Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Quảng Ninh gắn kết doanh nghiệp với giáo dục nghề nghiệp
03:12 PM 03/12/2024
(LĐXH)- Quảng Ninh là tỉnh có tiềm năng mạnh về phát triển kinh tế. Để khai thác và phát triển tối đa tiềm năng đó, việc xây dựng một hệ thống giáo dục đào tạo nghề nghiệp chất lượng và tương thích với nhu cầu của doanh nghiệp là rất cần thiết. Do đó, công tác kết nối doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục đào tạo nghề là yếu tố then chốt.
Đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp
Thông tin từ Trường Cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh cho biết, cuối tháng 11 vừa qua, đoàn công tác của Công ty Du học và Phát triển nhân lực Việt Anh (VAG) và Công ty BAC Mazda Hiroshima đã đến thăm và làm việc với nhà trường, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa ba bên.  
Tại đây, ông Ngọ Văn Dũng – Giám đốc VAG cho biết, những năm qua, VAG đã giúp hàng trăm học sinh, sinh viên và những người có nhu cầu học tập, làm việc và tiếp xúc với các nền văn hóa phát triển của cả châu Á lẫn châu Âu. Tiếp tục hành trình đó, VGA mong muốn hợp tác cùng Trường Cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh với mục tiêu đào tạo kỹ sư ô tô đi du học và làm việc tại Nhật Bản.
Trong khi đó, ông Yano Kentaro – Giám đốc nhân sự của Công ty BAC Mazda Hiroshima cũng chia sẻ, Nhật Bản là một trong những quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật. Khi học sinh, sinh viên đến đây làm kỹ sư, các em sẽ có cơ hội tham gia vào các dự án tiên tiến và được đào tạo chuyên sâu từ các chuyên gia hàng đầu, đồng thời nhận được mức lương hấp dẫn.
Cũng trong chương trình làm việc, sinh viên Khoa Công nghệ ô tô đã được trực tiếp gặp gỡ, trao đổi thông tin cùng với VGA về chương trình đào tạo Kỹ sư ô tô làm việc tại Nhật Bản.
Trường Cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh tổ chức bàn giao sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp
Hiện nay, Trường Cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh có quy mô tuyển sinh, đào tạo 5.800 - 6.000 học viên, sinh viên/năm ở 3 cấp trình độ: Cao đẳng, trung cấp, sơ cấp với 56 mã nghề được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp phép tuyển sinh.
Trong đó có 5 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế gồm: Cắt gọt kim loại; Hàn; Điện tử công nghiệp; Điện Công nghiệp; Công nghệ ô tô. Những nghề này được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, chương trình giáo trình và đội ngũ giáo viên theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề Hàn Quốc.
Quan điểm của nhà trường là hướng đến sự phát triển của người học, mong muốn các em học sinh, sinh viên có cơ hội mở rộng thêm môi trường học tập và làm việc chất lượng toàn cầu, đồng thời hỗ trợ các em có thêm nhiều lựa chọn rộng mở cánh cửa tương lai.

Tương tự, Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành và được lựa chọn trình Chính phủ phê duyệt (trong tổng số 88 trường) để đầu tư trở thành trường chất lượng cao.

Đặc biệt, các ngành nghề trọng điểm cấp quốc gia, ASEAN và quốc tế như Công nghệ Kỹ thuật ô tô, Cắt gọt kim loại, Hướng dẫn du lịch, Điện công nghiệp, Hàn, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí của nhà trường đã và đang được đầu tư, xây dựng và không ngừng phát triển.

Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng hiện đã ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều đơn vị trong công tác đào tạo, bồi dưỡng người lao động theo nhu cầu, trong đó có Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh, Công ty TNHH đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (Tập đoàn BIM Group)...

Giống như các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam với nhiệm vụ tuyển sinh, đào tạo và cung ứng nhân lực đáp ứng nhu cầu sản xuất cho ngành than và của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trung bình mỗi năm, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam tuyển sinh và đào tạo trên 4.000 học sinh, cung ứng nguồn nhân lực phục vụ cho các đơn vị thành viên của Tập đoàn. Nhiều em sau thời gian tham gia lớp đào tạo nghề mỏ tại Trường đã bắt đầu công việc thợ lò tại các đơn vị trực thuộc, trung bình mỗi tháng thu nhập trên 15 triệu đồng. Thời gian qua, nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp và chính quyền địa phương triển khai đồng bộ giải pháp tuyển dụng thợ lò.
Nhiều lợi ích đem lại
Quảng Ninh xác định, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng lao động, nhất là nhân lực chất lượng cao, cùng với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được coi là một chiến lược đột phá.
Để thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, tỉnh đã thành lập tổ công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững. Sở LĐTBXH phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai tích cực hoạt động gắn kết “3 nhà” để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động; góp phần đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng lao động phục vụ phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như phát triển kinh tế biển, cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn.
Việc hợp tác giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp mang lại lợi ích cho cả ba bên là cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp và người học. Đối với cơ sở đào tạo nghề, việc liên kết sẽ tạo cơ hội để huy động nguồn lực từ doanh nghiệp để tăng quy mô và chất lượng đào tạo. Đối với doanh nghiệp, việc hợp tác sẽ giúp họ nắm bắt được khả năng, đặc điểm đào tạo của nhà trường để có kế hoạch phối hợp, tham gia cùng đào tạo. Sản phẩm của quá trình hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường sẽ phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, tránh lãng phí do thừa hoặc thiếu. Trong đó, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí đào tạo lại khi tuyển dụng lao động.
Được biết, tỉnh Quảng Ninh hiện có 42 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 2 trường đại học, 6 trường cao đẳng, 1 cơ sở trực thuộc trường đại học. Trong năm 2024, các đơn vị dự kiến tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp mới cho khoảng 40.000 người./.
Mai Hà
TAG:
Tin khác
Hơn 59% lao động tại tỉnh Sóc Trăng đã qua đào tạo nghề
Sóc Trăng: Tập trung hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động dân tộc thiểu số
Yên Bái nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp ở Yên Bái
Sóc Trăng: Tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm
Sóc Trăng đẩy mạnh hợp tác phát triển giáo dục nghề nghiệp và tạo việc làm cho người lao động
Sóc Trăng: Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045
TP.HCM:  Sơ kết 1 năm chương trình phát triển công tác xã hội trên địa bàn thành phố
Trường Đại học Đông Đô kỷ niệm 30 năm thành lập