Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Phú Thọ giải quyết việc làm cho người lao động tại các khu cụm công nghiệp
09:49 AM 03/03/2023
(LĐXH)- Thời gian qua, cùng với việc triển khai đồng bộ và hiệu quả các giải pháp giải quyết việc làm, tỉnh Phú Thọ còn tập trung giải quyết việc làm cho người lao động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 Khu công nghiệp (KCN) được Chính phủ phê duyệt, trong đó có 4 KCN đi vào hoạt động. Đến nay, các KCN đã thu hút được 166 dự án vào đầu tư, bao gồm: 89 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư 18.471 tỷ đồng; 77 dự án FDI có tổng vốn đăng ký đầu tư 1.638 triệu USD; 2 dự án đầu tư hạ tầng KCN với vốn đăng ký là 4.207 tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy trên 58% diện tích đất công nghiệp; tạo việc làm cho trên 49.500 nghìn lao động, thu nhập bình quân của người lao động tại các KCN đạt khoảng 8 triệu đồng/người/tháng.
Tỉnh Phú Thọ cũng có 21 Cụm công nghiệp (CCN) được thành lập, mở rộng và triển khai thực hiện đã thu hút được 157 dự án đầu tư. Trong đó có 91 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký trên 10.000 tỷ đồng; 66 dự án có vốn FDI, vốn đăng ký trên 900 triệu USD. Đến nay, đã có 111 dự án đi vào hoạt động; tỷ lệ lấp đầy trên 56% diện tích đất công nghiệp; giải quyết việc làm cho trên 14.000 lao động, với thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/người/tháng.
Các KCN ở tỉnh Phú Thọ đã tạo việc làm cho trên 49.500 nghìn lao động
Ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, tình hình kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường, tỉnh Phú Thọ đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, các chương trình phục hồi, phát triển sản xuất công nghiệp; đẩy mạnh triển khai chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chủ lực, công nghiệp mũi nhọn, chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường. Đồng thời, chủ động bám sát, nắm bắt, đôn đốc tình hình, tiến độ triển khai thực hiện các KCN, CCN, các dự án trọng điểm trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện đầu tư hạ tầng CCN trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ và thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, đặc biệt các ngành công nghiệp có thế mạnh. Qua đó, góp phần tích cực vào việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động trên địa bàn.
Đặc biệt, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo và có nhiều chính sách phát triển các KCN, CCN; công khai các quy hoạch chung, quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất, bảng giá đất trên địa bàn và các chính sách, cơ chế thu hút đầu tư và ưu đãi đầu tư, các văn bản có liên quan đến đầu tư tạo điều kiện các tổ chức, cá nhân tra cứu thông tin…
Bên cạnh đó, Phú Thọ còn xây dựng tiêu chí, danh mục dự án thu hút đầu tư trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm; xác định các nhà đầu tư chiến lược, các dự án động lực, các dự án lan tỏa để phát huy lợi thế cạnh tranh... Đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa, công khai, thông thoáng để giảm thiểu chi phí và thời gian cho các nhà đầu tư... nhằm tạo động lực thu hút đầu tư các dự án, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp.
Tận dụng các chính sách, giải pháp hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh Phú Thọ, các doanh nghiệp tại các KCN, CCN đã khắc phục khó khăn, linh hoạt triển khai các giải pháp để hoàn thành mục tiêu sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động trên địa bàn.
Ông Phan Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần May Pearl Phú Thọ (thành phố Việt Trì), cho biết: Mặc dù chịu tác động bởi nhiều yếu tố khách quan khiến đơn hàng sụt giảm, song Công ty luôn tìm các giải pháp để khắc phục khó khăn. Ngoài chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo thời gian giao hàng, Công ty nỗ lực tìm kiếm đơn hàng từ thị trường nội địa và thị trường một số nước châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc… Nhờ đó, hoạt động sản xuất của Công ty vẫn được duy trì và phát triển, đảm bảo việc làm cho lao động với thu nhập bình quân trên 8 triệu đồng/người/tháng.
Còn ông Oh Chul Kue, Giám đốc Công ty TNHH HwaSung Vina (Khu công nghiệp Cẩm Khê, Phú Thọ), chia sẻ: Những tháng đầu năm 2022 do vẫn chịu tác động bởi dịch Covid-19, cùng với những biến động của tình hình thế giới nói chung nhưng hoạt động sản xuất của Công ty vẫn ổn định, doanh thu đạt 8,6 triệu USD; tạo việc làm ổn định cho trên 320 công nhân với mức thu nhập bình quân 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Các chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiền thưởng, phúc lợi xã hội đều được Công ty thực hiện đầy đủ cho người lao động.
“Bước sang năm 2023, song song với sản xuất các sản phẩm truyền thống là linh kiện điện tử, Công ty mở rộng sản xuất thêm linh kiện ô tô. Cùng với đó, tăng cường phối hợp với các Trung tâm dạy nghề trong việc tuyển dụng, đào tạo lao động; nỗ lực cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm. Phấn đấu năm 2023, doanh thu tăng trưởng thêm 5 - 10% so với năm 2022, góp phần đảm bảo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người lao động” - Giám đốc Oh Chul Kue, thông tin.
Ông YUXIANG, Giám đốc Công ty TNHH Thời trang Raindrop Việt Nam (Khu công nghiệp Cẩm Khê, Phú Thọ), trao đổi: Đầu tư vào tỉnh Phú Thọ, Công ty chú trọng các biện pháp đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động. Ngoài lương cơ bản, Công ty có chế độ phụ cấp trách nhiệm, tay nghề, sản lượng… cho người lao động. Hiện nay, Công ty đang giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 400 lao động với thu nhập bình quân gần 9 triệu đồng/người/tháng.
Để thúc đẩy sản xuất kinh doanh của cá doanh nghiệp và đảm bảo việc làm cho người lao động tại các KCN, CCN, thời gian tới, tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo, nắm bắt tình hình hoạt động, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, tín dụng; tạo điều kiện hỗ trợ tín dụng, bàn giao mặt bằng, thủ tục hải quan, vận tải cho các ngành sản xuất chủ lực, truyền thống như: dệt may, bia, dệt, phân bón, xi măng, sản phẩm từ plastic, vật liệu xây dựng... Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án mới đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tạo sự đột phá trong phát triển công nghiệp, phấn đấu tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt 10- 15%, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.  

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Phú Thọ tích cực thu thập thông tin về người lao động, góp phần hỗ trợ việc làm bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững