Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Phú Yên: phấn đấu hoàn thành mục tiêu đào tạo nghề cho 8.000 lao động trong năm 2018
03:37 PM 02/10/2018
(LĐXH) - Tỉnh Phú Yên đề ra mục tiêu trong năm 2018 đào tạo nghề cho 8.000 lao động, trong đó đào tạo ngắn hạn 5.000 người, chủ yếu là lao động nông thôn. Đây là một trong những chỉ tiêu trong Đề án đào tạo nghề lao động nông thôn được địa phương đề ra đến năm 2020; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% và lao động có việc làm sau khi học nghề đạt tối thiểu 80%.

Theo Kế hoạch 77/KH-UBND về đào tạo nghề tỉnh Phú Yên năm 2018, việc đào tạo nghề các hệ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng (cho lao động nông thôn và cho lao động xã hội) góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp sản xuất - kinh doanh và gắn với nhu cầu giải quyết việc làm của người lao động ở nông thôn theo hướng gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới hàng năm.

Qua các đợt tập huấn, năng suất làm việc của người lao động được cải thiện hơn (Ảnh: baophuyen.com.vn)

UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố đào tạo nghề với chỉ tiêu 8.000 người. Trong đó, đào tạo dài hạn 3.000 người; đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn 2.400  người; đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động xã hội 2.600 người. Đối tượng đào tạo là học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh; lao động nông thôn từ đủ 15 tuổi đến dưới 60 tuổi (đối với nam), dưới 55 tuổi (đối với nữ), có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Trong các đối tượng trên, ưu tiên đào tạo nghề cho người lao động thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người thuộc hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi, ngư dân.

Để người lao động sau khi học nghề có việc làm, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp các cơ quan, địa phương chủ động lồng ghép và huy động các nguồn lực, tăng cường đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; chú trọng các ngành là thế mạnh của địa phương, gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho người lao động trong các khu công nghiệp tập trung; các cụm điểm công nghiệp, các làng nghề và dạy nghề tham gia xuất khẩu lao động. Tùy theo đối tượng, trình độ đào tạo và thời gian đào tạo, tỉnh Phú Yên thực hiện chính sách hỗ trợ đối với lao động được đào tạo từ 2 triệu đồng đến 6 triệu đồng/khóa học và hỗ trợ tiền ăn, chi phí đi lại. Riêng ngư dân học các nghề như vận hành tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400 mã lực trở lên được hỗ trợ toàn bộ chi phí.

Tập huấn công tác đào tạo nghề cho cán bộ quản lý dạy nghề

UBND tỉnh Phú Yên cũng đã ban hành danh mục những nghề đào tạo ngắn hạn ở nông thôn. Ngoài đầu tư kinh phí từ ngân sách địa phương, năm nay tỉnh Phú Yên phân bổ gần 4,8 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới để triển khai các giải pháp hỗ trợ việc làm, phát triển thị trường lao động và ủy thác qua mạng lưới ngân hàng chính sách xã hội để cho vay. Lao động nông thôn học nghề được vay vốn tín dụng ưu đãi để học, ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất đối với khoản vay học nghề và sau khi hoàn thành khóa học được vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm để tự tạo việc làm.

Trong quá trình tổ chức thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, địa phương luôn xác định việc nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ là hết sức cần thiết, do đó, ngày 04/5/2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có kế hoạch số 32/KH-SLĐTBXH-DN về việc tổ chức tập huấn công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo đó, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội và UBND các huyện, thị xã, thành phố mở 4 lớp có trên 608 học viên cán bộ quản lý dạy nghề các huyện, thị xã, thành phố và Trưởng khu phố, thôn, buôn ở các cấp xã, phường tham dự. Nội dung truyền đạt gồm: Những nội dung cơ bản về Luật Giáo dục nghề nghiệp, quan điểm, mục tiêu, giải pháp, đối tượng, chính sách hổ trợ học nghề và vai trò trách nhiệm của các cấp chính quyền cơ sở trong công tác tham gia thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Thống kê đến đầu tháng 9/2018, toàn tỉnh đã có hơn 5.600 lao động được đào tạo nghề, đạt 70,08% kế hoạch cả năm, riêng dạy nghề cho lao động nông thôn   là 1.582 người, chủ yếu tập trung nhóm nghề phi nông nghiệp./.

Trần Huyền

TAG:
Tin khác
1.337 cơ hội việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan
Hội chợ việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan thành phố Hà Nội năm 2024
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa lao động Việt Nam sang Canada làm việc theo kế hoạch bài bản
Thời gian nộp hồ sơ, chuyển tiền đóng BHXH, BHYT, cấp giá trị sử dụng thẻ BHYT năm 2025
Hơn 2.700 vị trí việc làm tại Ngày hội việc làm lần 2-2024 tại TP.Thủ Đức
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng