm 85,07% .

Công ty CP Mai Hoàng (TP Hạ Long) là một trong những doanh nghiệp đã quan tâm tạo nhiều điều kiện cho người khuyết tật làm việc 
Công tác hỗ trợ lao động học nghề được tỉnh Quảng Ninh rất quan tâm. Bình quân mỗi năm, tỉnh đều bố trí kinh phí hỗ trợ lao động học nghề từ 10 đến 15 tỷ đồng. Đặc biệt, để trợ giúp NKT học nghề, tìm việc làm, UBND tỉnh đã ban hành quyết định mức chi phí đào tạo nghề dành riêng cho NKT. Công tác đào tạo nghề cho NKT được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm triển khai thực hiện.
Năm 2012, Sở Lao động - TBXH đã phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định về việc hỗ trợ chi phí phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng lao động cho NKT hệ vận động trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh dùng nguồn kinh phí từ Quỹ việc làm dành cho người tàn tật của tỉnh hỗ trợ 100% chi phí phẫu thuật chỉnh hình và trang cấp dụng cụ chỉnh hình cho NKT hệ vận động, hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng và 01 người nhà đối tượng trong thời gian phẫu thuật với mức 50.000 đồng/người/ngày (không quá 15 ngày), hỗ trợ tiền đi lại cho đối tượng và 01 người nhà đối tượng từ nơi ở của đối tượng đến cơ sở phẫu thuật theo quãng đường thực tế, hỗ trợ chi phí thù lao cho 01 người nhà hướng dẫn đối tượng tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật với mức 50.000đồng/ngày (không quá 15 ngày).

Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ NKT học nghề, tìm việc làm

Cùng với đó, tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Quỹ việc làm dành cho người tàn tật tỉnh Quảng Ninh. Đến nay, tỉnh đã vận động thành lập và có Quyết định công nhận 10 cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT, tạo việc làm cho 201 lao động là NKT với mức thu nhập hằng tháng  từ 2,5 triệu đến 3,5 triệu đồng. Quỹ việc làm dành cho NKT đã thu từ các doanh nghiệp chưa sử dụng đủ tỷ lệ lao động là người khuyết tật tính đến thời điểm hiện tại là trên 14 tỷ đồng. Từ đó hỗ trợ kinh phí cho 04 doanh nghiệp mua sắm thiết bị, vốn đầu tư nâng cấp mở rộng cơ sở vật chất, tạo việc làm cho NKT.
Thực hiện công tác dạy nghề, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai lồng ghép trong Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg  và Quyết định 46/2015/QĐ-TTg quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng. Năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt danh mục 45 nghề, nhóm nghề đào tạo trình độ sơ cấp và mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ cho từng nghề, trong đó có quy định riêng mức chi phí đào tạo và mức hỗ trợ đào tạo nghề cho NKT. Nhờ đó, số NKT được hỗ trợ học nghề đã nâng lên. Trong những năm qua, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 838 người NKT, chiếm 24,89% tổng số NKT có khả năng lao động, trong đó được đào tạo nghề từ chương trình dành cho NKT là 427 người.
Bên cạnh đó, tỉnh còn triển khai và giải quyết đầy đủ, kịp thời chế độ theo quy định của Trung ương. Hiện nay, mức trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh áp dụng là 350.000 đồng/tháng, cao hơn mức quy định của Trung ương (270.000 đồng/tháng). Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Ninh thực hiện giải quyết trợ cấp xã hội hằng tháng cho trên 11.000 NKT.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, số NKT được hỗ trợ đào tạo nghề của tỉnh còn thấp, chiếm 11,38% số lao động là NKT có khả năng lao động và chỉ chiếm 1,98% tổng số NKT. Công tác giải quyết việc làm, nhất là tạo việc làm ổn định cho NKT gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp chưa vào cuộc trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động là NKT. Thêm nữa, việc tổ chức mở lớp dạy nghề cho NKT gặp khó khăn (do khó tập trung được nhiều NKT chung cho một lớp). Các cơ sở đào tạo chưa tích cực trong việc tham gia đào tạo nghề cho NKT. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy nghề còn thiếu và chưa phù hợp với đối tượng là NKT.
Lý giải nguyên nhân này, lãnh đạo Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ninh cho rằng, phần lớn các doanh nghiệp chưa thấy tầm quan trọng và tính nhân văn khi tiếp nhận lao động là NKT vào làm việc. Tỷ lệ thất nghiệp của tỉnh Quảng Ninh là 3,22%; số lao động chưa có việc làm của của tỉnh, trong đó số học sinh, sinh viên sau đào tạo ra trường chưa có việc làm còn nhiều, điều này ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội tìm việc làm của NKT. Hơn nữa, bản thân NKT còn tự ti, chưa thật sự cố gắng vươn lên, còn trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc triển khai thực hiện Quỹ việc làm dành cho người tàn tật còn gặp nhiều khó khăn do các quy định về chế độ, nội dung hoạt động chi còn hạn chế, chưa mở rộng. Đến nay, Bộ luật Lao động mới sửa đổi đã có hiệu lực, Quỹ không còn nguồn thu, chưa có hướng dẫn của các Bộ, ngành về việc thành lập Quỹ trợ giúp NKT nên rất khó khăn cho các địa phương thực hiện hỗ trợ NKT.
Trong năm 2018, tỉnh  Quảng Ninh xây dựng kế hoạch hỗ trợ 2.800 lao động học nghề trình độ sơ cấp, trong đó hỗ trợ lao động NKT là 10%. Để thưc hiện được mục tiêu này, tỉnh tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là đối với các doanh nghiệp về ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc đào tạo và tuyển dụng lao động là NKT vào làm việc cũng như các quyền lợi của doanh nghiệp khi có lao động là NKT; Làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp cho NKT; Có chính sách hỗ trợ đủ mạnh đối với các doanh nghiệp tiếp nhận lao động là NKT vào làm việc và tổ chức đào tạo nghề cho người lao động; Nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp cho NKT.
Cùng với đó, để triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho NKT, tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ LĐTBXH, Ủy ban Quốc gia về NKT và Cục Bảo trợ xã hội tham mưu, trình Chính phủ ban hành chính sách đối với các doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ, doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp về hỗ trợ cơ sở vật chất thiết bị đào tạo và kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho NKT, khi doanh nghiệp có cam kết giải quyết việc làm ổn định cho NKT. Thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ kỹ năng tuyên truyền, tư vấn nghề nghiệp cho NKT. Sớm hướng dẫn việc thành lập Quỹ trợ giúp NKT, trong đó có quy định việc hỗ trợ phương tiện, công cụ, tư liệu sản xuất cho NKT tự tạo việc làm.

Hồng Phượng
TAG:
Tin khác
Năm 2030 sẽ triển khai tàu khách tốc độ 120 km/h
Nhộn nhịp chợ hoa Quảng An, Hà Nội ngày cận Tết Ất Tỵ 2025
Hội chợ Tết 3 miền Xuân Ất Tỵ: “Đậm tình nguồn cội, Trọn nghĩa yêu thương”
‘Biển người’ đổ về hồ Tây xem 2.025 drone trình diễn ánh sáng
TP Lào Cai tặng quà Tết cho gia đình người có công bị ảnh hưởng cơn bão số 3
Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện, xã hội nhân dịp Tết Ất Tỵ
Nhân rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên vùng đất Thép Thái Nguyên
Du khách mang thuốc lá điện tử vào Việt Nam có thể bị xử tù
Bé gái sơ sinh bị bỏ rơi kèm mảnh giấy: ‘Em là sinh viên, không nuôi được con’