Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Phú Thọ: Còn nhiều khó khăn trong cai nghiện ma túy tại cộng đồng
01:54 PM 25/09/2019
(LĐXH) - Thời gian qua, Phú Thọ đã và đang tích cực triển khai công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng thông qua các điểm tư vấn, mô hình cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Tuy nhiên công tác tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng ở nhiều xã, phường hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay có 1.180 người nghiện ma túy, trong đó số người nghiện đang cai nghiện ở các cơ sở cai nghiện tập trung là 94 người; số người nghiện ngoài cộng đồng là 1.086 người. Con số trên cho thấy vai trò quan trọng của gia đình và cộng đồng trong việc giúp đỡ các đối tượng đang cai nghiện ma túy.
Người cai nghiện ma túy tự nguyện tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Phú Thọ - Cơ sở 2 tham gia lao động sản xuất
Thời gian qua, hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng đã được lựa chọn nhiều hơn so với trước, song hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn. Nghị định số 94/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng nêu rõ: Đối với trường hợp cai nghiện ma túy tại gia đình thì người cai nghiện hoặc gia đình người cai nghiện có trách nhiệm đăng ký tự nguyện cai nghiện tại gia đình với UBND cấp xã nơi cư trú. Nhưng thực tế cho thấy, các đối tượng nghiện ma túy thường là các đối tượng có tiền án, tiền sự, không tự giác khai báo và thiếu tinh thần hợp tác với lực lượng chức năng để thực hiện các hoạt động vận động, tư vấn cai nghiện, điều trị nghiện. Một số gia đình người nghiện vẫn còn mặc cảm, tự ti khi có con em là người nghiện nên không tự nguyện khai báo, đăng ký cai nghiện tự nguyện.
Còn đối với trường hợp tự nguyện cai nghiện ma túy tại cộng đồng, thì cơ sở y tế cấp xã, bác sĩ điều trị cắt cơn có trách nhiệm khám sức khỏe ban đầu, làm hồ sơ bệnh án cho người nghiện; xét nghiệm để chuẩn bị điều trị cắt cơn; xây dựng kế hoạch điều trị, cai nghiện phù hợp với từng đối tượng. Nhưng thực tế tại các trạm y tế cấp xã, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phác đồ cắt cơn nghiện không còn phù hợp; chưa có nhiều điểm cai nghiện tập trung tại các địa phương.
Khám sức khỏe cho người nghiện tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh
Bên cạnh đó, việc theo dõi, quản lý và tiếp cận người nghiện gặp khó khăn vì người nghiện thường đi làm ăn xa, thường xuyên đi lang thang, không có mặt tại nơi cư trú. Một số người nghiện tham gia điều trị bằng thuốc Methadone luôn biến động, thất thường, vẫn còn tình trạng bỏ liều, bỏ điều trị hoặc đồng thời sử dụng các loại ma túy khác. Do quá trình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, người nghiện dễ dàng gặp gỡ, tiếp xúc với các đối tượng xấu, nếu không được quản lý, giám sát chặt chẽ từ phía gia đình và địa phương sẽ rất dễ tái nghiện.
Trước những khó khăn trong công tác cai nghiện ở cộng đồng, thời gian qua, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh đã chủ động, phối hợp các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng các mô hình cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng. Duy trì mô hình Câu lạc bộ “Nối những vòng tay” và “Cành cọ xanh”; xây dựng các Điểm tư vấn, hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng, thành lập 20 Đội Công tác xã hội tình nguyện để tư vấn, tuyên truyền, giúp đỡ người sau cai nghiện, người nhiễm HIV hoà nhập cộng đồng. Việc triển khai hoạt động cho các điểm tư vấn đã góp phần giảm sự kì thị với người nghiện trong cộng đồng, giúp họ có nơi để chia sẻ, tư vấn, hướng dẫn trong quá trình điều trị tự nguyện. Và quan trọng hơn, đã huy động được sự vào cuộc của cộng đồng trong việc giúp đỡ người nghiện ma túy cai.
Đại diện Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Phú Thọ cho biết: Cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là một trong những giải pháp cần thiết nhằm giúp người nghiện không bị cách ly khỏi xã hội; không gián đoạn học tập, việc làm; giảm sự kỳ thị và có cơ hội hòa nhập cộng đồng. Để cai nghiện thành công và tránh trường hợp tái nghiện, bên cạnh sự quyết tâm của bản thân người nghiện rất cần sự chung tay của chính quyền, đoàn thể các cấp. Nhất là cấp xã, phường, thị trấn cần chủ động giúp đỡ người sau cai nghiện có công ăn việc làm, hỗ trợ kinh nghiệm và vốn để phát triển kinh tế nhằm từng bước ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng./.
Minh Cảnh
TAG:
Tin khác
An Giang: Quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
Lào Cai: Tập trung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
An Giang chú trọng tôn tạo, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
Đẩy mạnh trợ giúp, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người khuyết tật
Thành phố Long Xuyên: Đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn