Quảng Ninh: Đẩy mạnh các hoạt động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
(LĐXH)- Giải quyết việc làm là một trong những yếu tố quan trọng góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững, cải thiện thu nhập, đời sống người dân. Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu tạo việc làm tăng thêm cho khoảng 30.000 lao động, tập trung chủ yếu ở khu vực công nghiệp - xây dựng, dịch vụ - du lịch.
Để đạt mục tiêu này, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ nhằm giải quyết hiệu quả việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trong các năm qua, công tác giải quyết việc làm đã được các cấp chính quyền, địa phương, ngành triển khai đồng bộ, hiệu quả. Các mục tiêu, chỉ tiêu về tạo việc làm tăng thêm đều được các địa phương rà soát, triển khai gắn với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tỉnh đã cân đối, bố trí nguồn lực đảm bảo cho thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của các hoạt động hỗ trợ tạo việc làm, phát triển thị trường lao động, thông tin thị trường lao động, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...
Công tác kiểm tra, giám sát được xây dựng, tổ chức toàn diện, bám sát các quy định của pháp luật; công tác truyền thông, nâng cao năng lực cán bộ được quan tâm thực hiện... và đã đạt được những kết quả tích cực. Các nội dung triển khai bám sát theo quy định của trung ương (Luật Việc làm, Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP của Chính phủ...), góp phần hỗ trợ tạo việc làm, duy trì việc làm bền vững, tăng thu nhập cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Người lao động làm việc tại Chi nhánh Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng Việt Nam tại KCN Đông Mai, tỉnh Quảng Ninh
Các dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh được hỗ trợ, thúc đẩy phát triển, đặc biệt là tại các khu công nghiệp với nhiều chính sách hỗ trợ tuyển dụng, thu hút lao động của các cấp, ngành và doanh nghiệp, đã thu hút, giải quyết việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập ổn định; nguồn vốn vay giải quyết việc làm được quan tâm bổ sung đã hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là phát triển ngành kinh tế thủy sản, ngành dịch vụ vừa và nhỏ... Các hoạt động hỗ trợ giải quyết việc làm đã nâng cao vai trò của quản lý nhà nước; giảm tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm; nâng cao chất lượng việc làm, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Triển khai Chương trình việc làm tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025. Với mục tiêu kết nối cung cầu lao động, giới thiệu việc làm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, xây dựng các nghị quyết, quyết định, kế hoạch hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, phát triển thị trường lao động, cung ứng, thu hút, tháo gỡ khó khăn trong tuyển dụng lao động của doanh nghiệp...; phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai hoạt động cho vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm;...
Đồng thời, tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trọng tâm, trọng điểm hỗ trợ về việc làm. Trong đó, lồng ghép các chính sách tuyển dụng, thu hút lao động, thông tin thị trường lao động…
Ông Phạm Ngọc Khánh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh chia sẻ: Với mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 mỗi năm tạo việc làm tăng thêm cho từ 13 đến 15 nghìn lao động. Trung tâm đã triển khai hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường lao động thông qua các hoạt động hỗ trợ tuyển dụng lao động miễn phí, cụ thể là: Tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ có kết nối trực tuyến trong và ngoài tỉnh vào thứ 5 hằng tuần tại 04 TP Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái; Tổ chức các ngày hội tư vấn việc làm & xuất khẩu lao động tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh nhằm cung cấp thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp tới NLĐ tại địa phương; Duy trì và phát triển các kênh Fanpage Facebook (TTDVVL Quảng Ninh; Sàn Giao dịch việc làm (GDVL) Quảng Ninh) để đăng tải, cập nhật kịp thời các thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp đến NLĐ; hỗ trợ trực tuyến NLĐ có nhu cầu tìm kiếm việc làm;...
9 tháng năm 2024, toàn tỉnh Quảng Ninh đã tạo việc làm tăng thêm cho khoảng 23,5 nghìn lượt lao động, đạt 78,3% kế hoạch năm 2024, tăng 1,8 nghìn lượt người so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 680 người, đạt 113,3% kế hoạch năm 2024. Toàn tỉnh đã tổ chức 98 phiên sàn giao dịch việc làm định kỳ có kết nối online các địa phương trong tỉnh, 13 buổi sàn giao dịch việc làm online với các tỉnh, thành khu vực phía Bắc.
Cuối năm là thời điểm nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp tăng cao. Đây là điều kiện thuận lợi để gia tăng cơ hội tìm kiếm và duy trì việc làm bền vững cho người lao động.
Hải Uyên