An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Phú Thọ không tổ chức Lễ phát động Tháng Hành động về ATVSLĐ
02:45 PM 05/05/2020
(LĐXH)-Để đảm bảo an toàn sức khỏe của nhân dân, người lao động, đồng thời thực hiện nghiêm Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Phú đã chỉ đạo không tổ chức Lễ phát động Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).
Theo đó, việc thay đổi hình thức hoạt động, thực hiện Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020 trên địa bàn tỉnh sẽ không tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ. Các hội nghị, hội thảo, hội thi về ATVSLĐ, các lớp huấn luyện về ATVSLĐ phải điều chỉnh quy mô phù hợp và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền Tháng hành động về ATVSLĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATVSLĐ.
Không tổ chức Lễ phát động Tháng Hành động ATVSLĐ nhưng vẫn phải đảm bảo quyền lợi của người lao động
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tổ chức các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ trên hệ thống phát thanh, thông tin nội bộ, các ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp; trong đó chú trọng, nâng cao nhận thức của người lao động về công tác ATVSLĐ, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc. 
Được biết, nhiều năm qua, công tác đảm bảo ATVSLĐ, giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đã được tỉnh Phú Thọ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo môi trường việc làm an toàn, chăm sóc sức khỏe cho người lao động tại nơi làm việc. Trong đó có việc thực hiện hiệu quả hệ thống quản lý ATVSLĐ, triển khai huấn luyện ATVSLĐ đến các cơ sở sản xuất kinh doanh, các làng nghề tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao về mất an toàn, dễ dẫn đến tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho người lao động, xử lý những tình huống trong quá trình sản xuất.
Đặc biệt, để nâng cao nhận thức, ý thức về công tác ATVSLĐ trên địa bàn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch số 94-KH/TU về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. UBND tỉnh ban hành Chương trình ATVSLĐ tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 – 2020; các văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, thành lập Hội đồng ATVSLĐ, ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động; xây dựng, ban hành Kế hoạch chỉ đạo, triển khai các hoạt động của Tháng Hành động về ATVSLĐ và hướng dẫn, triển khai thực hiện công tác ATVSLĐ...
Cụ thể, chỉ tính trong năm 2019, Sở Lao động - TBXH Phú Thọ đã phối hợp với các địa phương mở các lớp tuyên truyền thực hiện pháp luật về ATVSLĐ cho hơn 300 người lao động ở các làng nghề chế biến gỗ ở Cẩm Khê, Tam Nông, Hạ Hòa; làng nghề bún bánh ở Việt Trì. Tập huấn về ATVSLĐ cho trên 200 doanh nghiệp và gần 300 cán bộ làm công tác ATVSLĐ trong các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổ chức 1 buổi đối thoại về công tác ATVSLĐ với sự tham gia của hơn 40 doanh nghiệp và gần 200 chủ sử dụng lao động, người lao động.
Bà Nguyễn Hiển Ngọc, Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động (Sở Lao động – TBXH Phú Thọ), cho biết: Nhằm giảm thiểu tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai nhiều biện pháp để xây dựng môi trường làm việc và văn hoá ATVSLĐ trong doanh nghiệp. Việc giám sát phối hợp tuyên truyền, thanh, kiểm tra giữa các sở, ban, ngành, địa phương với doanh nghiệp diễn ra chặt chẽ. Mọi thông tin, chỉ đạo của tỉnh về an toàn lao động đều được các doanh nghiệp nắm bắt kịp thời để phổ biến tới người lao động. Qua kiểm tra và đánh giá, đa phần các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã xác định công tác đảm bảo ATVSLĐ đóng vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đó cũng là biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe người lao động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Phú Thọ tích cực thu thập thông tin về người lao động, góp phần hỗ trợ việc làm bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững