Quảng Bình: Hỗ trợ sinh kế ổn định đời sống cho nạn nhân bom mìn
(LĐXH) - Nhằm giúp cho nạn nhân bom mìn có việc làm, thu nhập ổn định, thời gian qua, thông qua các dự án hỗ trợ, tỉnh Quảng Bình đã nỗ lực thực hiện hỗ trợ sinh kế cho các gia đình có nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bom mìn, vật liệu nổ.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Cục Bảo trợ xã hội về triển khai hợp phần Hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đến các địa phương, đơn vị liên quan. Sở đã ban hành quyết định về việc phê duyệt danh sách nạn nhân bom mìn được hỗ trợ sinh kế từ nguồn kinh phí Dự án: “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” năm 2021. Kiểm tra, giám sát và làm việc trực tiếp tại các địa phương, cơ sở cũng như đến tận các hộ gia đình để nắm bắt tình hình và chỉ đạo sát sao, kịp thời các hoạt động của mô hình.
Hỗ trợ vật nuôi cho nạn nhân bom mìn trên địa bàn tỉnh
Trong năm 2021, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đã tổ chức các Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực trong sản xuất chăn nuôi cho 210 cá nhân/hộ gia đình nạn nhân bom mìn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, trong đó tập trung hướng dẫn một số kỹ thuật về chăn nuôi và chăm sóc bò, lợn, gà… Tại hội nghị, các nạn nhân bom mìn đã xây dựng kế hoạch chăm sóc con giống vật nuôi và ký cam kết về quá trình tham gia của bản thân với Dự án đảm bảo quy trình nội dung đề ra.
Trên cơ sở Quyết định phê duyệt Danh sách nạn nhân bom mìn được hỗ trợ sinh kế từ nguồn kinh phí dự án: “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” năm 2021 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Bảo trợ xã hội đã tiến hành bàn giao con giống, thức ăn và thuốc thú y cho các nạn nhân bom mìn bằng hình thức “tay 4’’ (bao gồm: Trung tâm Bảo trợ xã hội, đại diện UBND cấp xã, đại diện đơn vị cung cấp và đối tượng/đại diện hộ gia đình nạn nhân bom mìn) đến tận tay nạn nhân bom mìn đảm bảo đúng chất lượng, trình tự quy định của Dự án. Công tác kiểm tra, giám sát, điều phối được các cấp các ngành quan tâm, tập trung rà soát đối tượng, tập huấn, xây dựng chuồng trại, khử khuẩn, vệ sinh môi trường, bàn giao con giống, hỗ trợ kỹ thuật… Qua quá trình kiểm tra, giám sát tại các địa phương, cơ sở và hộ gia đình, nhận thấy: Các hộ gia đình đa số chuẩn bị chuồng trại, nơi chăn thả, vệ sinh khử khuẩn chuồng trại đảm bảo tiêu chuẩn; 100% nạn nhân bom mìn được nhận đầy đủ con giống, thức ăn và thuốc thú y của Dự án; con giống khỏe mạnh, thức ăn và thuốc thú y đảm bảo chất lượng; số lượng giống vật nuôi được hỗ trợ đều được tiêm phòng đầy đủ, có sự hỗ trợ kịp thời của cán bộ kỹ thuật nên hầu như các giống vật nuôi đều phát triển khá tốt và bắt đầu làm quen được với môi trường mới.
Đồng thòi cán bộ kỹ thuật đã lồng ghép việc giám sát và hỗ trợ kỹ thuật, can thiệp hướng dẫn cho hộ gia đình tham gia mô hình sinh kế các kỹ năng về chăn nuôi, phòng bệnh, trị bệnh gia súc, gia cầm; giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng các vật nuôi tận hộ gia đình từ đó giúp người dân khắc phục những vấn đề phát sinh có hiệu quả. Theo đó, tổng số người khuyết tật là nạn nhân bom mìn được hỗ trợ sinh kế từ Dự án: “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” năm 2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình là 210 hộ (168 nạn nhân nam giới, chiếm tỷ lệ 80%; 42 nạn nhân là phụ nữ, chiếm tỷ lệ 20%). Trong đó có 140 hộ được hỗ trợ bò giống; 35 hộ được hỗ trợ lợn giống và 35 hộ được hỗ trợ gà giống.
Theo đánh giá của Sở Lao động – TBXH tỉnh, trong thời gian triển khai, Tiểu ban quản lý Dự án và Trung tâm Bảo trợ xã hội luôn nhận được sự quan tâm, định hướng hỗ trợ và tạo điều kiện của Lãnh đạo của UBND tỉnh và các sở, ban ngành liên quan, sự phối hợp chặt chẽ của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND các xã, phường có nạn nhân bom mìn. Đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật và giảng viên có trình độ kiến thức tốt và đồng đều; nhiệt tình, chu đáo trong quá trình truyền tải kiến thức cho các học viên, cách trình bày và giới thiệu dễ hiểu, sát với thực tế tình hình địa phương và từng loại hình chăn nuôi; có các mô hình, hình ảnh sinh động giúp học viên tham gia tích cực; các học viên được tương tác, trao đổi thẳng thắn tại hội nghị tập huấn.
Thêm vào đó, được sự hỗ trợ của Dự án, các nạn nhân bom mìn rất phấn khởi, tích cực tham gia nhiệt tình các hoạt động về tập huấn nâng cao kiến thức, chuẩn bị chuồng trại, môi trường chăn nuôi, chăm sóc vật nuôi chu đáo, hiệu quả từ đó nâng cao đời sống vật chất của gia đình. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, bên cạnh đó việc thực hiện đấu thầu các mặt hàng (con giống, thức ăn, thuốc thú y) theo hình thức đấu thầu rộng rãi nên tiến độ của Dự án chậm hơn so với kế hoạch đề ra. Một số địa phương, cơ sở và nạn nhân bom mìn nhận thức chưa đầy đủ về các nội dung hoạt động của Dự án nên trong quá trình phối hợp chưa kịp thời, thiếu chặt chẽ. Các nạn nhân bom mìn tham gia mô hình đa số là người khuyết tật hệ vận động nên rất khó khăn trong việc đi lại; khiếm khuyết của bản thân ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu kiến thức của các học viên, một số người tiếp thu kiến thức còn chậm và nắm bắt kiến thức chưa được nhiều để áp dụng vào thực tiễn chăn nuôi, việc ghi chép, cập nhật thông tin gặp nhiều khó khan...
Để triển khai Dự án hiệu quả, Sở Lao động – TBXH tỉnh cũng đề nghị UBND các xã, phường, thị trấn tiếp tục chỉ đạo, nhắc nhỡ nạn nhân bom mìn chăm sóc, nuôi dưỡng con giống, vật nuôi đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả đảm bảo theo cam kết với Dự án. Bên cạnh đó, tiếp tục phối với các tổ chức, cá nhân liên quan và cán bộ kỹ thuật để thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ nạn nhân bom mìn trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng con giống, vật nuôi, đặc biệt là khi có các phát sinh hoặc dấu hiệu vật nuôi bất thường, ốm đau. Đối với nạn nhân bom mìn cần quan tâm công tác chăm sóc, nuôi dưỡng con giống vật nuôi, che chắn chuồng trại, tăng cường bổ sung các thức ăn... để bảo vệ vật nuôi vào các đợt rét đậm, rét hại, mưa gió nhằm giúp vật nuôi tăng trưởng góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hộ gia đình. Tổ chức KOICA thời gian tới, tiếp tục quan tâm hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân bom mìn chưa được hỗ trợ đợt này./.
Hồng Phượng
TAG: