Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Quảng Ninh: Còn nhiều khó khăn trong cai nghiện ma túy tại cộng đồng
02:48 PM 02/07/2019
(LĐXH) - Quảng Ninh hiện có 3.337 người nghiện ma túy, trong đó có 540 người cai nghiện tại Cơ sở Cai nghiện ma tuý và 1.218 người tham gia điều trị nghiện bằng chất thay thế methadone tại 5 cơ sở ở Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều và Vân Đồn.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng, hầu hết các xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh đều thành lập Tổ công tác cai nghiện ma túy và triển khai các nhiệm vụ lồng ghép cùng chương trình bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nông thôn mới với phòng chống tệ nạn xã hội (TNXH), đảm bảo an ninh trật tự trong đó có công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp, hướng dẫn UBND cấp huyện triển khai thí điểm một số mô hình để thúc đẩy công cai nghiện ma túy dựa vào cộng đồng và quản lý hỗ trợ người sau cai như: Duy trì và nhân rộng Đội công tác xã hội tình nguyện giúp chính quyền địa phương cấp xã nắm chắc tình hình tệ nạn xã hội và tổ chức các hoạt động phòng chống tệ nạn xã hội trong đó có cai nghiện ma túy; Thành lập và duy trì mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy và tái hòa nhập cộng đồng”; Duy trì, nhân rộng mô hình “Câu lạc bộ hỗ trợ người sau cai nghiện tái hoà nhập cộng đồng”...
Học viên cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh học nghề đan lưới
Hiện toàn tỉnh có 20 đội công tác xã hội tình nguyện (thành phố Hạ Long: 6 đội; thành phố Cẩm Phả: 5 đội; thành phố Móng Cái: 3 đội; thành phố Uông Bí: 3 đội; huyện Vân Đồn: 01 đội; thị xã Đông Triều: 01 đội; thị xã Quảng Yên: 01 đội) với 140 tình nguyện viên. Trong 10 năm qua, các Đội đã tổ chức, phối hợp tổ chức 250 buổi tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề cho trên 20.000 lượt người về phòng, chống tệ nạn xã hội; phát trên 100.000 tờ rơi, viết hơn 2.500 tin bài về phòng chống TNXH phát trên hệ thống loa truyền thanh xã; vận động trên 1.000 lượt người tự nguyện đi xét nghiệm HIV; thu nhặt bơm kim tiêm; Tiếp cận trên 1.050 lượt người nghiện ma tuý, gia đình người nghiện, người bán dâm để tư vấn cách thức giải quyết khủng hoảng tâm lý, dự phòng tái nghiện, lựa chọn hình thức điều trị nghiện, tiếp cận các dịch vụ về y tế, tâm lý, pháp lý...; vận động được 285 người nghiện ma tuý đi cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh và cơ sở điều trị thay thế Methadone.
Với nhiệm vụ tuyên truyền, tư vấn cho người nghiện ma túy lựa chọn hình thức cai nghiện phù hợp, năm 2018 các mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy và tái hòa nhập cộng đồng” đã có vai trò tích cực trong việc thí điểm thực hiện việc hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng cho 19 người nghiện tại 10 xã, phường thuộc Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên và Uông Bí (có 18/19 người hoàn thành chương trình cai nghiện theo quy định, 01 người đã chuyển hình thức cai nghiện khác; có 15/19 người đã có việc làm, có thu nhập ổn định bình quân từ 4-6 triệu đồng/người/tháng).
Toàn tỉnh đang duy trì và hướng dẫn 10 mô hình CLB hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng ở các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Vân Đồn, Quảng Yên. Đến cuối năm 2018, có 168 thành viên là người sau cai nghiện tham gia sinh hoạt thường xuyên. Thông qua hoạt động mô hình, thành viên của các CLB luôn tôn trọng nhau, chấp hành đúng nội quy sinh hoạt của nhóm, hỗ trợ nhau sau cai nghiện vượt qua khó khăn ban đầu và trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng, thăm hỏi, động viên nhau khi ốm đau...
Giai đoạn 2015 - 2018 tại các địa phương trong tỉnh đã cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho 1.201 lượt người nghiện, bình quân mỗi năm cai cho 300 lượt người, chiếm tỷ lệ 14,3% so với tổng số lượt người nghiện được điều trị, cai nghiện toàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cai nghiện, quản lý đối tượng tại cộng đồng vẫn còn nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Sơn Hà, Trưởng phòng Chính sách 06, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐTBXH), cho biết: Nguyên nhân chủ yếu do người nghiện và gia đình người nghiện ma tuý không tự nguyện khai báo, đăng ký cai nghiện tự nguyện. Việc nắm bắt, thống kê người nghiện ma túy chưa đầy đủ, thiếu chính xác, số người đưa vào diện nghi nghiện nhiều (bình quân cao hơn 3-4 lần số người nghiện có hồ sơ quản lý) dẫn đến việc xây dựng kế hoạch cai nghiện cũng như thực hiện chỉ tiêu điều trị cho người nghiện ma túy của Tỉnh không sát (nhiều người không có hồ sơ quản lý nhưng đang cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy của Tỉnh). Điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự, kinh phí, chế độ, chính sách cho công tác cai nghiện tại cộng đồng hạn hẹp. Thêm vào đó, một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác cai nghiện và quản lý người nghiện sau cai có mặt chưa phù hợp thực tiễn, khó thực hiện, chậm được sửa đổi; việc tổ chức cai nghiện khó khăn hơn do những vướng mắc trong việc xác định tình trạng nghiện và tổ chức cai nghiện theo quy định của pháp luật chưa được kịp thời tháo gỡ. Những khó khăn trên rất cần có giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các ngành liên quan để việc cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng mang lại hiệu quả thiết thực./.
Cảnh Minh
TAG:
Tin khác
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng gặp mặt cán bộ hưu trí phía Nam mừng Xuân Ất Tỵ
Hội đồng hương Nghệ An tại TP.HCM trao 500 triệu đồng ủng hộ người nghèo tỉnh Nghệ An đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Công viên 3.500 tỷ đồng tại Hà Nội thành hình
Năm 2024: Cục Bảo trợ xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội
VNeTraffic dẫn đầu về lượt tải về trên App Store
Xe mô tô, xe máy được phép cải tạo từ tháng 1/2025
Herbalife Việt Nam tài trợ Chương trình “Chào Năm Mới 2025” tại Hà Nội để khuyến khích lối sống năng động lành mạnh
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả
An Giang: Những đề xuất bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công