Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Phú Thọ quy định chế độ chính sách mới về cai nghiện tự nguyện
10:34 AM 12/07/2019
(LĐXH)- Tại Kỳ họp thứ Tám, HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 (diễn ra từ ngày 10 – 11/7) đã thông qua Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ và mức đóng góp đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại các Cơ sở Điều trị nghiện ma túy công lập trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Theo Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND quy định người tự nguyện chữa trị, cai nghiện ma túy từ 6 tháng trở lên tại các cơ sở điều trị nghiện ma túy công lập của tỉnh, có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Phú Thọ được hỗ trợ:  Tiền ăn 0,56 mức lương cơ sở/người/tháng; Tiền quần áo, chăn, màn, gối, đồ dùng sinh hoạt cá nhân 0,63 mức lương cơ sở/người/đợt; Hỗ trợ tiền xét nghiệm ma túy, thuốc cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần 650.000 đồng/người/đợt; Người cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở điều trị nghiện ma túy công lập được bố trí chỗ ở.

Học viên cai nghiện tự nguyện rèn luyện thể chất tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Phú Thọ

Ngoài kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, người cai nghiện ma túy tự nguyện sẽ phải đóng góp tiền ăn 0,24 mức lương cơ sở/người/tháng; Tiền quần áo, chăn, màn, gối, đồ dùng sinh hoạt cá nhân 0,27 mức lương cơ sở/người/đợt; Tiền điện, nước sinh hoạt: 80.000 đồng/người/tháng; Tiền sinh hoạt văn nghệ, thể thao, vật lý trị liệu cơ bản 70.000 đồng/ tháng; 100% chi phí sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện, thực hiện các dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm y tế theo chỉ định của bác sỹ (bao gồm cả xét nghiệm HIV/AIDS); Điều trị nhiễm trùng cơ hội và thuốc chữa bệnh thông thường theo chi phí thực tế phát sinh và hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp trong trường hợp không được bảo hiểm y tế thanh toán.
Riêng đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện là đối tượng chính sách (thương binh; người bị nhiễm chất độc hóa học và suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa; trẻ em mồ côi; người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng) được miễn 100% các khoản đóng góp trên.
Được biết, trong những năm qua, công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma tuý tại tỉnh Phú Thọ đã được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự tham gia tích cực, nhiệt tình của đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở nên đã đạt được kết quả đáng kể.
Xuất phát từ quan điểm nghiện ma túy là bệnh mãn tính của não bộ, điều trị nghiện ma túy là một quá trình lâu dài bao gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành vi nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép, tỉnh Phú Thọ chỉ đạo cần thực hiện đổi mới, đa dạng hóa các hình thức cai nghiện bao gồm: điều trị nghiện bắt buộc, điều trị nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện và điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Tăng dần bệnh nhân điều trị nghiện tự nguyện, giảm dần bệnh nhân điều trị nghiện bắt buộc với lộ trình phù hợp.
Học viên cai nghiện tự nguyện tỉnh Phú Thọ tham gia giao lưu thể thao
Tỉnh Phú Thọ đã xây dựng và triển khai Đề án “Đổi mới công tác cai nghiện tại các cơ sở điều trị nghiện ma túy tập trung của tỉnh Phú Thọ”; chuyển đổi Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh thành Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Phú Thọ và Trung tâm Quản lý sau cai nghiện ma túy tỉnh thành Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tự nguyện tỉnh Phú Thọ. Theo đó, chuyển đổi và đổi mới công tác cai nghiện tại các cơ sở điều trị nghiện ma túy tập trung của tỉnh nhằm đa dạng hóa các loại hình điều trị nghiện, góp phần nâng tỷ lệ số người nghiện được điều trị so với số người nghiện có hồ sơ quản lý lên 90% vào năm 2020.
Phú Thọ đặt mục tiêu đến năm 2020, tổ chức tiếp nhận, quản lý, tư vấn, điều trị nghiện tại các cơ sở cai nghiện cho khoảng 400 người điều trị cai nghiện tự nguyện, 100 người điều trị nghiện tự nguyện; cấp phát thuốc điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại cơ sở cai nghiện cho khoảng 200 người; hàng năm, tổ chức dạy nghề, giới thiệu việc làm cho 100 - 150 người sau cai nghiện ma túy. Xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cấp ủy, chính quyền các cấp và trách nhiệm của toàn dân trong việc ngăn chặn sự lây lan của tệ nạn ma túy, giảm tỷ lệ tái nghiện ngoài cộng đồng, kiềm chế sự gia tăng người nghiện mới.
Hiện nay người cai nghiện ma túy tự nguyện phần lớn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có khả năng tự đóng góp các khoản chi phí để điều trị. Do đó, Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Phú Thọ sẽ giải quyết khó khăn và thu hút người nghiện vào cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện. Đây là chính sách quan trọng giúp người nghiện ma túy có thêm cơ hội hoàn lương, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Sơn La: Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,1%
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật