Phú Thọ đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong cơ sở sản xuất kinh doanh
(LĐXH)- Để tạo môi trường việc làm an toàn, chăm sóc sức khỏe cho người lao động tại nơi làm việc, thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong cơ sở sản xuất kinh doanh đã được tỉnh Phú Thọ quan tâm thực hiện.
Phú Thọ là địa phương tập trung nhiều loại hình doanh nghiệp hoạt động ở trong và ngoài các khu công nghiệp, thu hút một lực lượng lớn lao động đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Vì vậy, việc đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc luôn được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh quan tâm thực hiện nhằm xây dựng môi trường làm việc an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ tai nạn lao động xảy ra.
Theo thống kê, toàn tỉnh Phú Thọ hiện có trên 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng khoảng 140.000 lao động (doanh nghiệp Nhà nước 2.382 lao động, doanh nghiệp FDI sử dụng 49.301 lao động, doanh nghiệp ngoài quốc doanh sử dụng 87.881 lao động). Riêng tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 167 doanh nghiệp (trong đó có 84 doanh nghiệp FDI), thu hút khoảng 45.000 lao động.
Năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phúc tạp, đã tác động tiêu cực, sâu rộng đến tất cả các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải tạm dừng hoạt động, cắt giảm hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh, dẫn đến thị trường suy giảm, khiến nhiều người lao động phải nghỉ việc, mất việc làm...
Trong bối cảnh đó, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trước dịch bệnh COVID-19, tỉnh Phú Thọ cũng đã tập trung đẩy mạnh công tác ATVSLĐ và hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch.
Cụ thể, các cơ quan chức năng của tỉnh, trong đó hạt nhân là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Thọ thuờng xuyên tuyên truyền những quy định của pháp luật về ATVSLĐ, chính sách và chế độ bảo hộ lao động; triển khai huấn luyện an toàn lao động đến các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là những cơ sở tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao về mất an toàn, dễ dẫn đến tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho người lao động, xử lý những tình huống trong quá trình sản xuất… Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của mỗi doanh nghiệp, người lao động và góp phần xây dựng môi trường làm việc an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của do tai nạn lao động gây ra.
Công ty TNHH Công Nghệ Namuga Phú Thọ (Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt trì) là đơn vị thực hiện khá tốt công tác đảm bảo ATVSLĐ
Năm nay, do tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, tỉnh Phú Thọ không tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ. Các hội nghị, hội thảo, hội thi về ATVSLĐ, các lớp huấn luyện về ATVSLĐ đều phải điều chỉnh quy mô phù hợp và thực hiện các giải pháp phòng chống dịch theo quy định. Các Sở, ban, ngành và đoàn thể tỉnh, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh treo băng zon, khẩu hiệu tại đơn vị hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2021 với chủ đề: “Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên” nhằm đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và nâng cao năng suất lao động tại nơi làm việc.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng yêu cầu các các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ trên hệ thống phát thanh, thông tin nội bộ, các ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng, nâng cao nhận thức của người lao động về công tác ATVSLĐ, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc…
Bà Nguyễn Hiển Ngọc, Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Thọ), đánh giá: Trên địa bàn tỉnh có khá nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được những mô hình đảm bảo ATVSLĐ, nhất là với những doanh nghiệp tập trung đông công nhân lao động. Qua đó đã cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, sớm phát hiện những nguy cơ rủi ro có thể xảy ra gây mất an toàn lao động. Người lao động ở những doanh nghiệp này thường xuyên được khám sức khỏe nhằm kịp thời phát hiện bệnh nghề nghiệp; được trang bị đầy đủ kiến thức để phòng ngừa tai nạn lao động từ những cán bộ phụ trách an toàn lao động ở chính doanh nghiệp mình. Chủ doanh nghiệp tạo điều kiện tốt nhất để người lao động làm việc trong môi trường an toàn, xem đây là một trong những giải pháp quan trọng để giữ chân người lao động.
Cũng theo Trưởng phòng Nguyễn Hiển Ngọc, các quy định của pháp luật về công tác ATVSLĐ hiện nay đã tương đối đầy đủ. Vấn đề là cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, từ đó mới làm tốt công tác huấn luyện, cải thiện môi trường làm việc thì mới góp phần nâng cao năng suất lao động.
Mặc dù đạt những kết quả ghi nhận, song chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 10 vụ tai nạn lao động làm chết 10 người, bị thương 04 người (tăng 9 vụ, tăng 13 người chết, bị thương so với cùng kỳ).
Nhằm hướng đến mục tiêu hạn chế thấp nhất tai nạn lao động xảy ra, thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Thọ sẽ tăng cường triển khai các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ và phòng, chống các bệnh nghề nghiệp. Chú trọng thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng ngừa, kỹ năng kiểm soát các yếu tố nguy hiểm trong các cơ quan, đơn vị và cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp; hướng dẫn tập huấn, kiểm tra, giám sát, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và bệnh liên quan đến nghề nghiệp…
Chí Tâm
TAG: