Phú Thọ chủ động phòng, chống xâm hại trẻ em
(LĐXH)- Ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6) và cũng là ngày đầu tiên trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2020. Nhiều năm qua, tỉnh Phú Thọ đã và đang có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ được sống, học tập, vui chơi an toàn, lành mạnh.
Theo báo cáo của Sở Lao động – TBXH Phú Thọ, toàn tỉnh có 398.672 trẻ em (chiếm 27,23% dân số), 4.770 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (chiếm 1,19%); trong đó có 3.482 trẻ em đang được hưởng chính sách bảo trợ xã hội (chiếm 73%) với mức trợ cấp từ 405 - 675 nghìn đồng/trẻ/tháng, khoảng 170.00 trẻ em dưới sáu tuổi được cấp thẻ BHYT (đạt 100%) và 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc dưới các hình thức.
Thống kê từ năm 2015 đến nay, Phú Thọ đã có 112 em bị xâm hại dưới các hình thức bạo lực, xâm hại tình dục, bỏ rơi và các hình thức gây tổn hại khác, trong đó 87 em nữ. Trong đó, có 97% đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em là người có quen biết, thậm chí là quan hệ ruột thịt, đã có 4 trẻ tử vong do bị xâm hại. Liên quan đến việc xâm hại trẻ em, thành phố Việt Trì đã khởi tố 18 vụ, huyện Đoan Hùng 7 vụ, Tân Sơn 8 vụ… Cũng trong thời gian trên, toàn tỉnh xảy ra gần 1.100 vụ bạo lực gia đình, gồm có nạn nhân là trẻ em dưới 16 tuổi...
Có thể thấy, đối tượng, phương thức, thủ đoạn, tính chất, mức độ của các hành vi xâm hại trẻ em ngày càng nguy hiểm, tình trạng xâm hại trẻ em có thể xảy ra ở bất kể địa phương nào, từ vùng cao cho đến giữa các khu đô thị; thậm chí từ ngay trong nhà trường, gia đình, không phân biệt dân trí thấp hay có học thức. Dự báo trong thời gian tới, công tác bảo vệ trẻ em còn gặp nhiều khó khăn, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Thu Hương, Phó giám đốc Sở Lao động - TBXH Phú Thọ, cho biết: Để nâng cao nhận thức của các ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong việc chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em, công tác tuyên truyền được tỉnh thực hiện thường xuyên dưới nhiều hình thức, theo đặc điểm từng vùng, từng nhóm đối tượng như: tổ chức hội nghị truyền thông trực tiếp, xây dựng tiểu phẩm; các hoạt động chăm lo việc học tập, chăm sóc sức khoẻ, vui chơi giải trí; phát động “Tháng hành động vì trẻ em”; lồng ghép Luật Trẻ em trong các giờ học; thực hiện tốt công tác bảo hiểm y tế học sinh… Các mô hình truyền thông Luật Trẻ em, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình cùng các chính sách pháp luật có liên quan đến trẻ em được tiếp tục mở rộng, cải tiến, phù hợp với mỗi ngành, đoàn thể và nhóm đối tượng. Qua đó, trách nhiệm, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là gia đình, nhà trường, xã hội về chăm sóc trẻ em có những chuyển biến tích cực.
Đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được triển khai thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về phòng, chống xâm hại trẻ em. Tỉnh đã xác lập đường dây nóng miễn phí tư vấn về bảo vệ, can thiệp, hỗ trợ trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại (Số điện thoại: 1800555503). Theo đó, số trẻ em có nguy cơ bị xâm hại được áp dụng biện pháp hỗ trợ gần 45.000 trẻ, trong đó có trên 41.000 trẻ sống trong hộ nghèo, cận nghèo; trên 3.500 trẻ sống trong các gia đình có bố mẹ ly hôn, ly thân, mắc tệ nạn xã hội, mồ côi…
"Từ các hoạt động nâng cao nhận thức, hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em có nguy cơ bị xâm hại đã làm giảm thiểu số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại và có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi. Những đối tượng xâm hại trẻ em được các ngành xử lý dứt điểm, kịp thời, tuyệt đối không có tình trạng bao che, chậm trễ, kéo dài… Đồng thời, xây dựng được niềm tin, tinh thần, cảm giác được bảo vệ trong mỗi gia đình, cá nhân trẻ" - Phó giám đốc Sở Lao động – TBXH Phạm Thị Thu Hương, chia sẻ.
Đặc biệt, nhằm chủ động phòng, chống xâm hại trẻ em, tỉnh Phú Thọ còn tập trung tạo dựng môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ phát triển. Hiện nay, toàn tỉnh duy trì gần 27.000 “Ngôi nhà an toàn” cho trẻ em, 1.668 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, gần 700 Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc… Nhờ đó, hầu hết các vụ bạo lực gia đình mà nạn nhân có trẻ em đều được can thiệp và xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, cùng với việc trang bị kiến thức, kỹ năng, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm xâm hại cho trẻ em thông qua các hoạt động nội khoá, ngoại khoá, các cơ sở giáo dục ở Phu Thọ cũng đã chủ động rà soát các tiêu chuẩn trường học đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Phát huy vai trò của học sinh trong việc ngăn chặn, tố giác hành vi bạo lực xảy ra để kịp thời xử lý, đồng thời, phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh để kịp thời phát hiện những biểu hiện bạo lực, xâm hại.
Ngoài ra, để xây dựng môi trường xã hội an toàn, cơ bản đảm bảo về cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao lành mạnh cho trẻ, từ năm 2017 đến nay, Tỉnh Đoàn thanh niên Phú Thọ đã vận động đoàn viên thanh niên xây dựng điểm sinh hoạt vui chơi cho thanh, thiếu nhi tại 100% các xã trong toàn tỉnh. Riêng tại huyện miền núi Yên Lập, năm 2019 đã vận động xây dựng được ba điểm sinh hoạt vui chơi cho thiếu nhi tại xã Xuân Viên, Xuân An, Mỹ Lung; từ đầu năm 2020 đến nay xây dựng được thêm hai điểm tại xã Ngọc Đồng, Mỹ Lương, phấn đấu đến hết năm tiếp tục xây dựng thêm hai điểm…
Được biết, trong Tháng hành động vì trẻ em 2020, các huyện, thị xã, thành phố ở Phú Thọ sẽ tổ chức những hoạt động “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em” nhằm tạo cơ hội cho trẻ em được bày tỏ ý kiến, trình bày quan điểm, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ. Thiết nghĩ, việc ngăn chặn các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và các tai nạn một cách hiệu quả nhất, rất cần sự chung tay đồng hành của toàn xã hội. Bên cạnh các quy định, chế tài xử phạt nghiêm minh, đủ sức răn đe, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành thì một gia đình hạnh phúc, trường học thân thiện, xã hội an toàn để trẻ được nuôi dưỡng, học tập, vui chơi chính là sự chuẩn bị tốt cho tương lai của đất nước.
Lê Hoàng
TAG: