Quảng Ngãi nhiều giải pháp hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động
(LĐXH)- Trong 4 tháng đầu năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất và kinh doanh, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
Theo thống kê trong 4 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 6.447 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, có 43 doanh nghiệp Nhà nước, với 13.180 lao động; 57 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với 54.450 lao động và 6.347 doanh nghiệp dân doanh, với hơn 99.000 lao động. Hầu hết doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, số doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động, chiếm 55,26%
Đến nay, tại Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi có 203 doanh nghiệp đi vào hoạt động; giải quyết việc làm cho khoảng 65.649 lao động, giảm khoảng 4,28% (65.649/68.587) so với cùng kỳ năm trước. Đa số các doanh nghiệp ít nhiều đều bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng số lượng lao động vẫn duy trì; một số doanh nghiệp thực hiện giải pháp cho người lao động nghỉ không lương, ngừng việc.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn có một số doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực công nghiệp phải cắt giảm lao động, việc làm. Cụ thể như: sản xuất sắt, thép giảm 2.297 lao động; ngành dệt may, da giày giảm 1.278 lao động; ngành sản xuất dây cáp điện ô tô giảm 154 lao động...
Thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực lao động, việc làm, Sở Lao động – TBXH Quảng Ngãi đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm, đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong 4 tháng đầu năm 2023, Sở Lao động – TBXH Quảng Ngãi đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi cùng với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Ngãi tổ chức 10 phiên giao dịch việc làm (GDVL); số đơn vị, doanh nghiệp đăng ký tham gia tuyển dụng 300 lượt doanh nghiệp đăng ký tuyển lao động; số lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm trực tiếp tại các phiên GDVL, thông qua các trang điện tử clà 5.433 người; số lao động được kết nối việc làm thành công “số lao động được tiếp nhận hồ sơ phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp” có 726 người; tư vấn, định hướng việc làm, học nghề cho 1.160 học sinh lớp 12 tham gia tại các phiên GDVL…
Dự báo, những tháng cuối năm 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xuất nhập khẩu... trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực khi tình hình thế giới được cải thiện, thuận lợi hơn. Đồng thời, nhiều chính sách, giải pháp điều hành được sửa đổi, bổ sung và ban hành từ đầu năm đến nay đã và đang phát huy tác động tích cực, nhất là các giải pháp về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, đầu tư, xuất nhập khẩu...
Theo điều tra, khảo sát, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn đăng ký với số lượng dự kiến tuyển dụng năm 2023 hơn 10.200 vị trí việc làm. Cụ thể gồm: khoảng 2.000 vị trí việc làm thuộc lĩnh vực: quản lý, chuyển trưởng, thiết kế, công nghệ thông tin, kỹ sư, xây dựng, hóa học, cơ khí, điện, bảo trì, tổ trưởng, nhân viên; văn phòng, kinh doanh, phiên dịch tiếng Trung/Hàn, nhân sự, kế toán, thu mua, hải quan, IT, marketing, sale... và 9.239 công nhân lao động phổ thông. Lao động tập trung chủ yếu đối với lĩnh vực ngành nghề như: chế biến thực phẩm, dệt may, da giày, điện tử, sản xuất máy móc thiết bị công nghiệp, hóa chất, cầu trục, xe nâng, máy đào, máy xúc lật, xe đầu kéo...
Để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, Sở Lao động – TBXH Quảng Ngãi đã phối hợp để triển khai nhiều giải pháp linh hoạt như: tổ chức thực hiện hoạt động kết nối cung - cầu lao động qua các phiên GDVL định kỳ, lưu động; phiên GDVL chuyên đề, phiên GDVL online; Ngày hội tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng... Qua đó, đáp ứng một phần nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp và nhu cầu việc làm của người lao động.
Từ nay tới cuối năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh thương mại điện tử, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát huy các FTA đã ký kết; tranh thủ cơ hội xuất khẩu của từng thị trường, mặt hàng; triển khai hiệu quả các chính sách kích cầu tiêu dùng, phát triển thương mại trong nước. Nghiên cứu, tham mưu các giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động xã hội; cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, thu hút FDI trong bối cảnh áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu. Tăng cường phối hợp giữa nhà quản lý, doanh nghiệp và địa phương, hố trợ kết nối cung – cầu lao động nhằm giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động…
Chí Tâm
TAG: