An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Phục hồi đến cùng khả năng cho người khuyết tật – Triết lý cần có trong các cơ sở xã hội
10:15 AM 27/10/2018
Câu hát “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không ? Để gió cuốn đi , để gió cuốn đi..." trong nhạc phẩm “Để gió cuốn đi” của cố nhạc sĩ nổi tiếng Trịnh Cộng Sơn chất chứa đậm chất triết lý về tình yêu và kiếp người. Và điều này tôi mới thực sự thấu hiểu về ý nghĩa của nó cho tới khi được đến thăm trực tiếp một số trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần, trẻ mồ côi, và người khuyết tật...
Cần lắm những hi sinh và tấm lòng
Tại Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An (Hà Nội), những đôi mắt đen sáng, trong veo như mây trời mùa thu đang ùa về trên từng vòm cây, từng căn phòng của những đứa trẻ khuyết tật sinh sống nơi đây cứ đọng mãi trong tôi. Mỗi em là những mảnh đời không may mắn, đáng thương và xót xa khác nhau. Nhưng các em đâu có thấu điều ấy, chúng vẫn hồn nhiên, vô tư như tuổi thơ vốn có của mỗi con người. Bởi lẽ, các em đang được sống ở  một nơi đúng nghĩa là “ngôi nhà” tràn ngập tình thương bao bọc, chở che cho các em.
Bé Nguyễn Văn Đạt bị bệnh bại não đang được cô giáo ở Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An
hướng dẫn nhận biết màu sắc và vẽ hinh
Tôi gặp Nguyễn Văn Đạt tại  Lớp dạy kỹ năng sinh hoạt. Khuôn mặt ngơ ngác và vóc dáng bé nhỏ của em khiến tôi ngỡ rằng em mới lên 3. Yêu quá! Tôi vội dang tay bế em vào lòng. Thế nhưng, điều dưỡng viên đang hướng dẫn Đạt những kỹ năng sinh hoạt và vận động tinh nói rằng em năm nay đã 7 tuổi, bị bại não, chậm phát triển về trí tuệ và vận động. Khi mới 4 tuổi mẹ Đạt đã bỏ em đi, bố lấy vợ hai, em phải rời xa vòng tay cha mẹ khi được bố đưa vào Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An trong tình trạng không đi được và không biết gì. Và rồi trong vòng 3 năm qua, Đạt đã được sống trong tình yêu thương vô bờ bến, trong sự phục vụ ân cần và trách nhiệm của bác sỹ, điều dưỡng viên nên em đã có tiến bộ rõ rệt, có thể tự sinh hoạt cá nhân, đi lại được, cầm bút tô màu và nhận biết những hình đơn giản.
Ghé tiếp sang lớp học nghề làm vàng hương, tôi tiếp tục được biết thêm về một cuộc đời trẻ thơ không may mắn. Cô giáo Trịnh Thị Hiền kể với tôi về trường hợp em Tú, nhà ở Vĩnh Phúc, sinh năm 2002. Mẹ em bỏ bố con em khi em còn nhỏ, em là đưa bé chậm phát triển trí tuệ, người cha thân sinh của em cũng mắc bệnh tâm thần, trí tuệ còn không được như em. Bà nội hơn 80 tuổi hằng ngày vẫn phải phục vụ 2 cha con. Cho đến một ngày, gánh nặng đè lên vai khiến nội em quá sức và các bác ruột bên nội đã đưa em đến sống tại trung tâm từ năm 2015. Được sống trong môi trường có bạn, có bè và tình yêu thương của các cô giáo trung tâm, Tú đã dần hiểu biết hơn, biết làm đủ mọi thứ, chăm ngoan, sạch sẽ, gọn gàng hơn rất nhiều.
Trẻ khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được phụ hồi chức năng, chăm sóc, dạy dỗ
chu đáo tại Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An
Chia sẻ với chúng tôi, chị Trịnh Thị Hiền - giáo viên Lớp dạy nghề làm hương của Trung tâm cho biết, còn rất nhiều trẻ em và người khuyết tật có hoàn cảnh đáng thương ở đây. Riêng các cháu mắc bệnh tự kỷ, bại não, chậm phát triển trí tuệ hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng và phục vụ là 80 cháu. Với kinh nghiệm làm việc 15 năm tại Trung tâm và từng có 6 năm làm hộ lý chăm sóc các cháu khuyết tât và mắc các bệnh đặc biệt chị cho rằng đây là nghề đặc biệt khó khăn, vất vả và gặp nhiều trở ngại. Nhiều trẻ bại não, tâm thần khi lớn lên, rồi đến lúc 60 tuổi vẫn sống một cuộc sống phụ thuộc hết sức đáng thương. Có những chị, những bà phải ngồi xe lăn, khi tắm giặt có người bế và phục vụ, đêm đến thì la hét, đập phá. Nhân viên làm công tác chăm sóc phải xác định được mình là người thân, người cha, người mẹ, người bạn thì mới có thể nâng niu, bế ẵm, phục vụ mà không một lời ca thán. Cũng có những bạn trẻ vào đây làm được một thời gian nhưng không chịu được khó khăn và áp lực công việc nên đã phải xin nghỉ việc. Nếu đội ngũ cán bộ y, bác sỹ, hộ lý không có bàn tay nhân ái và những tấm lòng nhiệt huyết thì những mảnh đời bất hạnh đó khó có thể hồi sinh trong cuộc sống.
Kết hợp biện pháp y học với nghiệp vụ nghề công tác xã hội để phát huy đến cùng khả năng trong người khuyết tật, giúp họ hoà nhập cuộc sống
Đó chỉ là những con số nhỏ ở Trung tâm Thụy An, còn tính chung trong cả nước, số người cần sự trợ giúp xã hội chiếm khoảng hơn 20% dân số cả nước. Trong đó, có 9,4 triệu người cao tuổi, 7,2 triệu người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khoảng 12% hộ nghèo, 6% hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020), hơn 2,6 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, hơn 1,8 triệu hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm,  khoảng 30.000 nạn nhân bị bạo lực, bạo hành trong gia đình; ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố, gầm cầu...
Hiện nay, các cơ sở xã hội đã cung cấp các dịch vụ tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng, dạy văn hoá, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp, chăm sóc, nuôi dưỡng cho hằng triệu lượt đối tượng
Riêng đối với Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An,  người khuyết tật nói chung, trẻ em khuyết tật nói riêng khi đến với mô hình phục hồi chức năng (PHCN) hiện đại, khép kín của Trung tâm sẽ được phát triển về thể chất và tinh thần; được can thiệp phẫu thuật chỉnh hình, tham gia các hoạt động luyện tập vật lý trị liệu và PHCN về y học, các hoạt động can thiệp sớm, giáo dục đặc biệt, giáo dục hòa nhập, hướng nghiệp dạy nghề, tham vấn, tư vấn, giới thiệu việc làm… giúp họ khắc phục những khiếm khuyết của tật bệnh, rèn luyện thể lực, ý trí, trang bị kiến thức, kỹ năng, nghề nghiệp…
Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An Trần Văn Lý áp dụng các biện pháp y học,
kỹ thuật phục hồi, giáo dục học, công tác xã hội là biện pháp rất quan trọng trong PHCN cho người khuyết tật
Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An Trần Văn Lý tâm huyết chia sẻ: Người bác sĩ, y sĩ, hộ lý, người làm công tác xã hội phải tin tưởng tuyệt đối vào khả năng phục hồi của người bệnh và trẻ bị bệnh. Phục hồi chức năng  là một chuyên ngành áp dụng các biện pháp y học, kỹ thuật phục hồi, giáo dục học, công tác xã hội... Chúng tôi đề ra một phương châm xuyên suốt đối với đội ngũ bác sỹ, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên, hộ lý là bằng mọi biện pháp phải làm cho người khuyết tật có thể thực hiện được tối đa, phát huy, khắc phục và khơi dậy đến cùng những chức năng đã bị giảm hoặc mất do khiếm khuyết và giảm chức năng gây nên, đảm bảo cho người khuyết tật có thể độc lập tối đa, hoà nhập hoặc tái hoà nhập xã hội, có cơ hội bình đẳng và tham gia vào các hoạt động xã hội.
Đặc biệt, một biện pháp rất hiệu quả và quan trọng trong điều trị và phục hồi chức năng của Trung tâm không thể không nhắc tới là phân công cán bộ nhân viên làm công tác xã hội cá nhân cho trẻ em khuyết tật. Trung bình mỗi cán bộ tham gia bảo trợ từ 2 đến 3 em, có nhiệm vụ tiếp xúc tìm hiểu tâm tư tình cảm, diễn biến tâm sinh lý, nhu cầu, khả năng, tố chất của từng em… từ đó có kế hoạch trợ giúp cụ thể và hiệu quả. Đồng thời kết nối thường xuyên với gia đình, người thân phối hợp, trợ giúp hiệu quả trong PHCH;  thực hiện hướng nghiệp và tổ chức các lớp nghề như ở Trung tâm: thêu, may, làm tranh đá quý, công nghệ thông tin, làm hương thơm, làm vườn, làm hoa lụa và hoa giấy, làm đồ handmade, nghề đan và dạy nấu ăn cho người khuyết tật.
Cô giáo dạy nghề làm hương Trịnh Thị Hiền cho trẻ em khuyết tật ở Trung tâm Thụy An
Tại lớp làm hương của cô Trịnh Thị Hiền, có 8 em từ 11-20 tuổi, trong đó có 2 em bị khuyết tật vận động và 6 em chậm phát triển trí tuệ. Hầu hết các em này đã từng được Trung tâm cho học thử  ở các lớp nghề khác song không theo được nên mới chuyển về đây. Chị Hiền cho biết, để phục hồi trí não và khả năng cầm nắm, vận động, chị luôn kiên trì động viên các em tích cực học nghề cho dù chúng chỉ thực hiện được những công việc đơn giản như buộc chun, đóng gói, cho hương vào ống, lúc nhớ, lúc quên, lúc làm đúng khi lại làm sai. Tuy nhiên, có những em trí tuệ bình thường, chỉ khuyết tật vận động, phải ngồi xe lăn đã làm rất giỏi tất cả các khâu. Khi cô giáo bận đi tìm thị trường đầu ra để tiêu thụ sản phẩm hay bận đi mua nguyên vật liệu, các em có thể tự tổ chức pha chế công thức làm hương, hoặc quản lý các bạn phơi hoặc trồng cây ngải cứu, tùng, quế, bài, hoa ngâu... để làm nguyên liệu sản xuất ra những thẻ hương có mùi thơm tự nhiện, không hóa chất, ảnh hưởng đến sức khỏe. Còn em Hà Mạnh Hưng, người Phú Thọ khi mới 6 tuổi đã phải để tang mẹ do căn bệnh ung thứ quái ác gây nên và 16 tuổi trở thành trẻ mồ côi khi bố mất. Được đưa về trung tâm, em được dạy dỗ và học nghề làm hương. Khi thạo công thức, biết nghề, họ hàng đón em về nhà, mua cho máy móc và tự mở xưởng làm hương bán, nuôi sống được bản thân.
Hay như trường hợp em Nguyễn Đức Hạnh có hoàn cảnh đặc biệt bị mồ côi bố, mẹ xuất giá theo chồng hai vào tận Đắk Lắk đã được Trung tâm đón về nuôi, cho ăn học. Không phụ lòng của những người thầy, những người mẹ ở Trung tâm, Hạnh đã học hành chăm chỉ, thi đỗ đại học và được Trung tâm nuôi cho đến khi tốt nghiệp khoa Giáo dục đặc biệt - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau khi ra trường, em có nguyện vọng được trở về Trung tâm và đã được tiếp nhận vào làm việc.
Sau 40 năm hoạt động, Trung tâm Thụy An đã tổ chức khám và điều trị nội viện cho gần 20.000 trường hợp; PHCN cho 2275 người KT; phẫu thuật chỉnh hình cho 456 người khuyết tật với 522 lần phẫu thuật; 738 người được trang cấp dụng cụ chỉnh hình. Nhiều trường hợp khi ở nhà không đi lại được, phụ thuộc hoàn toàn vào trợ giúp của gia đình và nguời thân, sau khi vào Trung tâm PHCN, đa phần người khuyết tật có tiến bộ rõ rệt, có thể tự chăm sóc bản thân, di chuyển được bằng dụng cụ trợ giúp, hoặc đi lại được, đem lại nhiều niềm vui cho bản thân và gia đình.  Tỷ lệ lên lớp đạt từ 95 đến 100%, có 45% đến 50% học sinh giỏi và học sinh tiên tiến. Trong đó có 24 cháu đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện, nhiều cháu thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Đặc biệt có 05 trường hợp đi lao động hợp tác nước ngoài, đặc biệt có nhiều người khuyết tật phát huy tốt khả năng bản thân trở thành chủ các cơ sở doanh nghiệp hoặc đạt giải cao trong các cuộc thi dành cho người khuyết tật…
Đúng vậy, sống trong đời sống nếu không có những tấm lòng cho đi và sẻ chia yêu thương thì những người không may mắn trong cuộc đời như những người khuyết tật, trẻ tự cử, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt,... sẽ không bao giờ có được cơ hội lấy lại sự tự tin, phục hồi chức năng và hòa nhập cộng đồng. Đúng như triết lý trong lời bài hát:
“Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người.
Còn cuộc đời ta cứ vui.
Dù vắng bóng ai, dù vắng bóng ai...
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi,...”
Gió cuốn đi, mang theo những tình yêu thương để đắp xây nên những mảng màu tươi hồng của cuộc sống... 

Trần Thị Mỹ Hạnh
TAG:
Tin khác
Vũng Liêm tích cực giải bài toán giảm nghèo bền vững
Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân Mỏ Cày Bắc giảm nghèo bền vững
Chương trình của Vinamilk hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên vùng bão lũ qua Trung ương đoàn
Đề nghị trẻ em không có giấy tờ tùy thân cũng được cấp thẻ BHYT
TPHCM: Long trọng tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2024”
BHXH TPHCM chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 10, qua tài khoản từ ngày 1/10
Ủy ban quốc gia về trẻ em làm việc với tỉnh Sơn La về thực hiện công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em
Huyện Can Lộc huy động hệ thống chính trị thực hiện công tác giảm nghèo bền vững
Chăm lo chu đáo cho người có công trên mảnh đất Hà Tĩnh