Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Phú Thọ quan tâm tạo việc làm cho người khuyết tật
01:58 PM 13/04/2018
(LĐXH)- Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương ở Phú Thọ đã dành sự quan tâm trong việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người khuyết tật (NKT), qua đó đã giúp họ ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Hiển Ngọc, Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động (Sở Lao động – TBXH Phú Thọ), cho biết: Nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác dạy nghề cho NKT trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động – TBXH Phú Thọ đã khảo sát kỹ từng đối tượng NKT để tuyên truyền, vận động, tư vấn cho họ lựa chọn nghề phù hợp với dạng khuyết tật; đầu tư cơ sở vật chất, nâng mức hỗ trợ kinh phí khuyến khích NKT tham gia học nghề; liên kết với các công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tạo điều kiện bố trí việc làm cho NKT sau học nghề; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tạo việc làm cho NKT được vay vốn ưu đãi nhằm hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí cho NKT gắn với giải quyết việc làm.
Đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 200 NKT. Trong số đó có rất nhiều NKT đã vượt qua nỗi bất hạnh, được sống, được làm việc và cống hiến như những người bình thường. Họ thậm chí còn thực hiện được những ước mơ, hoài bão lớn lao. Bằng nghị lực sống mạnh mẽ và tinh thần hăng say lao động, không ít người khiếm thị ở tỉnh đã vươn lên, quyết tâm thay đổi cuộc sống. Điển hình phải kể đến anh Nguyễn Quốc Toàn, ở xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ. Hiện tại, anh làm giám đốc của Công ty TNHH Thương mại NQT, đây là Công ty chuyên về máy tính, thiết bị văn phòng đầu tiên tại thị xã Phú Thọ. Điều tạo nên danh tiếng cùng uy tín của công ty không chỉ do trình độ, trách nhiệm làm việc của tất cả mọi người mà còn bởi đây là công ty được gây dựng từ một người chỉ có thể “cử động duy nhất bàn tay trái”. Được thành lập từ năm 2006, Công ty đã tạo việc làm cho 5 người bị khuyết tật vận động, với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.
Đào tạo tin học văn phòng cho hội viên Hội người mù tỉnh
Ông Nguyễn Đức Tráng, Chủ tịch Hội Người mù Phú Thọ, trao đổi: Thời gian qua, Hội đã luôn tích cực hỗ trợ hội viên cũng như các đối tượng NKT trên địa bàn để họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống và hòa nhập cộng đồng thông qua hoạt động dạy nghề, hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm. Nhờ vậy, Hội luôn là niềm tin, chỗ dựa tin cậy và trở thành mái nhà thứ hai của các hội viên. Hội cũng phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động cộng đồng xã hội hiểu rõ hơn về những người khiếm thị và các hoạt động của Hội, giúp cho người khiếm thị dần có chỗ đứng trong cuộc sống. Bên cạnh đó, Hội còn đẩy mạnh công tác giáo dục, dạy chữ, dạy nghề, hướng dẫn lao động sản xuất cho người mù, nâng cao kiến thức để áp dụng vào lao động sản xuất”.
Để tạo việc làm cho hội viên, Hội Hội Người mù đã duy trì và phát triển các cơ sở dịch vụ xoa bóp tẩm quất, bấm huyệt cổ truyền. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 16 cơ sở dịch vụ xoa bóp tẩm quất do người mù thành lập, với tổng số kỹ thuật viên gồm 40 người, mức thu nhập đạt hơn 2 triệu đồng/người/tháng… Mặc dù mất đi đôi mắt, nhưng nhiều người bằng khả năng lao động của chính mình, quyết tâm vươn lên làm chủ cuộc sống, hàng ngày họ vẫn miệt mài bên những cái chổi chít, gói tăm tre và cơ sở xoa bóp, tẩm quất.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, vấn đề đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho NKT trong xã hội vẫn rất khó khăn. Mặc dù, NKT đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, nhận thức của cộng đồng về NKT đã nâng lên nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, làm cản trở quá trình hòa nhập của NKT. Rào cản lớn nhất hiện nay là xã hội vẫn còn quan điểm từ thiện, nhân đạo với NKT, chứ chưa theo cách tiếp cận tích cực là bảo đảm quyền cơ bản của họ. Việc đi lại, giao tiếp của NKT còn khó khăn, trình độ văn hóa còn thấp; nhiều NKT chưa được học nghề, chưa có việc làm dù chỉ là công việc giản đơn với thu nhập thấp; đa số NKT lại có gia cảnh nghèo khó, thậm chí rất nghèo. Việc tuyển sinh học nghề đối với NKT rất khó khăn, nhiều gia đình NKT không muốn cho con đi học, xã hội nhìn NKT với con mắt thiếu tin tưởng…
Chính vì vậy, những NKT ở Phú Thọ nói riêng rất cần sự bình đẳng về cơ hội để vươn lên học nghề và tìm kiếm việc làm, đồng thời, các cấp, các ngành trong tỉnh tieps tục quan tâm hỗ trợ thiết thực hơn nữa để NKT nỗ lực vươn lên khẳng định mình, cống hiến và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

P.V

TAG:
Tin khác
Nhìn lại công tác Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững ở An Giang
An Giang tăng cường kết nối thông tin, tạo việc làm cho người lao động
Huyện Yên Sơn (Tuyên Quang): Chủ động thu thập thông tin người lao động, góp phần giúp người nghèo tìm kiếm việc làm
Quảng Trị tập trung thực hiện Tiểu dự án về hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Chương trình giảm nghèo
An Giang: Nhiều giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động
Long An: Đẩy mạnh kết nối cung – cầu lao động giải quyết việc làm cho lao động địa phương
Hiệu quả từ Tiểu dự án 3 về giải quyết việc làm bền vững ở Sóc Trăng
Tuyên Quang: Thực hiện chặt chẽ  việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao động
Quảng Ninh thực hiện tốt việc thu thập, cập nhật  thông tin về người lao động và nhu cầu tuyển dụng