An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Phục hồi rừng - giải pháp ngăn chặn những thảm họa trong tương lai
02:15 PM 15/01/2024
(LĐXH) - Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã triển khai trồng 3.253 cây, phủ xanh 9,55ha tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền (Thừa Thiên Huế). Hoạt động trồng rừng được triển khai với mục đích phục hồi đất trống hoặc rừng nghèo kiệt, tạo lá chắn xanh giảm thiệt hại mưa lũ miền Trung, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, mở rộng sinh cảnh sống cho các loài động vật hoang dã quý hiếm.

Trong mấy tháng cuối năm 2023, những trận mưa dầm kéo dài đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho miền Trung với nhiều thiệt hại cả về người và của, làm hàng trăm hecta đất canh tác nông lâm nghiệp bị ảnh hưởng cùng với nhiều tuyến đường bị sạt lở gây ách tắc giao thông. Địa phương chịu bị ảnh hưởng nhiều nhất là Thừa Thiên Huế, nơi đã hứng chịu đợt lũ lớn chưa từng có trong 10 năm trở lại đây. Sự kéo dài bất thường của những đợt mưa năm nay thay vì những cơn bão như mọi năm chính là do tác động cộng gộp của biến đổi khí hậu và hiệu ứng El Nino. Theo dự báo, trong thời gian tới, thời tiết sẽ biến đổi ngày một cực đoan với nhiều thiên tai dị thường và khốc liệt hơn. Trong khi đó, những khu rừng - lá chắn phòng hộ của miền Trung đang ngày một mỏng đi và càng nhiều lỗ thủng.

Tỉ lệ che phủ rừng của miền Trung đạt 54.22% nhưng phần lớn là rừng sản xuất, rừng nghèo. Những khu rừng chưa kịp phục hồi sau chiến tranh thì đã liên tục bị khai thác, lấn chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đơn cử như một phần nguyên nhân gây ra thảm họa Rào Trăng năm 2022 chôn vùi 17 công nhân và 13 chiến sĩ là do quá trình biến đổi khí hậu khiến mưa bão trở nên khốc liệt hơn kết hợp với việc rừng trước đây bị khai thác quá mức mất đi khả năng giữ đất, giữ nước. Điều đó cho thấy các thiệt hại do sạt lở, lũ cuốn, lũ quét một phần là do lỗi của con người chứ không hoàn toàn là chuyện thiên tai.

Theo bà Huyền Đỗ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia cho biết nước mưa khi rơi xuống vùng có rừng bị giữ lại nhiều hơn trong tán cây và trong đất, làm cho lũ xuất hiện chậm hơn, giảm mức độ đột ngột và ác liệt của từng trận lũ. Đồng thời, thực tế cho thấy, nếu nước mưa trực tiếp xối vào mặt đất thì mỗi năm một hecta đất trồng hoa bị xói mòn 20 tấn, đất trồng cỏ bị xói mòn 1 tấn, trong khi đó đất trồng rừng chỉ bị xói mòn 0,1 tấn. Vì thế, ở những vùng có nhiều rừng che phủ sẽ giảm bớt được thiên tai lũ lụt và sạt lở. Rừng càng nằm gần đầu nguồn sông, tác dụng điều hòa dòng chảy càng lớn hơn.

Do đó, trước tình hình mưa lũ gây nhiều thiệt hại cho miền Trung, đặc biệt là ở khu vực “rốn mưa” Thừa Thiên Huế, việc trồng rừng Phong Điền càng trở nên khẩn thiết. Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã khởi động chương trình Góp 1 cây là góp rừng Phong Điền, kêu gọi cộng đồng cùng chung tay góp cây phục hồi rừng.

 

Cán bộ Gaia trồng cây khôi phục rừng đầu nguồn tại cùng cán bộ Khu Bảo tồn Thiên Phong Điền và người dân địa phương

Trên thực tế, rừng Phong Điền là khu rừng đầu nguồn quan trọng, nơi điều hòa nguồn nước cho các con sông lớn trong vùng như sông Mỹ Chánh, sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Rào Trăng, giúp đảm bảo nguồn nước cho hàng chục triệu người dân ở hạ lưu. Các khu rừng Phong Điền trên núi cao giúp bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở. Tuy nhiên, rừng Phong Điền hiện có 21% diện tích rừng bị suy thoái nghiêm trọng và có tới 4 công trình thủy điện nằm trong vùng lõi và khu phục hồi sinh thái của Khu Bảo tồn. Phong Điền cũng chính là nơi xảy ra thảm họa sạt lở Rào Trăng 3 năm 2020. Do đó, nhu cầu trồng phục hồi rừng nơi đây là thật sự cấp thiết để góp phần ngăn chặn những thảm họa sạt lở, lũ quét trong tương lai.

Hưởng ứng lời kêu gọi phục hồi rừng, chỉ trong tháng 11/2023, 3.253 cây rừng đã được góp về cho rừng Phong Điền với sự đồng hành của FPT Japan Holdings, Tổ chức Bầu trời Bên trong, cùng với hàng trăm cá nhân trên khắp cả nước. Trong tháng 12, ngay sau khi các đợt mưa vừa dứt, các cán bộ Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã trực tiếp đến hiện trường để triển khai hoạt động trồng rừng.

Lắp đặt bảng tên trồng rừng

Khu vực được trồng phục hồi năm nay là 9,55ha gồm đất trồng và rừng nghèo kiệt tại đường cao tốc La Sơn - Cam Lộ và khu vực thượng nguồn của thủy điện Rào Trăng 3,4. Các loài cây được trồng ở rừng Phong Điền là những loài cây gỗ lớn bản địa, trong đó có nhiều giống cây quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam bao gồm Lim xanh, Gõ, Sao đen. Các loài cây mọc nhanh cũng sẽ được trồng bổ sung vào khu rừng. Rừng Phong Điền sẽ được Gaia chăm sóc và giám sát trong vòng 4 năm. Các thông số về chiều cao, lượng O2 tạo ra, lượng CO2 hấp thụ,... đều được đo đạc, và tính toán gửi đến cộng đồng và công bố trên các nền tảng truyền thông hằng năm.

Đăng Doanh

 

TAG:
Tin khác
Hoa quả Phương Toản tặng bánh chưng cho khách hàng dịp Tết Nguyên đán 2025
Ninh Thuận: Đa dạng các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo
Chiếc Jaecoo J7 PHEV Nguyễn Xuân Son được tặng có gì đặc biệt?
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025